Hà Bích Hảo – cô gái với khát khao “Sống như ánh mặt trời”

Sinh năm 1994, một tai nạn y khoa trong quá trình điều trị u máu hồi nhỏ đã khiến khuôn mặt của Hà Bích Hảo biến dạng.

Vượt lên những định kiến của bạn bè và những người xung quanh về ngoại hình khác biệt của bản thân, Hà Bích Hảo đã thực hiện ước mơ đến trường và sáng lập ra “Quỹ Mầm và những người bạn” giúp cho các em nhỏ khuyết tật, khó khăn. Trạm yêu thương tuần này kể câu chuyện về nghị lực và sự quyết tâm của Hà Bích Hảo – cô gái với khát khao “Sống như ánh mặt trời” vào lúc 10h00 thứ bảy ngày 16/4/2022 trên kênh VTV1.

Xuất hiện trong chương trình Trạm yêu thương sau 3 cuộc phẫu thuật tìm lại sự hoàn thiện cho gương mặt, Hà Bích Hảo đã chia sẻ hành trình khát vọng của một người đặc biệt được số phận sắp đặt làm những điều khác biệt.

Hơn một tháng khi vừa mới sinh ra, Hà Bích Hảo bị u máu và được bố mẹ đưa đi điều trị nhưng không may em bị bỏng laser kéo lệch một bên mặt. Khi bắt đầu đi học và đón nhận ánh nhìn kỳ thị của những người xung quanh, Hảo mới hiểu rằng mình khác biệt. Trong tâm trí Hảo vẫn in hằn cảm giác tủi thân khi bị bạn ném dép và sách vở vào người, thậm chí xua đuổi, hắt hủi... Rất nhiều lần Hảo hỏi mẹ: “Tại sao con không giống với chị gái và em trai của con?”. Những lúc đó, mẹ chỉ ôm Hảo và khóc. Chia sẻ với Trạm yêu thương, bà Phạm Thị Ngọc – mẹ của Hà Bích Hảo cho biết: “Thương con lắm. Đưa con đi điều trị rồi con thành ra như vậy, tôi day dứt suốt cả cuộc đời”.

Không chỉ có ý định bỏ học nhiều lần, Hà Bích Hảo cũng không ít lần muốn buông bỏ cuộc sống với cảm giác “mình là gánh nặng của bố mẹ”, “là người thừa thãi trong xã hội”. Hà Quỳnh Anh – chị gái của Hảo nhớ lại đã có lần thời còn là sinh viên, em gái đã từng gọi điện đòi tự tử “nếu bố mẹ không có nhà thì chị lên cây cầu đó để tìm xác em”. Đó là lần Hảo bế tắc nhất trong cuộc đời khi một mình đối diện với những kỳ thị của xã hội và những người xung quanh. Bạn bè không muốn học cùng, bạn cùng phòng không muốn ở trọ cùng và nơi thực tập không muốn nhận một người có khuôn mặt dị biệt. Thậm chí, nơi Hảo đến làm tình nguyện viên còn nhắn là “đừng đến nữa vì phụ huynh sợ làm lây cho con trẻ con”.

Tuy nhiên, “khi đã có khát khao sống thì tự bên trong sẽ có sức mạnh để sống” và cô gái Hà Bích Hảo chỉ biết là mình phải sống thật mạnh mẽ để những tháng ngày thanh xuân trôi qua không uổng phí. Vượt lên nghịch cảnh, bỏ qua sự kỳ thị, Hảo luôn nhận thức về bản thân và luôn nỗ lực tự bảo vệ chính mình để vươn lên. Trong những năm học cấp ba, cô bé luôn là một trong năm học sinh đứng đầu lớp, đi thi học sinh giỏi môn Sử của tỉnh Nam Định. Với ước mơ cháy bỏng được đặt chân tới giảng đường đại học, Hảo quyết tâm học tập để khẳng định rằng một người có khiếm khuyết về ngoại hình vẫn có thể học tốt và làm nhiều việc tốt. Suốt 4 năm học tại Khoa Giáo dục đặc biệt - Trường Đại học Sư phạm Hà Nội, Hảo luôn tích cực tham gia các câu lạc bộ, các chiến dịch vì cộng đồng. Với vai trò là Phó Chủ tịch Hội Sinh viên khuyết tật thành phố Hà Nội, Hảo hoạt động năng nổ để hỗ trợ các bạn sinh viên cùng cảnh ngộ.

Với khát khao “sống như ánh mặt trời”, sau khi tốt nghiệp đại học Hà Bích Hảo đã thực hiện đam mê dịch chuyển và làm những công việc thiện nguyện. Cô đã quyết tâm phẫu thuật 3 lần, trải qua bao đau đớn để tìm lại một nửa khuôn mặt đã mất và sống một cuộc đời ý nghĩa trọn vẹn. Cách đây 4 năm, Hảo đã thành lập quỹ “Mầm và những người bạn”. Đến nay, Quỹ đã giúp đỡ rất nhiều trường hợp tai nạn giao thông, ung thư, hoàn cảnh khó khăn trong dịch bệnh. Quỹ cũng đang hỗ trợ các bạn nhỏ được đến trường, tìm kiếm con chữ. Hảo cũng đang là quản lý dự án của tổ chức Helping Vietnam Children - một tổ chức thiện nguyện phi lợi nhuận mổ miễn phí cho các cháu bé có dị tật bẩm sinh hay di chứng tai nạn thuộc các tỉnh miền núi phía Bắc. Giờ đây, với Hà Bích Hảo mỗi ngày trôi qua là “một ngày tôi chọn một niềm vui”. Cô gái tự ti ngày nào giờ đã tự tin, tỏa sáng những năng lượng mới khiến cho tất cả những người tiếp xúc với Hà Bích Hảo giờ đây cảm thấy cuộc sống thật tươi đẹp và đáng sống biết bao!

Trải qua ba cuộc phẫu thuật, giờ đây Hảo có một ước muốn bình dị là được trang điểm thật xinh đẹp và được gặp lại ê kip bác sĩ phẫu thuật giúp Hảo tìm lại sự hoàn thiện cho khuôn mặt. Trạm yêu thương đã hiện thực hóa mong ước đó của Hảo với một cuộc gặp bất ngờ ngay tại trường quay. Không những thế, Trạm yêu thương còn gửi tặng đến Hà Bích Hảo món quà đặc biệt để chắp cánh cho ước mơ lớn nhất Hảo là hoàn thành khóa học cao học chuyên ngành tâm lý để sau này trở thành một nhà hoạt động xã hội có tầm ảnh hưởng, giúp đỡ nhiều hơn những trẻ em khuyết tật, mồ côi, đặc biệt là trẻ tự kỷ.

Hãy cùng Trạm yêu thương đi qua hành trình của cô gái Hà Bích Hảo với những ước mơ bình dị và lớn lao chưa từng chia sẻ đã tìm lại được một nửa khuôn mặt và sống một cuộc đời ý nghĩa lan tỏa những điều tốt đẹp đến với mọi người trong Trạm yêu thương – Sống như ánh mặt trời lên sóng lúc 10h00 thứ bảy ngày 16/4 trên kênh VTV1.

Xem thêm

Trạm yêu thương số 3 – Hãy cứ cho đi

Trạm yêu thương số 3 – Hãy cứ cho đi

Chị Lê Thị Trâm – nhân vật của "Trạm yêu thương" chưa bao giờ nghĩ một người lao công nghèo như mình lại có ngày bị cướp và cũng không ngờ trong cuộc sống có nhiều người tốt như vậy.
Trạm yêu thương số 14: Ước mơ của con là của mẹ!

Trạm yêu thương số 14: Ước mơ của con là của mẹ!

Bị câm điếc bẩm sinh và dị tật ở bàn chân, Trần Nam Long (học sinh lớp 8 Khoa Khiếm thính, Trường Cao đẳng sư phạm Trung ương) có năng khiếu nổi trội về hội họa. Tình yêu và niềm đam mê vẽ đã giúp cuộc sống của Long trở nên thú vị và tràn đầy màu sắc.

Có thể bạn quan tâm

Madam Pang sở hữu bộ sưu tập hàng hiệu đồ sộ

Người đứng sau đế chế Hermes tại “xứ chùa Vàng”

Madam Pang được người hâm mộ bóng đá biết đến là Chủ tịch Liên đoàn bóng đá Thái Lan, nhưng có thể nhiều người chưa biết, bà còn là nữ doanh nhân đứng sau “đế chế” thời trang đồ hiệu xa xỉ trên đất Thái…

Rủi ro tiềm ẩn khi chơi Pickleball

Rủi ro tiềm ẩn khi chơi Pickleball

Mặc dù mang lại nhiều lợi ích cho sức khoẻ, nhưng bộ môn thể thao Pickleball cũng tiềm ẩn những nguy cơ gây chấn thương khó lường…