Hà Nội: Ba cây cầu qua sông Hồng chuẩn bị được xây dựng

Thành phố Hà Nội chuẩn bị xây dựng 3 cầu vượt sông Hồng là Trần Hưng Đạo, Tứ Liên và Vân Phúc.

Cầu Vân Phúc: Ban Quản lý dự án đầu tư xây dựng công trình giao thông Hà Nội cho biết, dự án đầu tư xây dựng cầu Vân Phúc qua sông Hồng và tuyến đường nối ra quốc lộ 32 thuộc huyện Phúc Thọ, phấn đấu duyệt báo cáo nghiên cứu tiền khả thi dự án trong năm 2023.

Cầu Vân Phúc
Dự án cầu Vân Phúc

Cầu Vân Phúc có điểm đầu tại vị trí giao cắt quốc lộ 32, thuộc xã Phụng Thượng, huyện Phúc Thọ; điểm cuối ở ranh giới của Hà Nội và tỉnh Vĩnh Phúc. Phần cầu chính vượt sông, cầu cạn vượt vùng lòng hồ Vân Cốc và cầu dẫn phía Hà Nội rộng 20,5 m. Quy mô 4 làn xe cơ giới và 2 làn xe thô sơ.

Phần đường sẽ nối từ quốc lộ 32 đến cầu cạn vượt lòng hồ Vân Cốc rộng 32 m, quy mô 6 làn xe cơ giới và 2 làn xe thô sơ.

Cầu Tứ Liên: Dự án đầu tư xây dựng cầu Tứ Liên và đường từ cầu Tứ Liên đến cao tốc Hà Nội - Thái Nguyên đang triển khai thực hiện lập hồ sơ báo cáo nghiên cứu khả thi dự án, dự kiến trình trong quý 3/2023.

Cụ thể, cầu Tứ Liên sẽ nằm giữa cầu Nhật Tân và cầu Long Biên, nối quận Tây Hồ với huyện Đông Anh; kết nối từ tuyến đường trục chính đô thị quy hoạch dọc đê Hữu Hồng với quốc lộ 5 kéo dài, thuộc địa bàn quận Tây Hồ, quận Long Biên và huyện Đông Anh.

Cầu Tứ Liên
Dự án cầu Tứ Liên

Phạm vi dự kiến có điểm đầu giao với đường Nghi Tàm, điểm cuối qua nút giao quốc lộ 5 với tổng chiều dài theo tuyến thẳng khoảng 4,8 km. Phương án kiến trúc cầu là cầu dây văng, kết hợp văng xoắn, với hệ khung kết cấu thép nhẹ, hai hệ trụ cầu chính được tạo hình.

Cầu Trần Hưng Đạo: Ban đã hoàn thành công tác tổ chức trưng bày, triển lãm và tham vấn ý kiến cộng đồng phương án kiến trúc cầu và được UBND thành phố Hà Nội phê duyệt kết quả thi tuyển phương án kiến trúc.

Thành phố Hà Nội đã chấp thuận giao một doanh nghiệp lập hồ sơ đề xuất chủ trương đầu tư, báo cáo nghiên cứu tiền khả thi dự án theo phương thức PPP, loại hợp đồng BOT để trình thẩm định.

Cầu Trần Hưng Đạo nằm khoảng giữa cầu Chương Dương và Vĩnh Tuy. Phía nam cầu này kết nối vào đường Trần Hưng Đạo tại điểm giáp ranh hai quận Hoàn Kiếm và Hai Bà Trưng.

Ở phía bắc, cầu đi qua bãi sông Hồng, men theo rìa phía tây khu vực sân bay Gia Lâm, tới nút giao quy hoạch với đường Nguyễn Văn Linh. Điểm đầu tại ngã 5 Trần Hưng Đạo - Trần Thánh Tông - Lê Thánh Tông, điểm cuối tại điểm giao với đường Vũ Đức Thuận.

Hà Nội
Dự án cầu Trần Hưng Đạo

Cầu chính dài 900 m, gồm 6 nhịp, với tổng chiều dài cầu và đường dẫn hai đầu khoảng 5,5 km, qua các quận Hoàn Kiếm, Hai Bà Trưng, Long Biên. Cầu Trần Hưng Đạo gồm hai chiều, mỗi chiều hai làn xe cơ giới và một làn xe hỗn hợp. Ngoài ra, hai đầu cầu có công viên phục vụ người dân vui chơi, giải trí.

Hiện, Tứ Liên, Trần Hưng Đạo, Vân Phúc là 3 trong 10 cầu qua sông Hồng được xây dựng theo quy hoạch giao thông vận tải đến năm 2030, tầm nhìn 2050. 7 cầu còn lại gồm: Hồng Hà, Mễ Sở (vành đai 4), Thăng Long mới (vành đai 3), Vĩnh Tuy (giai đoạn 2), Thượng Cát, Ngọc Hồi (vành đai 3,5), cầu Phú Xuyên.

Hiện nay, Hà Nội có 8 cầu qua sông Hồng: Thăng Long, Chương Dương, Vĩnh Tuy (giai đoạn 1), Thanh Trì, Nhật Tân, Vĩnh Thịnh, Long Biên, Việt Trì - Ba Vì.

Xem thêm

Có thể bạn quan tâm

VNDirect nâng dự báo tăng trưởng GDP Việt Nam 2024 đạt 6,9%

VNDirect nâng dự báo tăng trưởng GDP Việt Nam 2024 đạt 6,9%

VNDirect đã nâng dự báo tăng trưởng GDP năm 2024 của Việt Nam từ 6,7% lên 6,9%, đồng thời cho rằng GDP quý 4/2024 sẽ tăng 7,1%. Công ty chứng khoán này cũng đưa ra kịch bản lạc quan GDP của Việt Nam tiếp tục tăng trưởng 6,9% trong năm 2025...

VACOD-HBA thúc đẩy “nâng tầm” doanh nghiệp về kế toán, kiểm toán, AI

VACOD-HBA thúc đẩy “nâng tầm” doanh nghiệp về kế toán, kiểm toán, AI

TS Nguyễn Hồng Sơn, Chủ tịch VACOD-HBA mong muốn các doanh nghiệp không chỉ phát huy bản lĩnh, tinh thần vượt khó của “những người lính thời bình”, nắm bắt công nghệ mới, không ngừng học hỏi để giúp phát triển doanh nghiệp bền vững, mà còn xây dựng thành công văn hoá kinh doanh trong doanh nghiệp...