Đây là một trong các nội dung đáng chú ý tại hội nghị lấy ý kiến góp ý kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội 5 năm 2021 - 2025 của TP. Hà Nội chiều 20/4.
Tại hội nghị, Quyền Giám đốc Sở Công Thương Hà Nội Trần Thị Phương Lan cho biết, ngành có 3 mục tiêu trong kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội 5 năm.
Với lĩnh vực phát triển công nghiệp, trong giai đoạn 2021-2025, trong Chương trình 02 của Thành ủy, kế hoạch 5 năm đã đưa ra mục tiêu phát triển mới, phát triển 2-3 khu công nghiệp; hoàn thành, khởi công trong giai đoạn này 43 cụm công nghiệp; phát triển mới, xây dựng mới, thành lập mới thêm 46 cụm công nghiệp nữa để đạt trên địa bàn Thành phố đủ 159 cụm công nghiệp theo kế hoạch đã đưa phê duyệt.
Bà Phương Lan cho biết, nếu lấp đầy 43 cụm công nghiệp; thành lập mới 46 cụm công nghiệp; Hà Nội sẽ có gần 100 cụm công nghiệp mới trong giai đoạn 2021-2025, sẽ thu hút các doanh nghiệp đầu tư trên địa bàn, kể cả các doanh nghiệp trong nước, doanh nghiệp FDI.
Đối với lĩnh vực sản xuất sản phẩm công nghiệp hỗ trợ, công nghiệp chủ lực, ngành Công Thương xác định các ngành nghề chủ lực, mũi nhọn. Hiện nay, trên địa bàn Hà Nội có 117 sản phẩm công nghiệp chủ lực, có những doanh nghiệp có sản phẩm chủ lực với doanh thu nghìn tỷ. Ngoài ra, Sở cũng tìm ra những sản phẩm chủ lực chiếm tỷ trọng cao, giúp tăng trưởng tốt.
Đối với làng nghề tiểu thủ công nghiệp, trong giai đoạn 2015 - 2020 chưa được quan tâm đúng mức. Do đó, Sở cùng các đơn vị, quận, huyện tính toán, cần phải thúc đẩy làng nghề phát triển.
Đối với lĩnh vực thương mại, Sở xác định tập trung thu hút đầu tư hạ tầng thương mại. Khu vực vùng nông thôn cải tạo, xây dựng hệ thống chợ khang trang, sạch đẹp, tạo nguồn thu ngân sách lâu dài. Cùng với đó, tập trung đầu tư 5 chợ đầu mối, có những chợ đáp ứng tiêu chuẩn quốc tế. Ngoài ra, phát triển mô hình kinh tế đêm, kinh tế chia sẻ, phát triển hệ thống máy bán hàng tự động... Bà Phương Lan cho biết ngành Công Thương sẽ tập trung chỉ đạo những lĩnh vực nêu trên để phát triển kinh tế giai đoạn 2021-2025..