Hiện, khó khăn lớn nhất của việc bán tiếp cổ phần Habeco là quá trình đàm phán với Carlsberg, đại diện của Habeco đã phát biểu như vậy trong một cuộc hội thảo gần đây về cổ phần hóa doanh nghiệp nhà nước dưới góc độ nhà đầu tư nước ngoài tổ chức tại Hà Nội.
Ông Vương Toàn, Phó tổng giám đốc Habeco giải thích thêm, theo thỏa thuận về hợp tác chiến lược được ký năm 2009, Carlsberg đã mua 16% cổ phần của Habeco và trở thành đối tác chiến lược. Thỏa thuận về việc mua bán cổ phần đã ký cho phép Carlsberg được quyền ưu tiên mua trước khi Habeco bán tiếp cổ phần.
Do đó, Habeco ưu tiên đàm phán với Carlsberg trước các đối tác khác khi Chính phủ phê duyệt bán tiếp cổ phần của Habeco vào cuối năm nay. Theo ông Toàn, văn bản thỏa thuận so với hiện tại có chỗ vướng là quyền ưu tiên mua này đồng thời phải đảm bảo giá trị bán thu về cho ngân sách nhà nước tối ưu. Hai bên đã có 9 phiên trao đổi, đàm phán về việc bán tiếp. Đàm phán sẽ kết thúc vào ngày 15-11 tới và khi đó mới biết được hai bên có đi đến thỏa thuận cuối cùng hay không.
Carlsberg - hiện đã nắm 17,5% cổ phần tại hãng bia Habeco (1,5% tỷ lệ cổ phần mua thêm là mua ngoài thị trường tự do - NV) biết được Nhà nước sẽ thoái vốn sâu tại Habeco nên muốn nắm ít nhất 51% cổ phần. Tuy nhiên, Habeco ngoài ngành kinh doanh chính là bia còn kinh doanh thêm rượu, lương thực, bất động sản. Một trong số ba ngành này Chính phủ chưa cho phép nhà đầu tư ngoại nắm giữ trên 49%.
Tuy nhiên, theo thông tin của TBKTSG Online, vấn đề lớn nhất trong cuộc “hôn nhân” Carlsberg-Habeco không phải là việc Habeco bán bao nhiêu phần trăm cổ phần và Carlsberg có thể mua được tối đa bao nhiêu mà vấn đề là giá bán. Cổ phiếu trung bình của Habeco (BHN) trong tháng 8 được giao dịch trên sàn HOSE với giá khoảng 85.000 đồng/cổ phiếu, tương đương vốn hóa thị trường của doanh nghiệp khoảng 19.350 tỉ đồng. Mức giá này tăng gấp đôi so với mức giá niêm yết chào sàn cuối tháng 10 năm ngoái và tăng gấp rưỡi so với thời điểm bán cổ phần lần đầu năm 2008.
Tuy nhiên, đối tác chiến lược muốn đàm phán ở mức giá tương đương với giá chào bán cổ phần lần đầu ra công chúng (IPO) của Habeco nên hai bên chưa tìm được tiếng nói chung, cho dù Carlsberg có quyền ưu tiên đàm phán.
Hơn nữa, Bộ Công Thương không đưa ra thông tin chính thức về việc chào bán bao nhiêu lượng cổ phần, bán một lần hay cách thức bán chia làm nhiều đợt. Phía bộ cũng chưa công bố việc sẽ bán thêm cổ phần tối đa cho nhà đầu tư nước ngoài, cho dù là Carlsberg hay đối tác khác là bao nhiêu.
Nếu mua được thêm cổ phần của Habeco, Carlsberg sẽ chiếm khoảng 30% thị phần thị trường bia ở Việt Nam, sau Sabeco hiện đang nắm 40% thị phần, chủ yếu ở phía Nam.
Theo Lan Nhi/ TBKTSG