Sở giao dịch chứng khoán TP.HCM (HoSE) vừa có thông báo về việc hủy niêm yết đối với cổ phiếu PPI của CTCP Đầu tư và phát triển dự án hạ tầng Thái Bình Dương có hiệu lực từ ngày 20/5.
Theo đó, toàn bộ số lượng chứng khoán hủy niêm yết là gần 48,3 triệu cổ phiếu, tương đương giá trị gần 483 tỷ đồng sẽ giao dịch ngày cuối cùng vào 17/5.
Lý do cổ phiếu này bị hủy niêm yết là do kết quả sản xuất, kinh doanh căn cứ vào lợi nhuận sau thuế của cổ đông công ty mẹ PPI bị thua lỗ trong 3 năm liên tiếp (năm 2016, 2017 và 2018) thuộc trường bị hủy niêm yết theo quy định tại Quy chế niêm yết chứng khoán tại HoSE.
Đây không phải là thông tin quá bất ngờ đối với các cổ đông của công ty này, bởi PPI đã được gọi tên từ hồi đầu năm 2019. Tuy nhiên, ngay trước thềm bị hủy niêm yết, cổ phiếu PPI liên tục ghi nhận chuỗi các phiên giảm sàn và tăng trần nhưng thị giá vẫn loanh quanh mức 1.000 đồng/cp.
Được biết, ngày 12/4/2010, hơn 10 triệu cổ phiếu PPI chính thức niêm yết tại Sở giao dịch Chứng khoán TP HCM với giá đóng cửa phiên giao dịch lần đầu 38.400 đồng/cp. Sau 9 năm niêm yết trên sàn, cổ phiếu PPI trượt dốc và chỉ lình xình quanh mốc giá hiện nay.
Cũng trong tháng 5, 150 triệu cổ phiếu VHG của CTCP Đầu tư Cao su Quảng Nam cũng bị hủy niêm yết từ ngày 23/5, phiên giao dịch cuối cùng vào 22/5.
Nguyên nhân khiến VHG bị hủy niêm yết bởi kết quả kinh doanh 3 năm liên tiếp gần nhất thua lỗ. Cụ thể, lợi nhuận sau thuế công ty mẹ 2018 là âm 260,4 tỷ đồng; năm 2017 lỗ 1.178,5 tỷ đồng; năm 2016 lỗ 32,5 tỷ đồng, căn cứ trên báo cáo tài chính hợp nhất kiểm toán các năm.
Theo đó, cổ phiếu VHG sẽ không đủ điều kiện để niêm yết tại HoSE và thuộc diện hủy niêm yết bắt buộc.
Trước đó, Cao su Quảng Nam đã có đơn và nguyện vọng mong HoSE tạo điều kiện cho công ty hủy niêm yết và tiến hành đăng ký giao dịch trên UPCoM, nhằm bảo vệ việc giao dịch chuyển nhượng cổ phần của cổ đông được liên tục.
Đồng thời có văn bản giải trình nguyên nhân lỗ 3 năm liên tiếp. Cụ thể, lợi nhuận sau thuế của cổ đông công ty mẹ trong năm 2018 âm hơn 302 tỷ đồng là do chi phí tài chính tăng do việc trích lập dự phòng tại công ty mẹ cho khoản đầu tư vào CTCP sản xuất ứng dụng Công nghệ Thái Sơn là 75,3 tỷ.
Đồng thời, tại công ty con là CTCP Khoáng sản Quảng Nam cũng ghi nhận một số khoản chi phí tài chính là lỗ do thoái chuyển nhượng cổ phần tại Công ty TNHH Thống nhất số tiền là 173,4 tỷ đồng; lỗ do thoái chuyển nhượng cổ phần tại CTCP Phát triển bất động sản Tây Hồ Tây là 13 tỷ và dự phòng vào Công ty sản xuất ứng dụng công nghệ cao Thái Sơn giá trị gần 30 tỷ đồng.
Thời gian qua, trên thị trường chứng khoán cổ phiếu VHG đã “làm mưa, làm gió” khi tăng trần liên tiếp 24 phiên (từ 19/3 đến 22/4), tăng 370% từ 440 đồng/cp lên 2.070 đồng/cp. Tuy nhiên, trong 3 phiên giao dịch gần đây, VHG đã gặp áp lực chốt lời lớn đã giảm sàn, hiện chỉ còn 1.580 đồng/cp.
Ngoài ra, hiện đang có hai doanh nghiệp đang phải đối mặt với “án tử” khi đang phải giải trình nguyên tình trạng bị hủy niêm yết là CTCP Tập đoàn Đại Châu (mã: DCS), CTCP Vinaconex 39 (mã: PVV).