Hãng hàng không Cánh Diều chưa đáp ứng các điều kiện trình Thủ tướng xem xét

Phó Thủ tướng Trịnh Đình Dũng vừa có ý kiến chỉ đạo về Dự án vận tải hàng không Cánh Diều, theo đó giao Bộ Kế hoạch và Đầu tư trả lời nhà đầu tư về việc chưa đáp ứng các điều kiện trình Thủ tướng xem xét.
Hãng hàng không Cánh Diều chưa đáp ứng các điều kiện trình Thủ tướng xem xét

Xét đề nghị của Bộ Kế hoạch và Đầu tư (KH-ĐT) về chủ trương đầu tư Dự án vận tải hàng không Cánh Diều, Phó Thủ tướng Trịnh Đình Dũng giao Bộ KH-ĐT, trên cơ sở ý kiến của Bộ Giao thông vận tải (GTVT) về việc thành lập thêm các hãng hàng không trong tình hình mới nhằm đảm bảo quản lý nhà nước về hàng không, trả lời nhà đầu tư về việc chưa đáp ứng các điều kiện trình Thủ tướng Chính phủ xem xét, quyết định chủ trương đầu tư theo quy định của pháp luật.

Theo thông tin từ Bộ Kế hoạch và Đầu tư, trong Công văn số 5568/BKHĐT-GSTĐĐT gửi Thủ tướng Chính phủ, Bộ KH-ĐT đề nghị Thủ tướng Chính phủ dừng xem xét quyết định chủ trương đầu tư Dự án vận tải hàng không Cánh Diều.

Trước đó, tháng 5/2020, Bộ GTVT đã kiến nghị Thủ tướng Chính phủ xem xét lập hãng mới sau năm 2022, khi thị trường hàng không phục hồi hoàn toàn hậu Covid-19.

Tháng 7/2020, Văn phòng Chính phủ đã thông báo ý kiến Phó Thủ tướng Trịnh Đình Dũng về việc xem xét thành lập thêm các hãng hàng không trong tình hình mới. Theo đó, Phó Thủ tướng Trịnh Đình Dũng đồng ý về nguyên tắc kiến nghị của Bộ GTVT về việc rà soát, xem xét việc thành lập thêm các hãng hàng không mới trong tình hình mới theo hướng không xem xét thành lập hãng hàng không mới cho đến hết năm 2021.

Bộ KH-ĐT được giao, với chức năng là cơ quan thẩm định chủ trương đầu tư Dự án vận tải hàng không Cánh Diều, căn cứ kiến nghị của Bộ GTVT báo cáo Thủ tướng về chủ trương đầu tư Dự án.

Dự án vận tải hàng không Cánh Diều (KiteAir) tại cảng hàng không Chu Lai, huyện Núi Thành, tỉnh Quảng Nam của công ty cổ phần Hàng không Thiên Minh có tổng vốn 5.500 tỷ đồng, trong đó vốn chủ sở hữu là 1.000 tỷ đồng, vốn vay 4.500 tỷ đồng. Dự án vận tải hàng không Cánh Diều có mục tiêu thành lập một hãng hàng không chi phí thấp, khai thác kinh doanh vận chuyển hàng không thường lệ, tập trung khai thác các đường bay nội địa, với các đường bay nối trực tiếp tới các địa phương có dung lượng thị trường nhỏ và các đường bay nối Cảng hàng không quốc tế Đà Nẵng, Nội Bài, TP. HCM với các địa phương.

Trong năm đầu tiên vận hành thương mại, Cánh Diều sẽ khai thác 6 tàu bay cánh quạt tầm ngắn ATR72 hoặc tương đương với sân bay căn cứ là Chu Lai và Đà Nẵng. Đến năm khai thác thứ 5 (năm 2025), đội bay của Cánh Diều sẽ tăng lên 30 chiếc, bao gồm 15 tàu bay ATR72 và 15 tàu bay A320/321 hoặc tương đương.

Xem thêm

Có thể bạn quan tâm

Có hiện tượng người tham gia đấu giá trả giá cao bất thường, có dấu hiệu thổi giá trong đấu giá đất

Thủ tướng yêu cầu chấn chỉnh hoạt động đấu giá đất

Thủ tướng giao Bộ Tài nguyên và Môi trường tăng cường kiểm tra, thanh tra hoạt động đấu giá quyền sử dụng đất đối với những trường hợp có biểu hiện bất thường, kịp thời phát hiện các bất cập trong quy định pháp luật để tham mưu, đề xuất cấp thẩm quyền sửa đổi, bổ sung cho phù hợp...

Giải bài toán nhà ở: Cần "di dời" sức cầu ra vùng ven

Giải bài toán nhà ở: Cần "di dời" sức cầu ra vùng ven

Với mức giá bất động sản hiện tại, những người có thu nhập rất khó sở hữu một căn nhà. Tuy nhiên, các chuyên gia bất động sản chỉ ra rằng, giải pháp không nằm ở nội đô chật chội mà ở các khu vực ven đô đang phát triển…