Karaoke đã trở thành một trong những hoạt động giải trí phổ biến tại khắp các quốc gia trên thế giới. Nếu ở Trung Quốc, karaoke gắn kết gia đình và giúp thu hẹp khoảng cách thế hệ thì ở bên kia của quả địa cầu karaoke tồn tại trong các quán rượu, quán bar tại Mỹ và châu Âu.
KTV tại Trung Quốc
Tại Trung Quốc, mọi người hay gọi hát karaoke là KTV, viết tắt của karaoke TV. Một trung tâm mua sắm hoặc quảng trường giữa đô thị ở một thành phố của Trung Quốc sẽ không hoàn thiện nếu thiếu đi một vài bảng hiệu KTV (Karaoke TV) sáng rực để thắp sáng khung cảnh nơi đây.
Karaoke TV tại Trung Quốc là nơi thường được các nhóm bạn trẻ lui tới. Tuy nhiên không khó để bắt gặp những doanh nhân tuổi trung niên đổ xô ra vào nơi đây vào giờ đêm muộn.
Được biết, Karaoke TV ở Trung Quốc được chia thành hai loại: KTV thân thiện với gia đình, dịch vụ này chỉ cung cấp các buổi hát đơn, đồ uống và đồ ăn nhẹ và KTV đặc biệt, cho phép các doanh nhân giàu có phô trương sự giàu có của mình bằng cách thuê các cô gái hát và nhảy.
Tại các KTV thân thiện với gia đình, quy mô phòng rất phong phú, cỡ nhỏ 1-3 người, cỡ trung bình 4-7 người đến cỡ lớn 8-13 người. Tiền thuê phòng KTV có thể được trả theo giờ, hoặc được trả khi đặt phòng trước.
Đối với KTV đặc biệt, một đêm tại đây có thể có những hóa đơn thanh toán lên tới hàng nghìn đô la.
Karaoke tại Nhật Bản
Nhật Bản là cái nôi ra đời của karaoke. Có vô vàn những xu hướng giải trí đến rồi đi nhưng karaoke đã trở thành một phần không thể thiếu trong văn hóa Nhật Bản. Tất cả các thành phố lớn, các khu giải trí hoặc xung quanh các ga xe lửa tại Nhật Bản đều có các hộp karaoke.
Mức phí để chi trả cho các buổi karaoke tại Nhật Bản thường giao động từ 100 tới 400 yên. Bên cạnh đó, ở Nhật Bản còn kinh doanh các gói karaoke vào giờ cố định trong nhiều ngày có giá giao động từ 500 yên cho tới 2500 yên.
Một nghiên cứu vào năm 2019 của Đại học Quốc gia Singapore cho biết, những người phụ nữ Nhật lớn tuổi thường xây dựng và duy trì các mối quan hệ xã hội thông qua việc theo đuổi chung sở thích hát karaoke.
Hoạt động karaoke tại Nhật Bản đã tồn tại hơn 50 năm qua. Các mô hình kinh doanh karaoke tại Nhật Bản cũng trở nên phong phú và độc đáo.
Chuỗi khách sạn sang trọng Hoshino Resorts tại Nhật Bản đã cho ra mắt dịch vụ hát karaoke giữa biển vô cùng độc đáo.
Dịch vụ này có tên là Kaijo Karaoke (Karaoke trên biển), được xem là một dịch vụ độc đáo giúp cho khách hàng thỏa sức thể hiện giọng hát giữa đại dương mênh mông.
Karaoke ở Mỹ và Châu Âu
Karaoke đã trở nên phổ biến trong các quán bar và quán rượu ở Mỹ và một số nước Châu Âu. Các đêm karaoke sẽ được tổ chức hàng tuần tại các nhà hàng và quán bar địa phương.
Do được tổ chức tại các quán bar và quán rượu nên cần phải lên danh sách tên ai hát, hát bài nào và khi nào trước khi diễn ra những đêm karaoke. Mọi người sẽ hát công khai, đôi khi là trên một sân khấu nhỏ.
Bên cạnh đó, những người hát sẽ phải trả một khoản phí cho mỗi bài hát mà họ hát. Điều đặc biệt là những khách hàng hát karaoke quen thuộc tại các nhà hàng, quán bar này có thể được hát miễn phí, quán bar vẫn có doanh thu từ việc bán đồ ăn thức uống cho họ.
Những hoạt động trên đều mang lại lợi ích tài chính cho cơ sở kinh doanh khi những cơ sở này không phải trả phí thuê một ca sĩ chuyên nghiệp hay không phải đóng thuế quán rượu có tên là thuế cho hoạt động giải trí của nhiều người.
Ở Mỹ và một số nước châu Âu cũng có các phòng karaoke riêng như các hộp karaoke ở châu Á. Dạo quanh Los Angeles, Chicago, New York không khó để bắt gặp các hộp karaoke.
Trên khắp Bắc Mỹ, karaoke tồn tại dưới hình thức các ban nhạc karaoke trực tiếp. Các ca sĩ hát karaoke sẽ hát cùng ban nhạc sống trên các con phố.
Karaoke cũng rất phổ biến trong cộng đồng nghệ thuật biểu diễn quốc tế ở châu Âu, một nhóm các nhà sản xuất Phần Lan đã tổ chức cuộc thi karaoke quốc tế mang tên KWC vô cùng đặc biệt.
Ra đời vào những năm 70 của thế kỷ 20, karaoke đã tồn tại cho tới bây giờ và là một phần không thể thiếu trong hoạt động giải trí của con người. Liệu rằng trong tương lai sẽ có những hình thức hát karaoke mới lạ trên thế giới?