Theo đó, tổng số cổ phiếu mà VRG niêm yết là 4 tỷ đơn vị tương ứng với tổng vốn điều lệ của công ty là 40.000 tỷ đồng. Trước đó, tại phiên đấu giá lần đầu ra công chúng (IPO), VRG đã đưa 475,1 triệu cổ phần ra đầu giá nhưng chỉ 499 nhà đầu tư đăng ký mua gần 101 triệu cổ phần, chiếm hơn 1/5 lượng cổ phần mang ra chào bán. Giá đấu thành công bình quân 13.011 đồng/cổ phiếu, thu về 1.311 tỷ đồng.
Tuy nhiên, sau IPO, chỉ 99.140.960 cổ phiếu GVR được đăng ký giao dịch trên UPCoM từ 21/3/2018 với giá tham chiếu trong ngày giao dịch đầu tiên 13.000 đồng/cp, nhưng cũng nhanh chóng điều chỉnh vùng giá 7.000 đồng/cp. Số lượng cổ phần đăng ký giao dịch chiếm một phần nhỏ trong tổng số cổ phần của công ty – là số cổ phần trúng giá trong phiên IPO.
Kể từ sau cuộc họp ĐHĐCĐ thường niên 2019 với các thông tin liên quan đến bù đất sân bay Long Thành cũng như "sóng" cổ phiếu khu công nghiệp, cổ phiếu GVR bước vào giai đoạn thanh khoản tăng mạnh lập đỉnh ở mức 16.400 đồng/cp và hiện có thị giá 14.500 đồng/cp.
VRG hiện đang là doanh nghiệp có vốn điều lệ lớn nhất sàn UPCoM với 40.000 tỷ đồng, vốn hoá thị trường đạt 58.000 tỷ đồng - đứng thứ 4 sau ACV, Viettel Global và VEAM.
Tập đoàn Cao su hiện sở hữu quy mô tài sản lên đến 76.000 tỷ đồng, cấu trúc nợ vay khoảng 16% tổng tài sản, quản lý quỹ đất lớn nhất Việt Nam với 474.000ha đất nông nghiệp và 18.000ha đất phi nông nghiệp trải dài khắp Việt Nam, Lào và Campuchia.
Ngoài ra, VRG cũng là một trong những doanh nghiệp có lượng tiền khổng lồ trên 10.000 tỷ đồng đảm bảo cho các hoạt động đầu tư và kinh doanh. Tập đoàn còn sở hữu hệ thống 105 công ty con, tiêu biểu như Cao su Đồng Nai, Dầu Tiếng, Phước Hòa, Đồng Phú, Nam Tân Uyên, Bình Long, Gỗ Thuận An… và 21 công ty liên kết.