Hơn 13.000 tỷ đồng mà Bộ KHĐT đề xuất để “xoá sổ” 8 dự án BOT sẽ được chi như thế nào?

Về đề xuất chấm dứt hợp đồng trước thời hạn với 8 dự án BOT đang gặp khó khăn của Bộ Giao thông vận tải Bộ Kế hoạch và Đầu tư đề nghị xem xét kỹ từng dự án để có phương án cụ thể.
Hơn 13.000 tỷ đồng mà Bộ KHĐT đề xuất để “xoá sổ” 8 dự án BOT sẽ được chi như thế nào?

Bộ Giao thông vận tải (GTVT) vừa có kiến nghị Chính phủ trình Quốc hội xem xét, quyết định giải pháp chấm dứt hợp đồng trước thời hạn và bố trí vốn ngân sách nhà nước (khoảng 13.115 tỷ đồng) để thanh toán cho nhà đầu tư, doanh nghiệp dự án của 8 dự án).

Theo báo cáo của Bộ GTVT, trong giai đoạn 2005-2020, Bộ đã huy động khoảng 247.575 tỷ đồng để đầu tư 72 dự án theo phương thức PPP. Đến nay, các dự án PPP này đã hoàn thành, đưa vào khai thác sử dụng, góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội, bảo đảm quốc phòng - an ninh, giảm ùn tắc, tai nạn giao thông khu vực có tuyến đi qua...

Tuy nhiên, đến nay qua rà soát Bộ GTVT báo cáo có 8 dự án BOT còn bất cập, cần được báo cáo cấp có thẩm quyền xem xét, xử lý bao gồm: 4 trạm chưa thu được phí (trong đó có 2 trạm có bất cập do “đầu tư một nơi, thu phí một nơi”; 2 trạm gặp vấn đề về an ninh trật tự khi tổ chức thu phí) và 4 dự án đã thực hiện thu phí nhưng không đảm bảo phương án tài chính ban đầu (trong đó có 3 dự án sụt giảm doanh thu do phát sinh đường/cầu song hành, 1 dự án do điều chỉnh quy hoạch cảng thuỷ nội địa nên không thể tổ chức thu phí).

Cho ý kiến về vấn đề này, Bộ Kế hoạch và Đầu tư (KH&ĐT) đánh giá, cả 8 dự án đều được triển khai trước thời điểm Luật PPP có hiệu lực thi hành. Do đó, từng dự án cần phải được xem xét kỹ lưỡng trên cơ sở nội dung hợp đồng BOT đã ký. Bộ GTVT cũng cần phân loại cụ thể 8 dự án theo 2 trường hợp chấm dứt hợp đồng: do sự kiện bất khả kháng và do phía cơ quan ký kết hợp đồng vi phạm hợp đồng.

Về nguồn vốn để thanh toán chấm dứt hợp đồng 7 dự án từ nguồn vượt thu ngân sách nhà nước năm 2012 và từ các nguồn tăng thu, tiết kiệm chi hàng năm trong giai đoạn 2021 - 2025, Bộ KH&ĐT đề nghị Bộ Tài chính xem xét, báo cáo Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ về nguồn vốn này để báo cáo Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Quốc hội theo quy định.

Về nguồn vốn hỗ trợ của nhà nước (khoảng 2.280 tỷ đồng) để thay thế cơ chế thu phí tại trạm La Sơn - Túy Loan, Bộ KH&ĐT cho biết, theo quy định của pháp luật về đầu tư công, nguồn vốn hỗ trợ của nhà nước được bố trí trong kế hoạch đầu tư công trung hạn của cơ quan có thẩm quyền. Bộ KH&ĐT đề nghị Bộ GTVT chủ động bố trí nguồn vốn này trong kế hoạch đầu tư công trung hạn giai đoạn 2021 - 2025 của Bộ theo quy định nếu được cấp có thẩm quyền thông qua chủ trương.

Để đảm bảo đủ cơ sở pháp lý để xử lý dứt điểm các vướng mắc, Bộ KH&ĐT kiến nghị Thủ tướng Chính phủ giao Bộ GTVT chịu trách nhiệm toàn diện trước Chính phủ, Thủ tướng và các cơ quan có thẩm quyền về thông tin, số liệu, rà soát nội dung hợp đồng, cơ sở pháp lý của việc đề xuất chấm dứt hợp đồng và các vấn đề tồn tại của dự án dẫn đến phải chấm dứt hợp đồng dự án trước thời hạn.

8 dự án BOT: trạm thu phí La Sơn - Túy Loan; trạm thu phí Bỉm Sơn; trạm thu phí Quốc lộ 3 (hoàn vốn cho Dự án BOT xây dựng tuyến đường Thái Nguyên - Chợ Mới); trạm thu phí trên Quốc lộ 91 (hoàn vốn cho Dự án BOT cải tạo, nâng cấp Quốc lộ 91 đoạn Km14 - Km50+889 đang tạm dừng thu phí); dự án đầu tư nâng cấp, mở rộng đường Hồ Chí Minh đoạn Km1738+148 - Km1763+610; dự án BOT cầu Thái Hà vượt sông Hồng; dự án cải tạo, nâng cấp luồng sông Sài Gòn đoạn từ cầu đường sắt Bình Lợi tới cảng Bến Súc; dự án đầu tư xây dựng công trình cầu Việt Trì - Ba Vì nối Quốc lộ 32 với Quốc lộ 32C.

Xem thêm

Có thể bạn quan tâm