HoREA đề nghị hỗ trợ chủ trọ sửa chữa, xây dựng nhà trọ cho công nhân, người lao động thuê

Hiệp hội bất động sản TP.HCM vừa có Công văn góp ý bổ sung một số quy định về chính sách nhà ở xã hội của dự thảo Luật Nhà ở (sửa đổi)...
HoREA đề nghị hỗ trợ chủ trọ sửa chữa, xây dựng nhà trọ cho công nhân, người lao động thuê

Trong đó, Hiệp hội đề nghị quy định cơ chế hỗ trợ hộ gia đình, cá nhân là chủ nhà trọ để cải tạo, sửa chữa, xây dựng mới nhà trọ cho công nhân, người lao động thuê phòng trọ.

Tiền thuê trọ chiếm 25 – 30% thu nhập

Theo HoREA, trong 17 khu công nghiệp, khu chế xuất của TP.HCM có khoảng 285.000 công nhân, lao động, chưa bao gồm nhiều doanh nghiệp lớn nằm ngoài khu công nghiệp nhưng có quy mô rất lớn, như Công ty Giày Pou Yuen tại phường Tân Tạo, quận Bình Tân hiện có trên 50.000 công nhân, nhưng đợt cao điểm có hơn 80.000 công nhân). Trong đó có khoảng 80% công nhân, người lao động nhập cư, phần lớn thuê phòng trọ tại huyện Bến Lức. 

TP.HCM hiện có khoảng 60.470 khu nhà trọ do các hộ gia đình, cá nhân đầu tư kinh doanh với khoảng 560.000 phòng trọ cho thuê, giải quyết được chỗ ở cho khoảng 1,4 triệu công nhân, lao động.

Theo khảo sát của Liên đoàn Lao động TP.HCM với chi phí thuê phòng trọ hàng tháng khoảng trên dưới 1,5 triệu đồng, nhưng đã chiếm tới 25 - 30% thu nhập của người lao động và có khoảng 60% người lao động chỉ có nhu cầu thuê ở trong thời gian 10-15 năm làm việc tại thành phố, có tích lũy chút vốn rồi sau đó trở về quê. Từ đó, đã đặt ra yêu cầu cần phải phát triển nhiều nhà ở xã hội cho thuê trong những năm sắp tới và hỗ trợ cho các chủ nhà trọ

Hiệp hội HoREA nhận thấy, số lượng khoảng 560.000 phòng trọ giải quyết cho khoảng 1,4 triệu người thuê ở, như vậy, ước tính cả nước có khoảng 1.866.000 - 2.240.000 phòng trọ, giải quyết cho khoảng 4,2 - 5,6 triệu người thuê ở. Cho nên, rất cần thiết có cơ chế, chính sách để phát triển các khu nhà trọ bảo đảm chất lượng và các dịch vụ, tiện ích phục vụ người thuê ở. 

Nhưng, Luật Nhà ở 2014 và dự thảo Luật Nhà ở (sửa đổi) chưa quy định chính sách “hỗ trợ cải thiện nhà ở”, về tín dụng, về thuế đối với các hộ gia đình, cá nhân đầu tư xây dựng, sửa chữa, cải tạo, nâng cấp các khu nhà trọ cho công nhân, lao động thuê ở.

Trong khi đó, nhiều năm qua thì các chủ nhà trọ đã đóng góp rất lớn trong việc đáp ứng chỗ ở thuê cho hàng triệu công nhân, lao động với giá thuê phòng trọ chỉ trên dưới 1,5 triệu đồng/tháng là mức giá thuê nhà thấp nhất hiện nay, nhưng đối với người lao động thì khoản tiền thuê nhà này đã chiếm đến 20 - 30% tiền công của người lao động.

nhà trọ
Chưa có chính sách hỗ trợ cho các chủ nhà trọ. Ảnh minh hoạ

Song, tại Nghị quyết số 43/2022/QH13 và Nghị định 31/2022/NĐ-CP về hỗ trợ lãi suất đối với doanh nghiệp, hợp tác xã, hộ kinh doanh với gói 40.000 tỷ đồng, hỗ trợ giảm 2%/năm lãi suất vay tín dụng cho chủ đầu tư dự án nhà ở xã hội, nhà ở công nhân, cải tạo chung cư cũ, hoặc Quyết định 08/2022/QĐ-TTg quy định hỗ trợ tiền thuê nhà cho công nhân lao động tối đa 3 tháng, nhưng các chính sách trên đây cũng chưa áp dụng cho chủ các khu nhà trọ.

Do vậy, rất cần thiết bổ sung đối tượng là “hộ gia đình, cá nhân đầu tư xây dựng các khu nhà trọ cho công nhân, lao động thuê ở” được Nhà nước “hỗ trợ cải thiện nhà ở” tùy theo nguồn lực ngân sách và điều kiện cụ thể của địa phương vào Điều 108, Điều 109 dự thảo Luật Nhà ở (sửa đổi) quy định cơ chế, chính sách hỗ trợ “hộ gia đình, cá nhân tự xây dựng hoặc cải tạo, sửa chữa nhà để ở”. 

Nên cho phép doanh nghiệp xây dựng các khu nhà trọ

Đồng thời, Hiệp hội HoREA cho rằng, quy định pháp luật hiện hành chỉ cho phép hộ gia đình, cá nhân đầu tư xây dựng các khu nhà trọ cho công nhân, lao động thuê ở, nhưng chưa cho phép doanh nghiệp bất động sản thực hiện các dự án khu nhà trọ cho công nhân, lao động thuê ở.

Nếu cho phép doanh nghiệp được tham gia thì đảm bảo chất lượng xây dựng khu nhà trọ và các tiện ích, dịch vụ phục vụ công nhân, người lao động tốt hơn. Từ đó, sẽ tạo “áp lực” cạnh tranh lành mạnh “buộc” các hộ gia đình, cá nhân đang sở hữu các khu nhà trọ phải đảm bảo chất lượng công trình và tăng các tiện ích, dịch vụ phục vụ người thuê tốt hơn. Ngoài ra, điều này cũng phù hợp với định hướng khuyến khích việc chuyển đổi các hộ kinh doanh cá thể lên thành doanh nghiệp.

nha-tro
Doanh nghiệp tham gia đầu tư, xây dựng nhà trọ, sẽ tăng khả năng cạnh tranh lành mạnh trong thị trường. Ảnh minh hoạ

Bên cạnh đó, việc quy định thu thuế kinh doanh của các hộ gia đình, cá nhân chủ nhà trọ là 7%/doanh thu, đã dẫn đến tình trạng giấu doanh thu, khai thấp doanh thu để “né thuế”. Nên HoREA đề nghị Nhà nước xem xét rất cần thiết có cơ chế hỗ trợ chủ nhà trọ, vừa khuyến khích chủ nhà trọ chuyển đổi thành doanh nghiệp.

Thực tế trong thời gian qua, doanh nghiệp muốn kinh doanh nhà trọ thì phải “núp” dưới danh nghĩa cá nhân người chủ doanh nghiệp. Hiệp hội đưa ra ví dụ khu nhà trọ tại thị trấn An Lạc, quận Bình Tân. Khu nhà gồm 2 tòa nhà 5 tầng, có thang máy rất khang trang với 285 phòng trọ, mỗi phòng có diện tích 19m2 dành cho 2 người thuê ở (không tính trẻ nhỏ) với giá thuê khoảng 1,5 triệu đồng/tháng.

Thực chất là do Công ty TNHH Lê Thành đầu tư xây dựng, kinh doanh và trực tiếp quản lý vận hành, nhưng phải “núp” dưới danh nghĩa cá nhân ông Lê Hữu Nghĩa là chủ của Công ty Lê Thành đứng tên dự án khu nhà trọ này.

Khu nhà trọ có phòng sinh hoạt chung, phương tiện nghe nhìn và được Công ty Lê Thành quản lý vận hành, thực hiện đầy đủ đăng ký tạm trú, tạm vắng nên bảo đảm an ninh trật tự, nhất là đã phòng chống dịch Covid-19 hiệu quả. Nhưng, ông Lê Hữu Nghĩa cũng như các chủ nhà trọ khác chưa được hưởng bất kỳ chính sách hỗ trợ nào của Nhà nước và phải nộp thuế khoán là 7%/doanh thu (tương tự cách thu thuế doanh thu trước đây).

Trong khi, doanh nghiệp thực hiện dự án nhà ở xã hội lại được hưởng nhiều chính sách ưu đãi như: Vay tín dụng với lãi suất ưu đãi 4,8 - 5%/năm; giảm 50% thuế giá trị gia tăng và thuế thu nhập doanh nghiệp; miễn tiền sử dụng đất; Nhà nước đầu tư hạ tầng đến ranh dự án…

Do vậy, rất cần thiết bổ sung vào Chương VI dự thảo Luật Nhà ở (sửa đổi) cho phép các doanh nghiệp thực hiện dự án đầu tư xây dựng, kinh doanh khu nhà trọ cho công nhân, người lao động thuê ở theo quy định của Chính phủ và đề nghị Chính phủ, Ủy ban Thường vụ Quốc hội xem xét có các chính sách hỗ trợ về thuế, về tín dụng ưu đãi cho các chủ nhà trọ.

Đề xuất mới của HoREA

Từ những phân tích trên, Hiệp hội cho rằng, tại khoản 9 Điều 3 dự thảo Luật Nhà ở (sửa đổi) chưa quy định chính sách “hỗ trợ cải thiện nhà ở”, để giải thích khái niệm “nhà trọ”, do vậy đề nghị bổ sung khái niệm: “Nhà trọ là nhà ở đơn lẻ do hộ gia đình, cá nhân, doanh nghiệp đầu tư xây dựng, kinh doanh theo quy định pháp luật, gồm một số phòng trọ để cho thuê phục vụ đối tượng công nhân, người lao động, người thu nhập thấp đô thị có nhu cầu thuê phòng trọ để ở, trừ nhà trọ kinh doanh cho thuê với mục đích du lịch, khách sạn”.

nhà trọ
Nhu cầu thuê trọ của người dân hiện nay rất lớn. Ảnh minh hoạ

Cùng với đó, Hiệp hội đề nghị bổ sung “chính sách hỗ trợ về nhà ở cho các hộ gia đình, cá nhân tự xây dựng hoặc cải tạo, sửa chữa nhà trọ để cho công nhân, người lao động thuê ở” và cho phép “các doanh nghiệp đầu tư xây dựng, kinh doanh khu nhà trọ cho công nhân, người lao động thuê ở theo quy định của Chính phủ” vào Điều 108 Mục 5 Chương VI dự thảo Luật Nhà ở (sửa đổi).

Cụ thể, điều 108: Chính sách hỗ trợ về nhà ở cho các thành viên hộ gia đình, cá nhân tự xây dựng hoặc cải tạo, sửa chữa để ở hoặc hộ gia đình, cá nhân tự xây dựng hoặc cải tạo, sửa chữa nhà trọ để cho công nhân, người lao động thuê phòng trọ để ở

  1. Nhà nước hỗ trợ các thành viên hộ gia đình, cá nhân quy định tại các khoản 1, 2 và 3 Điều 73 của Luật này tự xây dựng hoặc cải tạo, sửa chữa nhà để ở thông qua các chương trình mục tiêu về nhà ở.

  2. Chính sách hỗ trợ về nhà ở đối với các đối tượng quy định tại khoản 1 Điều này được thực hiện như sau: a) Hỗ trợ một phần vốn từ ngân sách nhà nước; b) Hỗ trợ vay vốn tín dụng ưu đãi từ Ngân hàng chính sách xã hội; c) Hỗ trợ xây dựng cơ sở hạ tầng khu vực có nhà ở tại khu vực nông thôn; d) Hỗ trợ tặng nhà ở đối với đối tượng mà với mức hỗ trợ quy định tại điểm a và điểm b khoản này vẫn không có khả năng tài chính để cải thiện nhà ở.

  3. Nhà nước hỗ trợ cho vay vốn ưu đãi thông qua Ngân hàng chính sách xã hội, tổ chức tín dụng do Nhà nước chỉ định để các thành viên hộ gia đình, cá nhân quy định tại các khoản 1, 4, 5, 6 và 8 Điều 73 của Luật này tự xây dựng hoặc cải tạo, sửa chữa nhà để ở.

  4. Điều kiện để được hỗ trợ vay vốn ưu đãi của Nhà nước thông qua Ngân hàng chính sách xã hội, tổ chức tín dụng do Nhà nước chỉ định cho đối tượng quy định tại khoản 3 Điều này như sau: a) Có đất ở nhưng chưa có nhà ở hoặc có nhà ở nhưng nhà ở bị hư hỏng, dột nát; b) Có đăng ký thường trú tại địa phương nơi có đất ở, nhà ở cần phải xây dựng mới hoặc cải tạo, sửa chữa.

  5. Các doanh nghiệp đầu tư xây dựng, kinh doanh nhà trọ cho công nhân, người lao động thuê ở theo quy định của Chính phủ”.

Xem thêm

Có thể bạn quan tâm

Vinhomes ra mắt nhà mẫu The Premium

Vinhomes ra mắt nhà mẫu The Premium

Sự kiện ra mắt nhà mẫu Vinhomes The Premium đã thực sự làm nóng thị trường bất động sản Thanh Hóa, với thiết kế lấy cảm hứng từ những khu vườn Nhật Bản, cùng hệ thống tiện ích đẳng cấp 5 sao như bể bơi vô cực...

Aqua City là một trong những dự án then chốt của Novaland

Novaland nhận tin vui khi nút thắt pháp lý Aqua City được tháo gỡ

Ngày 19/11, Chủ tịch UBND tỉnh Đồng Nai, ông Võ Tấn Đức chính thức phê duyệt điều chỉnh cục bộ Quy hoạch chung 1/10.000, đánh dấu bước quyết định trong việc tháo gỡ pháp lý cho dự án Aqua City của Tập đoàn Novaland, vốn đã bị vướng mắc hơn 2 năm qua…