HoREA ủng hộ cách làm kiểu “châm chước” của Chủ tịch Bình Dương?

Nêu ví dụ Công ty Hoàng Nam được UBND tỉnh Bình Dương công nhận chủ đầu tư dự án Hoàng Nam 3 khi chưa có quỹ đất ở hợp pháp, HoREA kiến nghị nghiên cứu áp dụng cách làm này tại TP.HCM.

Hiệp hội Bất động sản TP.HCM (HoREA) vừa có văn bản gửi Chủ tịch UBND TP. HCM Nguyễn Thành Phong về việc “nghiên cứu trường hợp dự án Khu nhà ở thương mại Hoàng Nam 3 đã được Chủ tịch UBND tỉnh Bình Dương giải quyết “rất nhanh” thủ tục công nhận chủ đầu tư” và cho rằng: Từ cách “vận dụng pháp luật” và “dám chịu trách nhiệm” của ông Chủ tịch UBND tỉnh Bình Dương như vậy có thể đề xuất áp dụng cách làm này vào TP.HCM được không?!”

Khu nhà ở thương mại Hoàng Nam 3 còn có tên thương mại là Louis Resident
Khu nhà ở thương mại Hoàng Nam 3 còn có tên thương mại là Louis Resident

Theo HoREA, dự án Khu nhà ở thương mại Hoàng Nam 3 tại P. Đông Hòa, thị xã Dĩ An (Bình Dương) quy mô rất nhỏ, diện tích chỉ 4.660 m2 có nguồn gốc đất hỗn hợp, bao gồm khoảng hơn 2.000 m2 là đất ở, còn lại là đất nông nghiệp.

Toàn bộ dự án chỉ có 36 căn nhà phố liên kế 1 trệt 2 lầu, diện tích nền nhà từ 68-103 m2, với tổng diện tích các nền nhà đưa vào kinh doanh 2.965 m2, chiếm tỷ lệ lên đến 63,2%. Khu đất này do Ông Hoàng Văn Tâm đứng tên “sổ đỏ”. Ông Hoàng Văn Tâm cũng là Chủ tịch Hội đồng thành viên Công ty Hoàng Nam.

Điều đáng nói là ngày 18/01/2019, UBND tỉnh Bình Dương ban hành Quyết định công nhận chủ đầu tư dự án. Tại thời điểm này, Công ty Hoàng Nam chưa đứng tên “sổ đỏ” khu đất dự án. Như vậy tại thời điểm này, theo quy định pháp luật, Công ty Hoàng Nam chưa có quỹ đất hợp pháp để lập dự án đầu tư xây dựng khu nhà ở.

Ngày 04/03/2019, UBND thị xã Dĩ An phê duyệt quy hoạch tổng mặt bằng dự án Khu nhà ở Hoàng Nam 3. Tại thời điểm này, Công ty Hoàng Nam cũng chưa đứng tên “sổ đỏ” khu đất dự án, chưa có quỹ đất hợp pháp.

Đến ngày 14/03/2019, Hội đồng thành viên Công ty Hoàng Nam mới ra Biên bản họp, thống nhất nhận chuyển nhượng khu đất của ông Hoàng Văn Tâm chuyển nhượng cho Công ty để làm dự án khu nhà ở. Đồng nghĩa với việc, kể từ thời điểm này, Công ty Hoàng Nam mới làm các thủ tục nhận chuyển nhượng quyền sử dụng đất đối với khu đất 4.660 m2 từ ông Hoàng Văn Tâm, để lập dự án Khu nhà ở Hoàng Nam 3.

“Nếu thực hiện đúng quy trình thủ tục hành chính theo quy định của pháp luật đất đai, nhà ở, đầu tư, quy hoạch đô thị, kinh doanh bất động sản thì Công ty Hoàng Nam sẽ phải mất rất nhiều thời gian và công sức để thực hiện đủ các bước thủ tục hành chính”, HoREA nhận định và cho rằng với cách làm trên, tỉnh Bình Dương đã giải quyết “rất nhanh” thủ tục “công nhận chủ đầu tư”, “phê duyệt quy hoạch tổng mặt bằng” dự án Khu nhà ở Hoàng Nam 3, tạo cơ sở pháp lý để Công ty Hoàng Nam thực hiện các thủ tục đầu tư xây dựng tiếp theo.

Ông Lê Hoàng Châu, Chủ tịch Hiệp hội Bất động sản TP.HCM
Ông Lê Hoàng Châu, Chủ tịch Hiệp hội Bất động sản TP.HCM

Ông Lê Hoàng Châu, Chủ tịch HoREA cho rằng, nếu các dự án nhà ở trên địa bàn tỉnh Bình Dương đều được giải quyết rất nhanh thủ tục đầu tư xây dựng như vậy thì các doanh nghiệp sẽ sớm triển khai thực hiện dự án, tăng nguồn cung nhà ở đáp ứng nhu cầu của người dân và tác động tích cực đến thị trường bất động sản.

Mặc dù nhận thấy yếu tố quan trọng và khác biệt của dự án nhà ở so với các dự án sản xuất kinh doanh khác, đó là đối với dự án nhà ở thì trước hết, doanh nghiệp phải có quỹ đất hợp pháp, đồng thời khẳng định: Cách giải quyết của UBND tỉnh Bình Dương chưa đúng các quy định pháp luật hiện hành và chưa đảm bảo trình tự thủ tục hành chính chặt chẽ.

Bởi trong trường hợp, ông Hoàng Văn Tâm không chuyển nhượng khu đất 4.660 m2 cho Công ty Hoàng Nam để lập dự án Khu nhà ở Hoàng Nam 3 thì sẽ dẫn đến tình trạng “dự án ảo, dự án ma” do có “Quyết định công nhận chủ đầu tư” mà không có dự án.

Nhưng HoRea cho rằng, lãnh đạo Bình Dương đã nắm bắt thông tin rất rõ về doanh nghiệp, chủ doanh nghiệp và tình trạng pháp lý của khu đất dự kiến đầu tư nên đã “giải quyết rất nhanh”.

“Nếu thủ tục đầu tư xây dựng các dự án nhà ở đều được giải quyết nhanh, thì “Phúc” cho thị trường bất động sản, cho các chủ đầu tư dự án và người mua nhà cũng được hưởng lợi, ngân sách nhà nước sẽ tăng thêm nguồn thu”, ông Lê Hoàng Châu nhận định.

Sau khi phân tích cách làm của Bình Dương, HoREA nêu kiến nghị giải quyết nhanh thủ tục hành chính đối với 2 dự án tại TP.HCM, gồm: Dự án nhà ở xã hội Lê Thành Tân Kiên (Bình Chánh) của Công TNHH Thương mại Xây dựng Lê Thành và Dự án chung cư nhà ở xã hội Nam Lý tại số 91A Đỗ Xuân Hợp (Q.9) của Công ty CP Địa ốc Thảo Điền gần 10 năm chưa triển khai được.

Có thể bạn quan tâm

Có hiện tượng người tham gia đấu giá trả giá cao bất thường, có dấu hiệu thổi giá trong đấu giá đất

Thủ tướng yêu cầu chấn chỉnh hoạt động đấu giá đất

Thủ tướng giao Bộ Tài nguyên và Môi trường tăng cường kiểm tra, thanh tra hoạt động đấu giá quyền sử dụng đất đối với những trường hợp có biểu hiện bất thường, kịp thời phát hiện các bất cập trong quy định pháp luật để tham mưu, đề xuất cấp thẩm quyền sửa đổi, bổ sung cho phù hợp...

Giải bài toán nhà ở: Cần "di dời" sức cầu ra vùng ven

Giải bài toán nhà ở: Cần "di dời" sức cầu ra vùng ven

Với mức giá bất động sản hiện tại, những người có thu nhập rất khó sở hữu một căn nhà. Tuy nhiên, các chuyên gia bất động sản chỉ ra rằng, giải pháp không nằm ở nội đô chật chội mà ở các khu vực ven đô đang phát triển…