HSBC dự báo lạm phát của Việt Nam năm 2023 sẽ trên 4%

Năm 2022 đối với Việt Nam là một năm phục hồi bùng nổ, nhiều khả năng nước ta tiếp tục là một trong những nước tăng trưởng vượt trội ở châu Á. Tuy nhiên, theo báo cáo Asian Economics Quarterly của ngân hàng HSBC, đến năm 2023 kinh tế Việt Nam sẽ gặp khá nhiều khó khăn, lạm phát vẫn ở mức cao.
HSBC dự báo lạm phát của Việt Nam năm 2023 sẽ trên 4%

Bức tranh triển vọng tăng trưởng Việt Nam trong năm 2023 lại bị phủ lên một bóng mây từ những trở ngại về thương mại gia tăng.

Một năm đáng nhớ

Trong báo cáo của HSBC cho biết, một điểm sáng tích cực của Việt Nam là thị trường lao động tiếp tục phục hồi. Tỷ lệ thất nghiệp đã giảm xuống 2,3% tính tới quý 3/2022, tỷ lệ này vẫn có khả năng giảm tiếp khi nhiều công việc tập trung trong lĩnh vực liên quan tới du lịch tăng mạnh.

Bên cạnh đó, với những thuận lợi của chính sách mở cửa kịp thời, HSBC đã nâng dự báo tăng trưởng của Việt Nam cho năm 2022 lên 8,1% (dự báo cũ: 7,6%).

Đối với các vấn đề về chính sách, từ tháng 4, các nhà chức trách đã cắt giảm một số loại thuế, trong đó có các loại thuế nhiên liệu và bảo vệ môi trường. Nhằm đối phó với áp lực lạm phát gia tăng, Bộ Tài chính đang tìm cách kéo dài thời gian áp dụng cắt giảm thuế bảo vệ môi trường hiện tại đối với một số nhiên liệu đến cuối năm 2023.

Về tiền tệ, ngân hàng nhà nước Việt Nam đã chủ động bắt kịp xu hướng chung nhằm đối mặt với tình hình đồng VND yếu đi và lạm phát nhập khẩu tăng. Chỉ mới bắt đầu trong tháng 9, ngân hàng nhà nước đã liên tiếp tăng lãi suất mỗi lần 100 điểm cơ sở, nâng lãi suất tái cấp vốn lên 6% vào cuối tháng 10.

Nhìn chung nền kinh tế nước ta vẫn còn đang trong giai đoạn phục hồi. Vì Việt Nam vẫn đang hưởng lợi sau khi mở cửa trở lại, với doanh thu bán lẻ tháng 11 tăng 17% so với cùng kỳ năm trước. Số lượng khách quốc tế tính tới tháng 11/2022 mới chỉ đạt 16% so với mức của năm 2019. Mở rộng khai thác thị trường mới như Ấn Độ sẽ mang lại sự hỗ trợ nhất định để bù đắp cho tình trạng thiếu vắng khách Trung Quốc đại lục.

Nhiều rủi ro hiện hữu

Mặc dù, tăng trưởng kinh tế Việt Nam vẫn dương, nhưng vẫn có khả năng gặp nhiều trở ngại. Thực tế, sau khi tăng trưởng hơn 17% so với cùng kỳ năm trước trong ba quý đầu năm 2022, tăng trưởng xuất khẩu đã giảm tốc nhanh chóng trong tháng 10 và 11. Sự sụt giảm này đến từ lĩnh vực điện tử, ngoài ra dữ liệu gần đây cho thấy suy giảm xuất khẩu diễn ra ở nhiều lĩnh vực.

Đồng thời, theo HSBC, những thách thức sẽ ảnh hưởng nặng nề hơn đối với Việt Nam trong năm 2023. Đặc biệt sau khi hiệu ứng mở cửa trở lại nhạt dần và tác động của lạm phát cao bắt đầu ảnh hưởng dù chậm trễ. Vì vậy, HSBC dự báo tăng trưởng sẽ chậm lại ở mức 5,8%.

lạm phát
Lạm phát của Việt Nam qua các năm.

HSBC lưu ý thêm, Việt Nam đã và đang bắt đầu chứng kiến áp lực lạm phát mạnh hơn. Không chỉ lạm phát cơ bản tăng, nước ta còn phải chứng kiến tình trạng thiếu hụt năng lượng trong nước, khiến lạm phát toàn phần tăng.

Mặc dù mới đây HSBC đã giảm nhẹ dự báo lạm phát cho năm 2022 xuống 3,2%, tuy nhiên cơ quan này đã nâng mức dự báo cho năm 2023 lên 4%. Điều này đồng nghĩa với việc ngân hàng nhà nước nhiều khả năng sẽ tiếp tục chu kỳ thắt chặt.

Trong đó, rủi ro lớn nhất đối với tăng trưởng của Việt Nam là những khó khăn trong thương mại ngày càng gia tăng. Kể từ khi xảy ra những căng thẳng thương mại Mỹ và Trung Quốc, nước ta là một trong những nước hưởng lợi nhiều nhất xét về thương mại và chuyển hướng đầu tư nước ngoài, đặc biệt thúc đẩy thị phần xuất khẩu vào thị trường Mỹ. Cũng chính vì thế mà Việt Nam bị  ảnh hưởng nhiều hơn khi kinh tế Mỹ suy giảm.

Ngoài ra còn các rủi ro khác đến từ áp lực tăng giá năng lượng, mặc dù đã giảm so với đỉnh trong tháng 6, nhưng giá xăng vẫn ở mức cao. Để giảm rủi ro của việc dự trữ nhiên liệu nhập từ nước ngoài, Chính phủ đã chỉ đạo các các nhà máy lọc dầu trong nước và các doanh nghiệp nhà nước có kế hoạch tăng cường nhập khẩu năng lượng trong ít nhất sáu tháng đầu năm 2023. Động thái này nhiều khả năng sẽ siết lại lợi thế tài khoản vãng lai của Việt Nam do chi phí nhập khẩu tăng cao hơn.

Thêm vào đó, những khó khăn bên ngoài có thể tạo gánh nặng cho thị trường lao động trong nước. Nhiều công nhân phải giảm giờ làm, cụ thể Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam dự báo áp lực lên tình hình việc làm trong lĩnh vực sản xuất sẽ còn tiếp diễn tới giữa năm 2023.

Điều đáng lo ngại là các mặt hàng xuất khẩu chính của nước ta sẽ phải đối diện với một đợt sụt giảm. Chỉ số PMI (chỉ số quản lý thu mua) sản xuất trong tháng 11 cũng đã rơi vào vùng thu hẹp lần đầu tiên trong năm 2022. Đơn hàng mới, giá bán và việc làm đều xuống thấp.

Phần lớn các hàng hóa hưởng lợi mạnh mẽ trong giai đoạn đại dịch như điện tử và dệt may, da giày, đang chứng kiến giai đoạn "chững lại" khi nhu cầu chuyển dịch sang dịch vụ và tăng trưởng toàn cầu chậm lại. Theo dự báo của HSBC sang năm 2023 xuất khẩu Việt Nam sẽ khó khăn và tăng trưởng chậm.

Vẫn đứng đầu khu vực về tăng trưởng

Những biến động trong năm 2022 sẽ còn tiếp tục ảnh hưởng lên tăng trưởng trong thời gian tới. Chính sách tiền tệ thắt chặt ảnh hưởng đến các quyết định đầu tư dù chậm trễ; người tiêu dùng phải giảm chi tiêu khi giá cả tăng lên kìm hãm sức mua và xuất khẩu sẽ bị ảnh hưởng do đơn hàng sụt giảm khắp nơi.

Do đó, các chuyên gia của ngân hàng HSBC đã có nhận định chung về một số quốc gia khu vực cụ thể. Đối với Trung Quốc, các biện pháp kiểm soát dịch Covid-19 được nới lỏng sẽ giúp phục hội chi tiêu tiêu dùng mạnh mẽ, đặc biệt là trong mảng dịch vụ. Tuy nhiên, kinh nghiệm từ các nước khác cho thấy tiến độ phục hồi có thể không suôn sẻ, với khả năng quay lại tình trạng cũ nếu xảy ra bất kỳ đợt lây nhiễm đỉnh điểm sau khi dần phục hồi.

lạm phát
Kinh tế Trung Quốc, ảnh minh họa. 

Còn với Nhật Bản nhiều khả năng cũng chứng kiến tăng trưởng tuột dốc bất chấp những hỗ trợ tài khóa bổ sung để bù đắp cho tác động của chi phí sinh hoạt tăng lên và thương mại toàn cầu suy yếu. Tương tự, Hàn Quốc cũng đối mặt với những thách thức bên ngoài trong khi lãi suất tăng lên khiến nhu cầu trong nước bị kìm hãm.

Trong khi đó, Úc đang gặp những trở ngại "khó nhằn" cũng như tiến độ phục hồi sau khi mở cửa nền kinh tế lại đang lâm vào cảnh "pháo xịt" mặc dù thị trường lao động vẫn rất tốt.

Theo đó, tăng trưởng cũng sẽ giảm nhiệt ở Ấn Độ nơi chi tiêu tiêu dùng đã bắt đầu bị siết lại và thắt chặt tiền tệ sẽ bắt đầu có tác dụng như dự kiến. Mặc dù vậy, giá năng lượng toàn cầu giảm phần nào cũng xoa dịu tình hình ngay cả khi áp lực giá sẽ không mấy dễ chịu.

Hiện nay, sự vững vàng của ASEAN được dự báo sẽ lại tỏa sáng trong năm tới mặc dù tăng trưởng có thể chậm lại. Indonesia có thể không còn được nhiều hỗ trợ từ tình hình giá hàng hóa ở mức “trên trời” như trước, ngay cả khi nhu cầu vẫn đủ mạnh mẽ để hỗ trợ đầu tư và thu ngân sách công.

Cụ thể trong ASEAN, nền kinh tế Thái Lan nhiều khả năng sẽ thuộc nhóm ít các nước tăng tốc độ tăng trưởng nhờ ngành du lịch hồi sinh. Mặc dù ngành dịch vụ rất tốt nhưng Singapore sẽ không tránh được ảnh hưởng do biến động chu kỳ thương mại toàn cầu. Còn với Philippines sẽ chứng kiến nhu cầu trong nước hạ nhiệt khi tác động của lãi suất tăng và lạm phát tăng bấy giờ mới “ngấm đòn”.

"Việt Nam cũng vậy, cũng sẽ không tránh khỏi ảnh hưởng khi thương mại thế giới chậm lại nhưng nhiều khả năng sẽ tiếp tục đứng đầu ASEAN về tăng trưởng", báo cáo HSBC nhấn mạnh.

Xem thêm

Có thể bạn quan tâm