Tính đến thời điểm hiện tại, câu hỏi về việc liệu có giảm thuế trước bạ cho xe lắp ráp trong nước hay không vẫn chưa có câu trả lời chính thức. Điều này đang khiến các nhà sản xuất xe lắp ráp trong nước cảm thấy đứng ngồi không yên. Trong khi đó, các hãng xe nhập khẩu lại tận dụng cơ hội để thu hút khách hàng, tạo ra cuộc đua gay gắt.
NGƯỜI DÙNG NGÓNG CHỜ TỪNG NGÀY
Mặc dù Chính phủ đã đồng ý giảm 50% lệ phí trước bạ cho ô tô lắp ráp trong nước, tuy nhiên thông tin chính thức về ngày áp dụng vẫn chưa được công bố, khiến cả người mua lẫn người bán đều đang trong tình trạng hồi hộp chờ đợi.
Chính sách giảm 50% lệ phí trước bạ được kỳ vọng sẽ là "cứu cánh" cho các doanh nghiệp sản xuất ô tô trong nước đang gặp khó khăn do sức mua giảm sút. Đối với người tiêu dùng, đây là cơ hội vàng để sở hữu ô tô với chi phí tiết kiệm đáng kể.
Mặc dù thông tin về việc giảm lệ phí trước bạ đã được đưa ra từ cuối tháng 4, phải đến giữa tháng 8, Chính phủ mới thống nhất giảm một nửa phí trước bạ sau nhiều đề xuất và dự thảo.
Tại cuộc họp gần đây, Chính phủ đã chỉ đạo Bộ Tài chính hoàn thiện dự thảo nghị định và trình Chính phủ ký ban hành trước ngày 18/8. Tin tức này đã khiến nhiều người lạc quan, đặc biệt là những người đã đặt cọc xe từ lâu và đang chờ đợi để được hưởng ưu đãi.
Trên các trang mạng xã hội thời điểm đó, không ít người dùng bàn luận sôi nổi và “ăn mừng”. Tuy nhiên, khi tháng 8 sắp kết thúc mà vẫn chưa có thông báo chính thức, không ít khách hàng bắt đầu cảm thấy sốt ruột.
Một người dùng đã mua chiếc Honda CR-V từ giữa tháng 6 cho hay, đến giờ vẫn chưa rõ bao giờ chính sách giảm lệ phí trước bạ sẽ được áp dụng, điều này khiến bản thân rất sốt ruột. Có những lúc đã có ý định cứ đi đăng ký xe luôn để phục vụ nhu cầu gia đình, nhưng khi nghĩ đến việc chờ đợi lâu như vậy lại cảm thấy tiếc công.
Bởi, nếu đăng ký ngay bây giờ, mà chính sách giảm thuế được ban hành sau đó, sẽ mất cơ hội hưởng lợi từ ưu đãi.
Đó không chỉ là câu chuyện của một người dùng, anh Thanh Cẩn ở Hoài Đức, Hà Nội cho hay, mặc dù Chính phủ đã thông báo về việc giảm lệ phí trước bạ, nhưng vẫn cảm thấy khá lo lắng vì chưa có thông tin chi tiết về thời điểm áp dụng. Nếu được giảm 50%, sẽ tiết kiệm được khoảng 30 triệu đồng cho chi phí lăn bánh, đây sẽ là số tiền "đỡ" cho việc đăng ký biển số.
Khi chính sách giảm lệ phí trước bạ được thực thi, đây sẽ là lần thứ 4 Chính phủ triển khai hỗ trợ cho xe lắp ráp và sản xuất trong nước. Mặc dù vậy, điều này có thể làm dấy lên sự “không hài lòng” từ các doanh nghiệp xe nhập khẩu.
Theo hồ sơ gửi Bộ Tư pháp ngày 11/7, Bộ Tài chính đang tiếp tục hoàn thiện chính sách giảm 50% lệ phí trước bạ với ô tô nội. Thế nhưng, Bộ cũng vẫn đề xuất phương án ứng phó nếu Việt Nam bị khởi kiện.
Thêm vào đó, việc giảm lệ phí trước bạ sẽ dẫn đến giảm thu ngân sách của Nhà nước. Trong các đợt giảm phí trước bạ trước đây, Bộ Tài chính cho hay ngân sách đã giảm khoảng 8.000 đến 9.000 tỷ đồng mỗi đợt.
Ô TÔ NHẬP KHẨU TẬN DỤNG CƠ HỘI
Trong bối cảnh xe nội đang nín thở chờ giảm phí trước bạ, nhiều mẫu xe nhập khẩu rầm rộ giảm giá, chạy đua hút người tiêu dùng. Điều này khiến cho ô tô nội đang lép vế khá lớn với xe nhập khẩu.
Subaru đang tạo cơ hội lớn cho người dùng khi tiếp tục triển khai chương trình hỗ trợ lệ phí trước bạ cho dòng SUV Forester. Theo đó, khách hàng có thể nhận được ưu đãi lên đến 140 triệu đồng tùy theo phiên bản.
Cụ thể, Subaru Forester bản 2.0 iL và 2.0 iL EyeSight được hỗ trợ một phần lệ phí trước bạ với giá trị lần lượt là 50 triệu và 110 triệu đồng, trong khi bản 2.0 iS EyeSight được hỗ trợ toàn bộ lệ phí trước bạ lên đến 140 triệu đồng.
Không kém phần hấp dẫn, Mitsubishi cũng tham gia cuộc đua giảm giá với mẫu Xforce. Phiên bản Xforce Exceed hiện được giảm giá tương đương 100% lệ phí trước bạ. Theo đó, khách hàng tại Hà Nội và TP.HCM sẽ nhận mức giảm tiền mặt tương đương 12% giá xe, tức 76,8 triệu đồng, trong khi những người ở tỉnh có mức phí trước bạ 10% sẽ được giảm 64 triệu đồng.
Trước sự lắng im của các đối thủ cùng phân khúc, Skoda Việt Nam đã nỗ lực tăng sức cạnh tranh với các chương trình khuyến mại lớn cho các mẫu xe Kodiaq và Karoq trong tháng 8/2024. Khách hàng có thể nhận ưu đãi tiền mặt từ 80 triệu đến 130 triệu đồng tùy phiên bản của từng mẫu xe.
Không chỉ các thương hiệu truyền thống, ngay cả các hãng xe Trung Quốc cũng không bỏ lỡ cơ hội. Haima, sau một thời gian yên ắng, đã mạnh tay giảm giá mẫu MPV cỡ trung 7X-E 2023, với ưu đãi lên đến hàng trăm triệu đồng cùng hỗ trợ 50% lệ phí trước bạ tại đại lý Việt.
Không những vậy, Nissan cũng tham gia cuộc chiến giá với một đợt khuyến mại quy mô lớn. Tất cả các mẫu xe như Almera, Kicks và Navara đều được hưởng ưu đãi lên đến 150% lệ phí trước bạ, áp dụng từ 1/8 đến 31/8/2024, tùy theo phiên bản và năm sản xuất. Cụ thể, Nissan Almera nhận ưu đãi giá trị 80 đến 107 triệu đồng, Nissan Kicks từ 129 đến 154 triệu đồng và Navara từ 62 đến 104 triệu đồng.
Theo báo cáo mới nhất từ Tổng cục Hải quan, trong nửa đầu tháng 8, Việt Nam đã nhập khẩu tổng cộng 6.195 xe ô tô, với tổng kim ngạch đạt 114,66 triệu USD. So với cùng kỳ năm ngoái, lượng xe nhập khẩu đã tăng 16,2%, tương đương 13.619 xe, trong khi kim ngạch chỉ tăng nhẹ 1,6%.
Trong khi đó, báo cáo của Tổng cục Thống kê cho thấy, trong tháng 7, thị trường Việt Nam đã tiếp nhận tổng cộng 44.400 xe, bao gồm cả xe sản xuất trong nước và xe nhập khẩu. Đặc biệt, có một sự chênh lệch rõ rệt giữa xe lắp ráp trong nước và xe nhập khẩu.
Trong khi lượng xe lắp ráp trong nước giảm nhẹ xuống còn 27.400 chiếc, so với 28.000 chiếc của tháng trước, xe nhập khẩu lại ghi nhận sự tăng trưởng ấn tượng từ 15.580 chiếc trong tháng 6 lên 17.000 chiếc trong tháng 7, đánh dấu mức cao nhất từ đầu năm.
Tính đến hết tháng 7 năm 2024, tổng số ô tô nhập khẩu nguyên chiếc ước đạt 91.585 chiếc, tăng mạnh 14,7% so với cùng kỳ năm trước. Đáng lưu ý, phần lớn các xe nhập khẩu trong thời gian qua đều thuộc phân khúc bình dân, với mức giá khoảng 500 triệu đồng.
Sự gia tăng mạnh mẽ của xe nhập khẩu đang tạo ra áp lực lớn cho các nhà sản xuất ô tô lắp ráp trong nước, báo hiệu những thách thức không nhỏ cho ngành công nghiệp ô tô nội địa.