Trong đó riêng tháng tám, khách quốc tế đến Việt Nam đạt 486.400 lượt người, tăng 38% so với tháng 7/2022 và gấp 52,3 lần so với cùng kỳ năm 2021 do Việt Nam đã mở cửa du lịch, các đường bay quốc tế được khôi phục trở lại.
Trong số 1,44 triệu lượt khách, có 88,2% lượng khách đến Việt Nam là bằng đường hàng không, gấp 18,5 lần so với cùng kỳ năm trước; bằng đường bộ chiếm 11,8% và đường biển chiếm 0,03%.
Cũng theo số liệu từ Tổng cục Thống kê, doanh thu dịch vụ lưu trú, ăn uống 8 tháng qua ước đạt 377.800 tỷ đồng, tăng 48,1% so với cùng kỳ năm trước. Nguyên nhân là do nhu cầu vui chơi, du lịch của người dân tăng cao trong dịp hè sau hơn 2 năm hạn chế đi du lịch, ăn uống ngoài gia đình.
Doanh thu du lịch lữ hành 8 tháng của năm 2022 ước đạt 15.400 tỷ đồng, gấp 3,4 lần so với cùng kỳ năm trước do hoạt động du lịch phục hồi mạnh mẽ, đặc biệt là du lịch nội địa. Tuy nhiên, doanh thu này mới chỉ bằng 47,7% so với cùng kỳ năm 2019.
Du khách đến từ châu Á đông nhất với gần 997.000 lượt khách, chiếm 69,18% tổng du khách quốc tế đến Việt Nam trong 8 tháng qua. Trong đó, du khách đến từ Hàn Quốc tăng 17,61 lần so với cùng kỳ năm trước. Đây cũng là quốc gia có lượng du khách đến Việt Nam đông nhất.
Trong năm 2022, mục tiêu mà ngành du lịch đặt ra là đón 5 triệu lượt khách quốc tế đến Việt Nam. Đến nay, nước ta đã đón hơn 1,44 triệu lượt khách và điều cần làm là triển khai tích cực hơn nữa các giải pháp đồng bộ nhằm thu hút du khách.
Theo Tổng cục Du lịch, đến nay nước ta vẫn chưa có văn phòng xúc tiến du lịch ở nước ngoài khiến du lịch Việt Nam bất lợi hơn so với các nước bạn ở khu vực trong bối cảnh cạnh tranh gay gắt thu hút khách quốc tế. Hiện Thái Lan có tới 29 văn phòng xúc tiến ở nước ngoài; Malaysia có 30 văn phòng, Singapore có 27 văn phòng. Trước thực trạng đó, ngành du lịch đã đề nghị Bộ Ngoại giao tiếp tục chỉ đạo các cơ quan đại diện ngoại giao Việt Nam ở nước ngoài phối hợp giới thiệu, tổ chức nhiều hoạt động xúc tiến trực tiếp, kết nối doanh nghiệp; cập nhật chính sách của các nước cạnh tranh trong khu vực, từ đó Việt Nam có điều chỉnh hợp lý trong công tác xúc tiến, quảng bá, truyền thông du lịch. Bên cạnh đó, ngành du lịch đề nghị sửa đổi Luật Cơ quan đại diện Việt Nam ở nước ngoài (2017) và văn bản quy phạm pháp luật có liên quan để tạo điều kiện thành lập Văn phòng xúc tiến du lịch Việt Nam ở nước ngoài.
Tổng cục Du lịch thuộc Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch cũng đã đề xuất nhiều ý kiến nhằm tháo gỡ khó khăn, tạo điều kiện thuận lợi thu hút khách quốc tế. Trong đó, ngành du lịch đề nghị Bộ Giao thông Vận tải tạo điều kiện, đề nghị các hãng hàng không tiếp tục mở rộng việc thiết lập các đường bay trực tiếp kết nối Việt Nam với quốc gia, vùng lãnh thổ và thị trường nguồn của du lịch Việt Nam....