Khai thác tiềm năng phát triển du lịch mới từ các nghiên cứu về di sản địa chất

Kết hợp du lịch sinh thái với du lịch địa chất là một hướng phát triển kinh tế mới tại tỉnh Thừa Thiên - Huế được các nhà khoa học chỉ ra từ các nghiên cứu về di sản địa chất.

Thực hiện từ năm 2018-2020, đề tài nghiên cứu khoa học cấp quốc gia “Nghiên cứu di sản địa chất làm cơ sở khoa học để thành lập công viên địa chất toàn cầu ở khu vực Tam Giang - Bạch Mã” đã xác lập và phân loại được 115 di sản địa chất thuộc 8 kiểu di sản địa chất, ở bước đầu phân cấp các di sản địa chất này thành 5 di sản cấp quốc tế, 41 di sản cấp quốc gia và 69 di sản cấp địa phương.

Tiến sỹ Vũ Quang Lân, Liên đoàn Bản đồ Địa chất miền Bắc (thuộc Tổng cục Địa chất và Khoáng sản Việt Nam, Bộ Tài nguyên và Môi trường) chủ nhiệm đề tài, cho rằng, tỉnh Thừa Thiên - Huế có thể phát triển các tuyến du lịch sinh thái kết hợp với du lịch địa chất theo hướng như: Phát triển du lịch sinh thái Vườn Quốc gia Bạch Mã để tìm hiểu hệ sinh thái, chụp ảnh động thực vật, quan sát các loài chim; kết hợp với tìm hiểu lịch sử phát triển địa chất của núi Bạch Mã, sự hình thành và phát triển của bề mặt san bằng trên đỉnh Bạch Mã, ngắm cảnh quan thác Đỗ Quyên, Ngũ Hồ, phong cảnh xung quanh núi Bạch Mã, quan sát quan hệ xuyên cắt của đá granit phức hệ Hải Vân vào đá phiến có tuổi khoảng 444 - 435 triệu năm ở đỉnh thác Đỗ Quyên...

Khu vực Tam Giang - Bạch Mã và phụ cận có diện tích khoảng 1.600km2 bao gồm: TP Huế, huyện Phú Vang, huyện Quảng Điền và một phần các huyện Phú Lộc, Hương Thủy, Nam Đông, Phong Điền và thị xã Hương Trà của tỉnh Thừa Thiên - Huế.

Về đa dạng địa chất, văn hóa ở khu vực Tam Giang - Bạch Mã, bước đầu nhận dạng được mối quan hệ giữa di sản địa chất với di sản văn hóa và đánh giá được các giá trị nổi bật về khoa học, giáo dục, thẩm mỹ và kinh tế của các di sản địa chất ở khu vực này.

Ngoài ra, tỉnh Thừa Thiên - Huế có thể phát triển du lịch sinh thái đầm phá Tam Giang - Cầu Hai, tìm hiểu rừng ngập mặn, hệ sinh thái đầm phá, chụp ảnh phong cảnh, ngắm cảnh bình minh - hoàng hôn trên đầm phá; kết hợp với tìm hiểu lịch sử phát triển hệ đầm phá Tam Giang - Cầu Hai, sự biến động của các cửa biển Thuận An, Tư Hiền, Hòa Duân và tìm hiểu kiến trúc của tháp Champa Mỹ Khánh...

Đồng thời, tỉnh Thừa Thiên - Huế cũng có thể phát triển du lịch sinh thái vùng nông thôn, khám phá các vùng nông thôn, tìm hiểu làng nghề, tham quan trang trại, nhà vườn; kết hợp với tìm hiểu đặc điểm địa mạo, lịch sử hình thành và phát triển của các thành tạo cát biển cũng như lịch sử phát triển của đồng bằng Thừa Thiên - Huế; tìm hiểu mối quan hệ giữa các di sản địa chất với di sản văn hóa ở vùng đất Cố đô xinh đẹp.

Một tuyến du lịch sinh thái kết hợp với du lịch địa chất rất có tiềm năng là tuyến du lịch Lăng Cô - Hải Vân - đảo Sơn Chà. Theo tuyến du lịch này, du khách có thể ngắm phong cảnh tuyệt đẹp của bãi biển Lăng Cô, đầm Lập An, phong cảnh hùng vĩ của đèo Hải Vân và tìm hiểu lịch sử của “Thiên hạ Đệ nhất hùng quan”, lặn ngắm san hô ở gần đảo Sơn Chà; kết hợp với tìm hiểu lịch sử hình thành và phát triển của đầm Lập An và hệ đê cát đồ sộ chắn ngoài đầm này.

Theo Tiến sỹ Vũ Quang Lân, có thể nói, giữa du lịch sinh thái và du lịch địa chất đều có những nét chung là tính cộng đồng cao, nâng cao nhận thức bảo vệ môi trường, bảo vệ các di sản địa chất, bảo tồn văn hóa bản địa và đều mang lại lợi ích kinh tế cho cộng đồng địa phương. Do đó, thời gian tới tỉnh Thừa Thiên - Huế nên có định hướng phát triển du lịch sinh thái kết hợp với du lịch địa chất để phát huy được hết tiềm năng di sản ở khu vực Tam Giang - Bạch Mã nói riêng và tỉnh Thừa Thiên - Huế nói chung.

Ảnh: Kelvin Long

Vọng Hải Đài - điểm tham quan cao nhất ở Vườn Quốc gia Bạch Mã.

Ngoài ra, đề tài đã góp phần làm sáng tỏ lịch sử phát triển đồng bằng ven biển Thừa Thiên-Huế trong khoảng thời gian từ 10.000 năm trở lại đây, trong bối cảnh có sự thay đổi mực nước biển. Đề tài cũng đã phát hiện và khoanh định diện phân bố của một vịnh biển cổ ở đồng bằng Huế phát triển trong khoảng thời gian từ 10.000 - 4.000 năm trước và bị lấp đầy dần bởi vật liệu do sông mang đến trong khoảng thời gian từ 4.000 năm đến nay.

Về đa dạng sinh học, theo kết quả nghiên cứu của nhiều nhà khoa học, khu vực Tam Giang - Bạch Mã có sự đa dạng cao về loài và đa dạng về hệ sinh thái, trong đó, có các hệ sinh thái điển hình như: Hệ sinh thái rừng nhiệt đới thường xanh, hệ sinh thái đồng ruộng - khu dân cư, hệ sinh thái đầm phá, hệ sinh thái cồn cát, hệ sinh thái bãi triều, hệ sinh thái vùng ngập nước mặn...

Theo Giáo sư, Tiến sỹ Trần Văn Trị, Tổng hội Địa chất, kết quả của đề tài là cơ sở cho các cơ quan quản lý Nhà nước bảo vệ, bảo tồn di sản, kịp thời ngăn chặn các hoạt động nhân sinh xâm hại di sản. Đồng thời, kết quả của đề tài sẽ giúp các nhà quản lý quy hoạch chiến lược phát triển kinh tế- xã hội, các ban, ngành liên quan định hướng quy hoạch phát triển kinh tế ngành nghề ở tỉnh Thừa Thiên - Huế và phụ cận.

Đặc biệt là ngành Du lịch như: Khai thác dịch vụ du lịch, du lịch địa chất, du lịch sinh thái và các ngành nghề, làng nghề liên quan đến dịch vụ du lịch đều có cơ hội phát triển.

Các đơn vị bảo tàng và các ngành liên quan của tỉnh Thừa Thiên - Huế và các tỉnh lân cận sẽ có điều kiện nâng cao nhận thức về di sản địa chất, tham gia nghiên cứu di sản thiên nhiên, bảo vệ bảo tồn, quản lý và khai thác bền vững hệ thống di sản ở ngay địa bàn mình quản lý.

Người dân địa phương có điều kiện tiếp xúc với kết quả đề tài để nâng cao nhận thức về di sản, từ đó sẽ đóng góp tích cực và thiết thực trong công tác bảo tồn di sản nói chung.

Có thể bạn quan tâm