Ẩm thực luôn là một đề tài tuyệt vời. Một bàn tiệc ngon không những thỏa mãn các giác quan mà còn là cơ hội tuyệt vời để gắn kết. Món ăn mang tình yêu từ người đầu bếp, được bày biện kính cẩn bởi những người phục vụ và được chia sẻ đầy thịnh tình giữa những thực khách. Ăn uống từ lâu đã không còn là một nhu cầu sinh hoạt thông thường mà đã trở thành một nghệ thuật, nơi tôn vinh những giá trị tuyệt vời nhất.
Fine Dining không chỉ là ăn ngon mà còn là tận hưởng sự hoàn hảo của dịch vụ.
Fine Dining - Trải nghiệm ăn uống tinh hoa, hảo hạng
Xuất phát tại Pháp vào thế kỷ thứ 18, Fine Dining được định hình phong cách chuẩn mực quý tộc là bữa ăn tối thịnh soạn dưới ánh nến lung linh, khăn trải bàn trắng muốt, từng chiếc đĩa – dao – muỗng – nĩa được sắp xếp một cách cẩn trọng. Nhân viên phục vụ đóng vai là người quản gia (butler) trong trang phục tuxedo và phục vụ món ăn theo trình tự khai vị – món chính – tráng miệng, mỗi một món ăn sử dụng một loại dụng cụ chuyên dụng kết hợp với rượu vang và được phục vụ bằng cung cách chuyên nghiệp, thái độ lịch sự và chu đáo tuyệt đối. Thực khách như những quý tộc được phục vụ những món ăn chất lượng tốt nhất khi nhâm nhi ly rượu vang trong một không gian sang trọng và ấm cúng.
Không gian sang trọng và ấm áp của fine dining thích hợp cho việc tiếp đón đối tác, trải nghiệm thượng lưu hay kỷ niệm dịp đặc biệt cá nhân.
Vào đầu thế kỷ 20, ẩm thực Fine Dining được phát triển và phổ biến trên toàn thế giới nhờ huyền thoại ẩm thực Auguste Escoffier (1846-1935), cha đẻ của Fine Dining đương đại (The Father of Haute Cuisine). Tài năng của Escoffier vượt ra khỏi biên giới nước Pháp và phong cách Fine Dining do ông phát triển dần tiếp cận các nền văn hóa từ châu Âu đến châu Á. Lúc này, tận hưởng một bữa ăn Fine Dining đúng nghĩa không chỉ là cảm nhận hương vị món ăn mà còn là một phong cách sống tinh tế, không dành cho những ai vội vàng.
Đội ngũ quản gia và phục vụ phải là những người luôn biết cách lắng nghe và hỗ trợ ngay khi khách cần mà không gây khó chịu hay phiền toái.
Theo thời gian, Fine Dining có những biến thể theo phong cách ẩm thực địa phương. Ví dụ như ở những nhà hàng Fine Dining tại Hàn Quốc, Nhật Bản hay Việt Nam thường ít bày bộ dao, muỗng, nĩa mà thay bằng các loại khác để phù hợp. Bên cạnh đó, ngày nay, nhiều nơi cũng chuyển từ rượu vang sang trà hoặc các loại thức uống khác tốt cho sức khỏe.
Tùy theo từng quốc gia mà cách bày trí khác nhau.
Fine Dining, bữa tiệc hoàn hảo của những giác quan
Fine Dining được coi là chuẩn mực cao cấp nhất trong ngành dịch vụ nhà hàng. Mội nhà hàng Fine Dining đúng nghĩa đòi hỏi phải chăm chút từng chi tiết nhỏ. Ngay khi bước chân vào nhà hàng, bạn sẽ có cảm giác như trở thành ông vua, bà hoàng khi được nhân viên phục vụ mặc tuxedo xếp ghế, trải khăn, rót rượu trong không gian hoa mỹ, thưởng thức món ăn dưới ánh đèn dịu nhẹ và những bản nhạc cổ điển, nhạc jazz du dương...
Không gian sang trọng, tinh tế của nhà hàng Fine Dining
Hầu hết nhà hàng Fine Dining đều có cách phục vụ giống nhau. Thực khách sẽ được dẫn tới bàn và nghe giới thiệu về thực đơn của nhà hàng. Theo truyền thống, bữa ăn sẽ bắt đầu với món khai vị (súp, salad); các món ăn nhẹ (hải sản hấp, thịt gà hoặc thịt heo) rồi đến món chính (thịt cừu hoặc thịt bò) và cuối cùng là món tráng miệng. Đặc biệt, mỗi món ăn sẽ được phục vụ từng loại rượu vang khác nhau. Thậm chí có thể nhiều hơn một loại rượu vang cho mỗi món để không gây nhàm chán cho thực khách.
Những sáng tạo hợp lý giữa đồ ăn và với thức uống là chuẩn mực không thể thiếu trong fine dining.
Thông thường, từng phân loại của rượu vang sẽ được phục vụ theo quy tắc sau:
- Đón khách: champagne hay rượu vang sủi (sparkling wine).
- Món khai vị: rượu vang trắng không ngọt.
- Món chính (món thịt đỏ, món xốt cà chua và mì ống): rượu vang đỏ nồng nàn.
- Tráng miệng: rượu vang trắng ngọt ngào hoặc rượu vang trái cây.
Theo các chuyên gia ẩm thực hành đầu, một nhà hàng Fine Dining thành công tức là đánh thức cùng lúc 5 giác quan của thực khách, gồm 4 giác quan (nghe - chạm - nhìn - nếm) gồm ăn bằng mắt, phục vụ hiểu thấu thực khách, thực đơn tinh tế, đầu bếp danh tiếng. Cuối cùng là dùng xúc giác để cho ra sự bao hàm cho toàn bữa ăn. Vì vậy, Fine Dining đều hướng tới sự hoàn hảo, nhằm đem lại trải nghiệm ẩm thực tuyệt vời nhất cho thực khách.
Một nhà hàng Fine Dining thành công tức là đánh thức cùng lúc 5 giác quan của thực khách.
Đặc biệt, Fine Dining chỉ phục vụ một số lượng rất ít thực khách để đem đến sự hài lòng tuyệt đối. Dịch vụ này cũng đặt ra các tiêu chuẩn đặc biệt cho các thực khách như ăn mặc sang trọng, đẳng cấp, nói chuyện lịch sự, nhã nhặn, có thái độ và ứng xử văn minh với phục vụ cũng như bày tỏ lòng trân trọng với đầu bếp. Chính vì vậy, mức giá cho một bữa ăn ở nhà hàng Fine Dining không hề rẻ. Ở Việt Nam, một bữa ăn Fine Dining sẽ tính bằng con số tiền triệu.
Mức giá cho một bữa ăn tại nhà hàng Fine Dining không hề rẻ.
Một số nhà hàng Fine Dining ở Việt Nam
1. Jardin Des Sens Saigon
Địa chỉ: 251 Điện Biên Phủ, Quận 3, TP. Hồ Chí Minh
Thời gian mở cửa: 11h30–13h30; 17h30 - 21h30
2. Lý Club Saigon
Địa chỉ: 143 Nam Kỳ Khởi Nghĩa, Quận 3, TP. Hồ Chí Minh
Thời gian mở cửa: 10h00 - 23h00.
3. Noir. Dining in the Dark
Địa chỉ: 180D Hai Bà Trưng, Quận 1, Thành phố Hồ Chí Minh
Thời gian mở cửa: 11h30–14h30, 17h30–23h00
4. French Grill
Địa chỉ: Khách sạn JW Marriott, số 8 Đỗ Đức Dục, Mễ Trì, Nam Từ Liêm, Hà Nội.
Thời gian mở cửa: 18h00 - 22h30.
5. Club De L’Oriental
Địa chỉ: 22 Tông Đản, Hoàn Kiếm, Hà Nội.
Thời gian mở cửa: 11h00 - 23h00.