Khoe "cơ bắp" nhưng ngành ngân hàng có thực sự khoẻ?

Lợi nhuận ngành ngân hàng quý I/2021 tiếp tục gây sốc với những con số gấp đôi, gấp ba bất chấp tín dụng tăng trưởng nhẹ và vẫn chịu ảnh hưởng của đại dịch. Tuy nhiên, cần phải đặt con số lợi nhuận khi trích lập dự phòng để đánh giá sức khoẻ toàn ngành.
Khoe "cơ bắp" nhưng ngành ngân hàng có thực sự khoẻ?

Trong báo cáo mới nhất về Chính sách tiền tệ, SSI Research ước tính lợi nhuận trước thuế quý I/2021 của nhóm ngân hàng niêm yết được nghiên cứu sẽ tăng từ 55% - 65% so với cùng kỳ năm 2020. Trong đó, ngân hàng thương mại quốc doanh khả năng đạt được mức tăng trưởng ngoạn mục hơn nữa, tăng khoảng 75% -85%. Với các ngân hàng thương mại cổ phần, dự kiến sẽ đạt mức tăng trưởng lợi nhuận trước thuế khoảng 45% -55% so với cùng kỳ.

Lợi nhuận khủng

Tại một sự kiện mới đây, ông Lê Đức Thọ, Chủ tịch HĐQT VietinBank cho biết, lợi nhuận quý I/2021 của ngân hàng này ước đạt 7.000-8.000 tỷ đồng, cao gấp đôi so với cùng kỳ 2 năm gần nhất.

Trong khi đó, “anh cả” của hệ thống ngân hàng là Vietcombank cũng ghi nhận lợi nhuận quý 1 năm nay đạt khoảng 7.000 tỷ đồng, tăng 34% so với cùng kỳ và bằng 28% chỉ tiêu đặt ra cho cả năm (25.200 tỷ đồng).

Kết thúc quý I/2021, SeABank thông báo đạt kết quả kinh doanh khả quan với lợi nhuận hợp nhất trước thuế đạt 698,3 tỷ đồng, tăng gần 2,3 lần so với cùng kỳ. Lợi nhuận trước thuế của SCB quý I cũng đạt gần 267 tỷ đồng, với đóng góp chủ yếu từ hoạt động dịch vụ và kinh doanh tiền tệ.

Tại đại hội cổ đông thường niên năm 2021 vừa được tổ chức ngày 6/4/2021, ông Đỗ Minh Toàn, Tổng giám đốc Ngân hàng TMCP Á Châu (ACB) đã công bố lợi nhuận trước thuế quý 1 của ngân hàng ước đạt 3.105 tỷ đồng, tăng hơn 61% so với cùng kỳ năm ngoái.

Năm 2021, ACB đặt mục tiêu lợi nhuận trước thuế khoảng 10.602 tỷ đồng. Như vậy, với việc ước lợi nhuận trước thuế trong quý đầu năm đạt 3.105 tỷ đồng, ACB đã thực hiện được 29,2% kế hoạch cả năm.

Ngân hàng TMCP Quân đội (MB) cũng vừa công bố lợi nhuận hợp nhất quý I/2021 với con số gần 4.600 tỷ đồng, tăng hơn gấp đôi so với cùng kỳ và đạt tới 43% kết quả của 2020, hoàn thành khoảng 32% kế hoạch năm (14.600 tỷ đồng).

HDBank công bố lãi quý I/2021 ước đạt trên 2.000 tỷ đồng, tăng 67%; lợi nhuận riêng lẻ hơn 1.810 tỷ đồng, gấp gần 2 lần so với cùng kỳ 2020.Trong khi đó, MSB cũng ước tính lãi quý I/2021 đạt khoảng 1.200 tỷ đồng, cao gấp 4 lần cùng kỳ năm ngoái và hoàn thành 37% mục tiêu lợi nhuận cả năm.

Đáng chú ý, theo kết quả một cuộc điều tra xu hướng kinh doanh quý II/2021 vừa được Vụ Dự báo - Thống kê thuộc Ngân hàng Nhà nước công bố, tỷ lệ tổ chức tín dụng kỳ vọng tình hình kinh doanh cải thiện hơn trong quý II còn lên tới 74,8%.

Cũng tại chính cuộc điều tra này, có tới 76,6% tổ chức tín dụng kỳ vọng tình hình kinh doanh cải thiện hơn trong cả năm 2021, trong đó 12,2- 18,7% tổ chức tín dụng kỳ vọng “cải thiện nhiều”. Xét trên bình diện toàn hệ thống, có tới 87,5% tổ chức tín dụng được điều tra dự kiến lợi nhuận trước thuế “tăng trưởng dương”. Điều này cho thấy, các ngân hàng đang đặt rất nhiều kỳ vọng vào kết quả kinh doanh năm 2021.

Vẫn còn nhiều lưu ý

rong bối cảnh tín dụng vẫn tăng trưởng thấp, những nguyên nhân giúp lợi nhuận của nhiều ngân hàng thương mại duy trì ở mức cao là do thu nhập ngoài lãi tăng mạnh, nhất là thu nhập từ phí và hoa hồng. Bên cạnh đó, các dịch vụ thanh toán, tài trợ thương mại, bán bảo hiểm qua kênh ngân hàng tăng trưởng mạnh.

Chẳng hạn, mới đây thương vụ độc quyền bảo hiểm giữa MSB và Prudential được các chuyên gia đến từ Công ty chứng khoán Vietcombank (VCBS) ước tính

sẽ mang về cho MSB khoản phí “lót tay” (Upfront fee) có thể lên đến 3.500 tỷ đồng. Tương tự, SSI ước tính, mức phí trả trước mà VietinBank nhận được từ thỏa thuận bancassurance độc quyền với Manulife vào khoảng 350 triệu USD.

Bên cạnh đó, là do câu chuyện riêng của bản thân ngân hàng. Như trường hợp VietinBank và BIDV, lợi nhuận quý I tăng vọt khi họ vừa kết thúc giai đoạn “gồng lưng” trích lập dự phòng cho nợ xấu bán sang VAMC.

Tuy nhiên, theo nhiều chuyên gia, cần phải đặt con số lợi nhuận trong bối cảnh trích lập dự phòng để “đo đếm” sức khoẻ thực sự của khu vực ngân hàng nhất là khi những nghi ngại về dòng tiền trên thị trường bất động sản và chứng khoán gia tăng.

Đưa ra quan điểm về vấn đề này, TS Nguyễn Trí Hiếu - chuyên gia tài chính ngân hàng, dù các ngân hàng đồng loạt báo lãi khủng trong quý I vừa qua nhưng bức tranh lợi nhuận ngành vẫn không quá lạc quan bởi mức tăng trưởng lợi nhuận quý I/2021 được so sánh trên nền lợi nhuận thấp của năm 2020 khi các ngân hàng bị tác động bởi dịch bệnh COVID-19. Điều tương tự khi nói về mức tăng trưởng GDP kỳ vọng 7% trong năm 2021 khi so sánh với mức tăng 2,91% của năm 2020.

Cũng theo ông Hiếu, lợi nhuận của ngân hàng phần lớn phụ thuộc vào trích lập dự phòng rủi ro. Năm 2020, trước diễn biến bất lợi của dịch COVID-19, Ngân hàng Nhà nước cho phép các ngân hàng không chuyển nhóm nợ, giảm áp lực trích lập dự phòng và đẩy cao lợi nhuận. Chính sách này tiếp tục kéo dài sang năm nay nhằm hỗ trợ cho doanh nghiệp và ngân hàng. Vì vậy, đánh giá lợi nhuận của ngân hàng thời điểm này phải đặt trong bối cảnh trích lập dự phòng.

Đồng quan điểm, TS Võ Đình Trí - Trường đại học Kinh tế TP. HCM, IPAG Business School Paris, và AVSE Global nhận định, dù các con số lợi nhuận được các ngân hàng thương mại đưa ra gần đây khá lạc quan, nhưng cần nhìn tổng thể cả hệ thống chứ không phải chỉ một vài ngân hàng tốt.

Ngoài ra, Thông tư 03 vừa được ban hành có thể đã giúp các ngân hàng có kết quả đẹp hơn rất nhiều nhờ việc sắp xếp phân loại lại nợ, các ngân hàng được giảm trích lập dự phòng. Nhưng đây chỉ là giải pháp ngắn hạn. Một ẩn số quan trọng cần phải xem xét là biến động doanh thu ròng từ lãi tăng giảm như thế nào trong các ngân hàng thương mại. Đây là một cách để kiểm soát và phát hiện nợ xấu, vì nợ xấu thì thường không có khả năng trả lãi.

Ngoài ra, cũng cần phải xem xét chất lượng lợi nhuận của khu vực ngân hàng thương mại. Đó là lợi nhuận đến từ đâu, tỷ trọng bao nhiêu. Đặc biệt, các ngân hàng Việt Nam vẫn chưa bị bắt buộc áp dụng chuẩn mực báo cáo tài chính quốc tế (IFRS) nên vẫn còn nhiều không gian để “linh động” các con số.

Có thể bạn quan tâm