Khối ngoại rút ròng 2,4 tỷ USD, nhà đầu tư trong nước “gánh còng lưng”

Nhà đầu tư cá nhân chiếm trung bình 90% giá trị giao dịch hàng ngày trong năm nay, do đó lực mua của các nhà đầu tư cá nhân đã bù lại được lượng cổ phiếu trị giá 2,4 tỷ USD mà các nhà đầu tư nước ngoài bán ròng từ đầu năm đến nay...

chung-khoan-d-4160.jpg

Thị trường chứng khoán duy trì đà tăng trong hai quý đầu năm nhưng động lực lại đến từ dòng vốn nội. Theo các chuyên gia, việc khối ngoại “đi ngược chiều” xuất phát từ nhiều nguyên nhân như lo ngại đồng VND mất giá, rủi ro lớn từ thị trường bất động sản và chất lượng tài sản ngân hàng....

NHÀ ĐẦU TƯ CÁ NHÂN "BÙ" LẠI 2,4 TỶ USD KHỐI NGOẠI BÁN

Ông Michael Kokalari, Giám đốc phòng Phân tích kinh tế vĩ mô và Nghiên cứu thị trường của VinaCapital đã có phân tích về sự bền bỉ của thị trường chứng khoán Việt Nam.

Chỉ số VN-Index tăng khoảng 10% từ đầu năm đến nay do kỳ vọng tăng trưởng lợi nhuận gần 19% trong năm 2024 và do các nhà đầu tư trong nước đang mua mạnh cổ phiếu - trái ngược với việc bán ròng mạnh của khối ngoại trong năm nay.

Sự phục hồi lợi nhuận doanh nghiệp từ mức giảm 5% năm ngoái lên mức tăng trưởng 19% năm nay được hỗ trợ bởi tốc độ tăng trưởng GDP của Việt Nam từ 5,1% năm 2023 lên mức dự kiến 6,5% trong năm nay.

Việc các nhà đầu tư trong nước hăng hái mua cổ phiếu bắt nguồn từ việc lãi suất huy động ở Việt Nam vẫn dưới 5% - ngay cả đối với tiền gửi kỳ hạn 12 tháng và thị trường bất động sản phần nào vẫn còn đóng băng, khiến thị trường chứng khoán và vàng trở thành các kênh đầu tư hấp dẫn, được các nhà đầu tư trong nước ưu tiên đổ tiền vào.

Thêm vào đó, nhà đầu tư cá nhân chiếm tỷ trọng đa số trong khối lượng giao dịch chứng khoán tại Việt Nam, chiếm trung bình 90% giá trị giao dịch hàng ngày trong năm nay, do đó lực mua của các nhà đầu tư cá nhân đã bù lại được lượng cổ phiếu trị giá 2,4 tỷ USD mà các nhà đầu tư nước ngoài bán ròng từ đầu năm đến nay (sau khi đã bán ròng 1 tỷ USD trong năm ngoái).

Ông Michael Kokalari cho rằng, khối ngoại bán ròng diễn ra chủ yếu bởi việc chốt lời và lo ngại về mức trượt giá khoảng 4% từ đầu năm đến nay của đồng VND, và do một số nhà đầu tư nước ngoài đang áp dụng phương pháp "chờ và theo dõi" tình hình trong nước.

Một phần tư khối lượng bán ra của nhà đầu tư nước ngoài diễn ra thông qua việc rút vốn ETF, bao gồm việc giải thể quỹ ETF Frontier của Blackrock iShares vào tháng 6 (giá trị bán ròng hàng tháng của nhà đầu tư nước ngoài đạt mức cao kỷ lục vào tháng 6 một phần do việc giải thể ETF này). Sau đợt bán ra của khối ngoại, tỷ lệ sở hữu của nhà đầu tư nước ngoài trên thị trường chứng khoán Việt Nam đã giảm xuống mức thấp nhất trong một thập kỷ. Tuy nhiên, chuỗi bán ra liên quan đến việc giải thể quỹ ETF Frontier của Blackrock iShares đã kết thúc.

Nguồn: VinaCapital

Nguồn: VinaCapital

“Một số nhà đầu tư nước ngoài đã tận dụng điều này để tăng cường các khoản đầu tư chiến lược dài hạn của họ vào Việt Nam. Chẳng hạn như Capital Group, Fidelity và các nhà đầu tư tổ chức nước ngoài khác được cho là đã mua một lượng lớn cổ phần tại Ngân hàng ACB vào đầu năm nay”, ông Michael Kokalari tiết lộ.

Cũng bình luận về nguyên nhân khiến khối ngoại bán ròng mạnh mẽ trên thị trường chứng khoán Việt Nam, ông Nguyễn Quang Thuân, chủ tịch FiinGroup, cho biết có 3 lý do chính.

Thứ nhất, các nhà đầu tư nước ngoài phân bổ lại tài sản, rút khỏi một số thị trường trong bối cảnh Fed vẫn neo lãi suất cao. Họ không kỳ vọng vào việc Fed giảm lãi suất, bởi vì tăng nhanh nhưng thường giảm sẽ chậm.

Thứ hai, các nhà đầu tư nước ngoài hiện thực hóa lợi nhuận trong bối cảnh xuất hiện rủi ro về tỷ giá Việt Nam. Nhiều cổ phiếu họ đầu tư và đã có lãi tới vài chục phần trăm nên việc hiện thực hóa lợi nhuận trong bối cảnh hiện nay cũng là cần thiết.

Thứ ba, nhiều nhà đầu tư vẫn quan ngại thị trường chứng khoán Việt Nam với các yếu tố rủi ro được tính đến, như chất lượng tài sản ngân hàng, triển vọng thị trường bất động sản...

Ông Thuân nhấn mạnh việc nâng hạng đón dòng vốn mới, nhà đầu tư mới quan trọng, nhưng việc giữ chân các nhà đầu tư cũng cần thiết không kém.

Từ góc nhìn một quỹ đầu tư lớn, ông Dominic Scriven, chủ tịch Dragon Capital cho rằng ngoài những yếu tố khách quan như việc tăng lãi suất của Mỹ, thị trường Việt Nam không có nhiều yếu tố mới và thú vị để thu hút sự quan tâm nhà đầu tư ngoại.

Đi vào vấn đề chi tiết hơn, chủ tịch Dragon Capital cho biết việc thị trường Việt Nam chưa được nâng hạng có tác động tới quyết định của nhiều nhà đầu tư nước ngoài.

Khi giới thiệu với đối tác, kỳ vọng họ đầu tư vào Việt Nam thì phải chuẩn bị bài giới thiệu nhưng rất khó thuyết phục. Chưa kể hai năm gần đây cũng có một số việc xảy ra ảnh hưởng đến nhận thức của họ về rủi ro.

LỢI NHUẬN CỦA VN-INDEX SẼ TĂNG THÊM 17% VÀO NĂM 2025

VinaCapital kỳ vọng tăng trưởng lợi nhuận sẽ từ mức 9% so với cùng kỳ trong nửa đầu 2024 lên 33% so với cùng kỳ trong nửa cuối 2024, một phần nhờ sự phục hồi của thị trường bất động sản trong nước.

Trước đó, các chuyên gia của VinaCapital nhận định thị trường bất động sản Việt Nam sẽ bắt đầu phục hồi vào tháng 12/2023 và quá trình này đã đạt được đà tăng trưởng đáng kể từ thời điểm đó. Hoạt động giao dịch bất động sản ước tính đã tăng vọt khoảng 40% so với cùng kỳ năm ngoái trong nửa đầu năm 2024, do nhu cầu giao dịch bị dồn nén trong thời gian dài và việc Chính phủ gần đây đã đưa ra nhiều quyết sách để khôi phục thị trường.

Do đó, VinaCapital kỳ vọng lợi nhuận của các nhà phát triển bất động sản, ngoại trừ Vinhomes (sẽ được thảo luận bên dưới), sẽ tăng 80% trong năm nay. Hơn nữa, một thị trường bất động sản lành mạnh sẽ hỗ trợ tăng trưởng lợi nhuận của các ngân hàng bằng cách thúc đẩy tăng trưởng tín dụng và giảm bớt lo ngại về chất lượng tài sản/chi phí tín dụng.

“Sự phục hồi của bất động sản Việt Nam có khả năng sẽ tiếp tục tăng tốc vào năm tới. Đây cũng là một trong những lý do khiến chúng tôi kỳ vọng lợi nhuận của VN-Index sẽ tăng thêm 17% vào năm 2025”, ông Michael Kokalari nhận định.

Liên quan đến vấn đề tỷ giá, chuyên gia của VinaCapital nhận định, khả năng đồng VND tiếp tục mất giá đã giảm bớt. Trong 7 tháng đầu năm nay, giá trị của tiền VND đã giảm khoảng 4%. Việc đồng USD mạnh là yếu tố chính tác động lên giá trị của VND, nhưng USD mạnh hiện không có lợi cho Chính phủ Mỹ vì nhiều lý do khác nhau.

“Bộ Tài chính Mỹ đã phải sử dụng “Phát hành trái phiếu chủ động (ATI)” và các công cụ khác để ngăn đồng USD tiếp tục tăng giá. Vì vậy, khả năng đồng VND tiếp tục mất giá đã giảm bớt, tuy dự trữ ngoại hối của Việt Nam hiện thấp hơn mức nhập khẩu trong 3 tháng (thường được coi là mức dự trữ tối thiểu hợp lý)”, đại diện VinaCapital cho biết.

Ngoài ra, VinaCapital cũng tin tưởng Chính phủ Việt Nam sẽ tiếp tục tập trung vào các chính sách thu hút FDI và thúc đẩy tăng trưởng kinh tế. Đây là những chính sách đã được Việt Nam thực hiện nhất quán trong suốt 25 năm qua và sẽ tiếp diễn trong nhiều năm tới.

Xem thêm

VN-Index thu hẹp đà giảm, song tín hiệu đảo chiều vẫn chưa xuất hiện

VN-Index thu hẹp đà giảm, song tín hiệu đảo chiều vẫn chưa xuất hiện

Sau khi giảm gần 10 điểm thì lực cầu có xu hướng gia tăng giúp VN-Index đóng cửa chỉ còn giảm điểm nhẹ. Dù thu hẹp đáng kể đà giảm, song tín hiệu đảo chiều vẫn chưa xuất hiện. Nhà đầu tư nên thận trọng, tiếp tục kiên nhẫn chờ đợi thêm trước khi mở thêm vị thế mua gia tăng thêm tỷ trọng cổ phiếu...

Phục hồi mạnh mẽ, ngành thép sẵn sàng đón sóng tăng

Phục hồi mạnh mẽ, ngành thép sẵn sàng đón sóng tăng

Sau thời gian gặp khó khăn, ngành thép đang phục hồi mạnh mẽ bởi sự khởi sắc của thị trường bất động sản và đầu tư cơ sở hạ tầng, mở ra triển vọng tăng trưởng đầy hứa hẹn trong các quý còn lại của năm 2024…

Ngành điện vẫn chìm trong “bóng tối”

Ngành điện vẫn chìm trong “bóng tối”

Tính đến thời điểm hiện tại, nhiều doanh nghiệp ngành điện đã công bố báo cáo tài chính quý 2/2024. Trong đó, phần lớn các công ty đều phải đối mặt với sự sụt giảm mạnh về cả doanh thu và lợi nhuận. Điều này phản ánh rõ những thách thức và khó khăn mà ngành điện đang phải đương đầu…

Có thể bạn quan tâm