Tại Kỳ họp thứ 7, Quốc hội khóa XV đã thông qua Nghị quyết về tổ chức chính quyền đô thị và thí điểm một số cơ chế, chính sách đặc thù phát triển thành phố Đà Nẵng. Trong đó, lần đầu tiên trên cả nước, Quốc hội cho phép Đà Nẵng thí điểm thành lập Khu thương mại tự do. Điều này được kỳ vọng sẽ tạo động lực lớn để thúc đẩy kinh tế - xã hội thành phố Đà Nẵng phát triển.
Đóng góp ý kiến về đề án xây dựng Khu thương mại tự do Đà Nẵng, các chuyên gia, nhà quản lý cho rằng cần phải phân định rõ ràng cơ chế chính sách trong và ngoài khu. Theo PGS.TS. Bùi Quang Bình, đại diện Tổ tư vấn xây dựng đề án Khu thương mại tự do Đà Nẵng cho biết, chính sách thí điểm này được kỳ vọng tạo động lực phát triển, mở rộng quy mô kinh tế Đà Nẵng và tác động tới kinh tế Vùng kinh tế trọng điểm miền Trung.
Theo ông Bùi Quang Bình, Khu thương mại tự do Đà Nẵng sẽ phát triển phức hợp đa chức năng theo mô hình "khu trong khu", bao gồm nhiều chức năng tích hợp như logistics cảng biển, sân bay, thương mại, dịch vụ, công nghiệp chế xuất, chức năng phụ trợ. Về quản lý sẽ theo cơ chế một cửa, một đầu mối với cơ chế "Khu trong khu", liên kết chặt chẽ giữa các phân khu, giữa các ngành và khu vực để tạo hiệu ứng cộng hưởng.
Khu thương mại tự do này được kiến nghị có các khu phát triển 4 ngành ưu tiên gồm: Logistics, sản xuất, thương mại và dịch vụ, đổi mới sáng tạo.
Cụ thể, khu thương mại tự do phát triển vận tải đa phương thức cùng với dịch vụ phụ trợ và kho bãi chất lượng. Sản xuất sẽ tập trung vào điện tử tiên tiến, sản xuất máy bay, phụ trợ hàng không, cơ khí tiên tiến, dược phẩm và công nghệ sinh học và đặc biệt là lắp ráp, thử nghiệm và đóng gói chip bán dẫn.
Trong khi đó, Trung tâm dịch vụ du lịch tích hợp với các dịch vụ như bán lẻ miễn thuế, du lịch y tế, casino, ăn uống, khách sạn, du lịch MICE bên cạnh nghiên cứu và phát triển, đổi mới sáng tạo đối với các ngành và lĩnh vực ưu tiên AI, bán dẫn…
Đề án thí điểm đã đặt ra mục tiêu phát triển đến năm 2030, Khu thương mại tự do Đà Nẵng đóng góp trực tiếp từ 1-2% tổng sản phẩm trên địa bàn (GRDP), thu hút khoảng 21.000 lao động. Đến năm 2040, đóng góp 9,5% GRDP Đà Nẵng và thu hút khoảng 90.000 lao động. Đến năm 2050, kỳ vọng đóng góp 17,9% GRDP Đà Nẵng và là nơi làm việc của 127.000 lao động.
Đóng góp ý kiến và hoạt động triển khai đề án thí điểm, bà Đào Thanh Hương, Phó Vụ trưởng, Vụ Kinh tế công nghiệp, dịch vụ, Bộ Kế hoạch và Đầu tư cho rằng, khi nói đến cơ chế chính sách thu hút đầu tư Khu thương mại tự do Đà Nẵng, phải phân định rõ ràng cơ chế chính sách trong và ngoài khu thương mại tự do
"Đối với bên trong khu thương mại tự do, phải có cơ chế chính sách thu hút đầu tư vượt trội, chưa từng có trong tiền lệ. Vấn đề này thành phố. Đà Nẵng phải mạnh dạn đề xuất đưa vào đề án xây dựng để trình Thủ tướng Chính phủ", bà Đào Thanh Hương nói.
Theo bà Hương, đối với cơ chế chính sách ngoài khu thương mại tự do, dù muốn hay không phải áp dụng chính sách chung hiện tại. Đối với cơ chế, chính sách thì quy trình thu hút đầu tư, quy trình dự toán ngân sách Đà Nẵng sẽ ưu tiên hạ tầng ngoài khu để kết nối. Các vị trí của Đà Nẵng liên quan khu thương mại tự do sẽ liên kết lại với nhau.
Ngay sau khi Kỳ họp Quốc hội khóa XV, báo cáo trước cử tri thành phố Đà Nẵng, Bí thư Thành ủy Đà Nẵng Nguyễn Văn Quảng khẳng định, việc Quốc hội cho phép Đà Nẵng được thí điểm thành lập khu thương mại tự do là chủ trương lớn, có ý nghĩa rất quan trọng, là "cú hích", động lực lớn để kinh tế Đà Nẵng nói riêng và kinh tế vùng nói chung phát triển.
Bí thư Thành uỷ Đà Nẵng Nguyễn Văn Quảng cho rằng, chính sách thí điểm khu thương mại tự do mang tính đột phá, dám nghĩ, dám làm để thử nghiệm một mô hình đã được thế giới khẳng định nhưng chưa có tiền lệ ở Việt Nam.