Bên cạnh đó, TP. HCM cũng đề nghị Thủ tướng chỉ đạo các Bộ, ngành có liên quan ưu tiên bố trí những chương trình đổi mới sáng tạo cấp quốc gia và đồng hành cùng TP trong việc xây dựng và phát triển đô thị này.
Trước đó vào giữa tháng 4 vừa qua thành phố đã duyệt cuộc thi quốc tế "Ý tưởng quy hoạch đô thị sáng tạo phía Đông", với mục tiêu chuyển đổi nơi này thành khu vực có các hoạt động kinh tế tập trung vào các lĩnh vực giáo dục đào tạo bậc cao, nghiên cứu và sản xuất công nghệ cao, trung tâm tài chính dịch vụ thương mại, cung ứng các hoạt động kinh tế liên kết vùng.
Khu đô thị sáng tạo ra đời nhằm giải quyết các thách thức hiện hữu và dự trù phát triển trong tương lai. Trong đó, 4 nhóm mục tiêu được thành phố đề nghị gồm: TP sáng tạo; đô thị vì con người; cân bằng giữa phát triển và môi trường; di chuyển nhanh và dễ dàng.
Ngoài ra, UBND TP. HCM cũng đề xuất Thủ tướng cho phép sáp nhập Ban Quản lý Đầu tư và Xây dựng Khu đô thị mới Nam TP vào Ban Quản lý phát triển đô thị TP và cho phép Ban Quản lý phát triển đô thị TP tiếp tục áp dụng mô hình cơ quan hành chính trực thuộc UBND TP, quản lý nhà nước theo cơ chế “một cửa” về đầu tư và xây dựng.
Ý tưởng về khu đô thị sáng tạo phía Đông do Bí thư thành ủy TP. HCM Nguyễn Thiện Nhân khởi xướng, hướng đến xây dựng đô thị thông minh, có chất lượng sống. Ông Nguyễn Thiện Nhân đặt vấn đề xây dựng khu đô thị này hồi đầu năm 2018, nhằm kết nối 3 quận phía Đông thành một hệ sinh thái, đẩy mạnh phong trào đổi mới sáng tạo, khai thác tiềm lực của cộng đồng tri thức trẻ địa phương.
Trong đó, quận 2 là trung tâm tài chính tương lai với khu đô thị mới Thủ Thiêm, quận 9 sẽ phát triển khoa học công nghệ với trung tâm là khu công nghệ cao, còn quận Thủ Đức là nơi tập trung nhiều trường đại học chất lượng cao mà hạt nhân là Đại học Quốc gia TP. HCM. Khu đô thị này sẽ có hơn một triệu dân và cũng là thành phố Đông trong 4 thành phố mới mà đề án chính quyền đô thị của thành phố từng đề cập.
>>TP. HCM chỉ đạo nghiên cứu lập các đồ án quy hoạch 1/5000 KĐT lấn biển Cần Giờ