Kinh Bắc dự kiến phát hành gần 190 triệu cổ phiếu thưởng để tăng vốn

Kinh Bắc dự kiến phát hành gần 190 triệu cổ phiếu thưởng cho cổ đông, tương ứng 33,33% số lượng cổ phiếu đang lưu hành. Như vậy, sau khi đợt phát hành kết thúc, vốn điều lệ của KBC sẽ tăng từ 5.757 tỷ đồng lên 7.656 tỷ đồng.

Tổng công ty Phát triển Đô thị Kinh Bắc (HoSE: KBC) vừa công bố nghị quyết hội đồng quản trị về việc triển khai phương án phát hành cổ phiếu để tăng vốn cổ phần từ vốn chủ sở hữu.

Theo đó, KBC dự kiến phát hành gần 190 triệu cổ phiếu thưởng cho cổ đông, tỷ lệ thực hiện là 33,33%, tương ứng cổ đông sở hữu 100 cổ phiếu nhận thêm 33 cổ phiếu mới. Nguồn vốn thực hiện lấy từ thặng dư vốn cổ phần và lợi nhuận sau thuế chưa phân phối tại thời điểm 31/12/2020 theo báo cáo tài chính riêng lẻ đã được kiểm toán năm 2020.

Thời gian thực hiện dự kiến trong quý IV/2021 hoặc quý I/2022, sau khi được Ủy ban Chứng khoán Nhà nước chấp thuận.

Như vậy, sau khi đợt phát hành kết thúc, vốn điều lệ của KBC sẽ tăng từ 5.757 tỷ đồng lên 7.656 tỷ đồng.

Trước đó, hồi tháng 10 vừa qua, KBC đã chào bán thành công 100 triệu cổ phiếu riêng lẻ với giá bình quân 34.096 đồng/cổ phiếu, qua đó thu về gần 3.410 tỷ đồng. Trong đó, nhà đầu tư trong nước chiếm 88 triệu cổ phiếu, còn lại 12 triệu cổ phiếu thuộc về nhà đầu tư nước ngoài.

Nguồn vốn này dự kiến được chi cho việc bổ sung vốn lưu động (khoảng 534 tỷ đồng), đầu tư vào công ty con là Công ty Phát triển Đô thị Tràng Cát (khoảng 1.500 tỷ đồng) và tái cơ cấu cho 12 khoản nợ với tổng giá trị ở mức 2.306 tỷ đồng.

Hiện, nhóm quỹ Dragon Capital nắm 6,1% vốn Kinh Bắc.

Ngoài ra, đầu tháng 11, Kinh Bắc thông qua việc vay tín chấp với hạn mức vay là 200 tỷ đồng từ công ty con là Công ty cổ phần Khu công nghiệp Sài Gòn – Bắc Giang để phục vụ hoạt động sản xuất, kinh doanh.

Thời gian gói vay này tối đa 2 năm và lãi suất theo thỏa thuận tại từng hợp đồng vay.

Về tình hình kinh doanh, quý III, KBC ghi nhận doanh thu thuần tăng trưởng 60% so với cùng kỳ lên 325 tỷ đồng; do chi phí lãi vay tăng cao, KBC chịu lỗ sau thuế gần 60 tỷ đồng, trong khi cùng kỳ lỗ 8,6 tỷ đồng.

Lũy kế 9 tháng, nhờ giai đoạn bán niên khởi sắc, KBC vẫn đạt được tốc độ tăng trưởng tốt với doanh thu thuần đạt 3.076 tỷ đồng, lợi nhuận sau thuế đạt 733 tỷ đồng, lần lượt tăng 3,3 lần và 7,6 lần so với cùng kỳ năm ngoái.

Tuy nhiên, do đặt kế hoạch kinh doanh khá cao, KBC mới chỉ hoàn thành 48% chỉ tiêu doanh thu và 36% chỉ tiêu lợi nhuận trong khi chỉ còn 1 quý nữa là kết thúc năm.

Tại thời điểm 30/9/2021, tổng tài sản của KBC đạt gần 30.200 tỷ đồng, tăng gần 27% so với hồi đầu năm. Doanh nghiệp tăng dự trữ tiền và tương đương tiền gấp 3,5 lần lên 3.700 tỷ đồng, đồng thời các khoản phải thu ngắn hạn cũng tăng gấp rưỡi, đạt gần 9.700 tỷ đồng. Giá trị hàng tồn kho ở mức 11.514 tỷ đồng, đi ngang sau 9 tháng đầu năm.

Nợ phải trả chiếm 14.950 tỷ đồng trong nguồn vốn. Trong kỳ, dư nợ vay của KBC đạt 7.375 tỷ đồng, chủ yếu là vay dài hạn. Đồng thời, khoản vốn khác của chủ sở hữu cũng tăng thêm 2.685 tỷ so với đầu năm

Trên thị trường, chốt ngày giao dịch 6/12, cổ phiếu KBC giảm 2.100 đồng xuống 49.000 đồng/cổ phiếu, khối lượng giao dịch đạt 11,2 triệu đơn vị.

Có thể bạn quan tâm