“Làm giá” cổ phiếu DST, một nhà đầu tư phải nộp lại 3,3 tỷ đồng

Ủy ban chứng khoán Nhà nước (UBCKNN) vừa ban hành quyết định về việc áp dụng biên pháp khắc phục hậu quả đối với ông Hoàng Đức Thuận (địa chỉ: Thạch Hòa, Thạch Thất, Hà Nội).

Theo đó, buộc ông Thuận phải nộp lại số lợi bất hợp pháp có được do thực hiện hành vi thao túng thị trường đối với cổ phiếu của CTCP Đầu tư Sao Thăng Long (tên trước đây là: CTCP Sách và Thiết bị giáo dục Nam Định, mã: DST). Số tiền ông Thuận phải nộp lại là hơn 3,3 tỷ đồng.

Được biết, DST là cổ phiếu được niêm yết từ tháng 10/2007 với giá chào sàn lên tới 78.000 đồng (chưa điều chỉnh). Trong hơn một thập kỷ giao dịch trên sàn chứng khoán, cổ phiếu này ghi nhận biến động rất lớn. Giai đoạn 2015-2016, giá thị trường của DST có thời điểm vượt 40.000 đồng/cổ phiếu, nhưng sau đó đã giảm về dưới mệnh giá (10.000 đồng/cp) từ cuối năm 2017.

Sau đó bị trượt dài và lao dốc mạnh vào giai đoạn cuối 2019, đầu 2020, lình xinh quanh mức 2.000 đồng/cp. Tuy nhiên, bắt đầu từ tháng 4/2020, cổ phiếu này tăng mạnh và có lúc đạt 9.000 đồng/cp vào giữa tháng 8 vừa qua, trước khi bị đẩy trở lại vùng 5.000 đồng/cp thời gian gần đây.

Tại dự thảo mới về Nghị định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực chứng khoán, vi phạm thao túng cổ phiếu có thể phải chịu mức phạt 2-3 tỷ đồng nếu không có khoản thu trái pháp luật. Nếu có khoản thu nhưng không bị truy cứu trách nhiệm hình sự, đối tượng vi phạm bị Uỷ ban Chứng khoán Nhà nước phạt tiền gấp 10 lần khoản thu đó.

Thao túng, theo nghị định, là hành vi sử dụng một hoặc nhiều tài khoản hoặc thông đồng với người khác liên tục mua bán chứng khoán nhằm tạo ra cung cầu giả. Việc đặt lệnh mua bán cùng loại chứng khoán trong ngày mà không dẫn đến chuyển nhượng thực sự quyền sở hữu, hoặc quyền sở hữu chỉ luân chuyển giữa các thành viên trong một nhóm thông đồng với nhau cũng được xem là thao túng.

Theo Luật sư Nguyễn Huy An - Trưởng văn phòng luật sư Huy An, những hành vi vi phạm trên thị trường chứng khoán sẽ gây ra những tác động tiêu cực, ảnh hưởng đến tính minh bạch, cũng như làm giảm sức hấp dẫn của kênh thu hút vốn này. Từ đó, ảnh hưởng đến môi trường đầu tư và tác động xấu đến kênh thu hút vốn quan trọng của nền kinh tế. Do vậy, những hành vi vi phạm hành chính trong lĩnh vực chứng khoán cần phải được xử lý nghiêm.

Có thể bạn quan tâm