Nghề cung ứng đá cảnh, đá mỹ nghệ được ông Nguyễn Văn Vĩnh - người đầu tiên khai thác các sản phẩm về đá - sản xuất kinh doanh gần được 20 năm. Vào những năm đầu tiên khai thác về đá, ông Vĩnh gặp rất nhiều khó khăn, khi đó không ai tin các sản phẩm về đá lại có thể bán được ra thị trường. Mỗi người một ý kiến khác nhau nhưng ông Vĩnh vẫn quyết tâm làm. Thành quả của sự quyết tâm trong sản xuất kinh doanh là làng nghề sản xuất - chế tác đá cảnh được thành lập và công nhận.
Hành trình để trở thành làng nghề nổi tiếng như hiện nay cũng khá gian nan. Nhớ lại thuở ban đầu, ông Vĩnh trầm ngâm, lúc đầu ông thuê thợ đi vào các mỏ đá khai thác và thuê nhân công chở đá về trưng bày tại nhà, bán sản phẩm thô cho các thương lái buôn đá từ Hà Nam, Hà Nội, Ninh Bình với giá thành rẻ mạt, chỉ đủ nuôi nhân công và chút lãi để tiếp tục sản xuất. Sau nhiều năm kiên trì “lấy công làm lãi”, tự mày mò cách tiếp cận bán hàng, nhiều người đã biết và tìm đến sản phẩm của ông. Đặc biệt, sản phẩm của ông khuyến khích người đến trực tiếp tại bãi đá để sử dụng cũng đông hơn... Vì thế, các hộ dân xung quanh bắt đầu tham gia khai thác mua bán đá.
Tuy nhiên, việc khai thác và bán sản phẩm chưa được quy hoạch. Tiện hộ dân nào có lợi thế nhà mặt đường thì trưng bày các sản phẩm về đá để bán, còn hộ dân nào ở trong thôn thì đi vào mỏ đá khai thác. Cứ thế dần dần đã thu hút một lượng lớn lao động tại thôn tham gia kinh doanh sản xuất đá cảnh, tạo nguồn thu nhập cho cả thôn - xã.
Nhận thấy nếu cứ bán thô, hoạt động tự phát như vậy thì thu nhập cũng không cao, ông Vĩnh và những người thợ làm đá đã sáng tạo ra những cách thức mới để sản xuất. Đó là chế tác những viên đá thô sơ trở thành những tác phẩm nghệ thuật hoặc vật dụng có thể sử dụng được.
Hiện nay, các sản phẩm như bàn ghế đá, bàn đá cuội, đá lát dạo, đá mỹ nghệ trở thành những sản phẩm yêu thích, rất được khách hàng đón nhận.
Từ đó đến nay, người làm đá dần dần nắm được kỹ thuật làm đá cảnh, phong trào chế tác đá cảnh phát triển thu hút ngày càng nhiều các hộ gia đình tham gia. Năm 2015, Thôn Sỏi - Xã Phú Thành - Lạc Thủy - Hòa Bình được UBND tỉnh cấp bằng công nhận làng nghề chế tác đá cảnh.
Đến nay, làng nghề có hơn 70 hộ tham gia chế tác đá cảnh, chủ yếu là các hộ dọc đường Hồ Chí Minh và quốc lộ 21A, giải quyết việc làm gần 200 lao động. Sản phẩm của làng nghề chủ yếu là các hòn non bộ, bàn ghế và các tác phẩm khác được làm theo đơn đặt hàng của khách hàng.
Hiện nay, thị trường tiêu thụ đá của làng nghề rất rộng, cung cấp đá cho toàn quốc, một số mặt hàng còn xuất khẩu ra nước ngoài. Sản phẩm chế tác theo 2 hình thức theo đơn đặt hang của khách hàng và chế tác theo sự sáng tạo của đội ngũ làm đá. Thu nhập từ việc sản xuất - kinh doanh đá ngày càng tăng, có thể nói, mức thu nhập tương đối cao so với các nghành nghề khác.
Thời gian tới, để làng nghề chế tác đá cảnh Hòa Bình được phát triển, mở rộng quy mô khai thác tốt tiềm năng và thế mạnh, cá nghệ nhân làm đá rất cần sự quan tâm hỗ trợ kịp thời của các cấp ủy chính quyền địa phương tới từng hộ làm nghề chế tác đá cảnh.
Bên cạnh đó, vấn đề về đào tạo thợ làm nghề cũng cần được cấp uỷ, chính quyền địa phương quan tâm. Bởi điều này không chỉ tạo công ăn việc làm cho người lao động nơi đây, mà còn lưu giữ được làng nghề truyền thống.
Đặc biệt, việc quảng bá hình ảnh, đưa các sản phẩm từ đá cảnh đến gần hơn với khách hàng ở nhiều nơi, nhiều vùng miền cũng rất quan trọng. Điều này đòi hỏi không chỉ chính quyền địa phương giúp sức mà cần nỗ lực của từng cá nhân và các hộ làm nghề đá cảnh.
Có thể nói, xưởng sản xuất đá cảnh - đá mỹ nghệ Hòa Bình là một trong những đơn vị nổi trội, đi tiên phòng trong kinh doanh sản xuất các mặt hàng về đá. Với nguồn cung dồi dào, khách hàng cũng ngày càng biết đến nhiều hơn thông qua các sản phẩm chất lượng và có tính thẩm mỹ. Nhiều mặt hàng mới được cập nhật liên tục, đáp ứng khá tốt nhu cầu của khách hàng toàn quốc.