Lấy FTA làm thước đo để tự hoàn thiện mình

Hiệp định Đối tác toàn diện và tiến bộ xuyên Thái Bình Dương (CPTPP) vừa được ký kết đã truyền tín hiệu tích cực đến nền kinh tế Việt Nam.
Lấy FTA làm thước đo để tự hoàn thiện mình

Tuy nhiên, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế Nguyễn Đức Kiên lại dành sự quan tâm nhiều hơn đến quá trình đàm phán, ký kết Hiệp định Thương mại tự do Việt Nam - EU (EVFTA). Ông Kiên lý giải, EVFTA có phạm vi điều chỉnh toàn diện, đưa ra thước đo chuẩn để xây dựng nền kinh tế hoạt động hiệu quả, đủ sức hội nhập và cạnh tranh toàn cầu - là mục tiêu mà chúng ta đang hướng đến.

Nhập khẩu 20% tổng lượng hàng xuất khẩu của nước ta

Ông có những suy nghĩ nào khi CPTPP vừa được 11 nước thành viên ký kết, và quá trình đàm phán EVFTA có triển vọng sẽ hoàn thành trong năm 2018 này?

Ông Nguyễn Đức Kiên: CPTPP là FTA lớn nhất được kết thúc đàm phán trong thời gian gần đây, đánh dấu lần đầu tiên hình thành một khu vực mậu dịch tự do ở châu Á - Thái Bình Dương, dự báo sẽ tác động đến nước ta trên rất nhiều khía cạnh khác nhau. Tuy nhiên, tôi cho rằng chúng ta nên dành quan tâm nhiều hơn tới quá trình đàm phán, ký kết EVFTA.

Lý do thứ nhất, châu Âu là thị trường nhập khẩu gần 20% tổng lượng hàng hóa xuất khẩu của nước ta hiện nay, cao hơn so với 10 quốc gia còn lại trong CPTPP. Như vậy cơ hội mở rộng thị trường, đẩy mạnh thương mại của EVFTA không hề thua kém CPTPP.

Lý do thứ 2, CPTPP được ký kết sau khi tạm hoãn áp dụng ngay 20 điều khoản, vốn được Hoa Kỳ đề xuất, trong đó có nhiều quy định ngặt nghèo về sở hữu trí tuệ, giải quyết tranh chấp đầu tư… Trong khi đó, EVFTA có phạm vi điều chỉnh toàn diện, đối với cả những vấn đề được tạm hoãn áp dụng trong CPTPP, thậm chí có một số vấn đề còn khó đàm phán, thống nhất hơn cả Hiệp định Đối tác xuyên Thái Bình Dương (TPP).

Để khai thác hiệu quả thị trường EU, mở đường cho hàng hóa xuất khẩu của Việt Nam, chúng ta cần chú ý tới vấn đề gì, thưa ông?

Quá trình đàm phán ký kết EVFTA được thực hiện với hy vọng nước ta sẽ được đối xử bình đẳng với một số nước có trình độ phát triển kinh tế tương tự ở khu vực Nam Âu, tức là có một số thuận lợi hơn khi xuất khẩu vào thị thường này. Nhưng, kể cả khi đạt được mục tiêu nêu trên, mà không chọn được mặt hàng thích hợp để thâm nhập vào thị trường EU, thì kết quả đàm phán, ký kết EVFTA vẫn sẽ chỉ bằng không.

Ngay cả với lĩnh vực nông nghiệp vốn có thế mạnh của nước ta, nếu giữ cơ cấu ngành như hiện nay, việc đẩy mạnh tốc độ tăng trưởng khối lượng hàng xuất khẩu là không khả thi. Các quốc gia đang xuất khẩu nông sản vào những nền kinh tế hàng đầu của Liên minh châu Âu (Hy Lạp, Isarel...) đều đưa cách mạng khoa học công nghiệp vào từng nông trại, và có cự ly vận chuyển ngắn, đơn giản. Tức là nông sản xuất khẩu của họ có lợi thế hơn hẳn so với nông sản xuất khẩu của Việt Nam.

Qua phân tích có thể thấy, mặt hàng nên đẩy mạnh xuất khẩu vào thị trường Liên minh châu Âu là thủy sản, vì Việt Nam có những lợi thế riêng có với loại nông sản này. Vấn đề phải chú ý ở đây là quy trình khai thác, công nghiệp chế biến nông sản ở nước ta còn lạc hậu, hiện chủ yếu xuất đông lạnh, với tỷ lệ lợi suất không cao, chưa kể còn bị nhà nhập khẩu soi vào tỷ lệ đông đá trong sản phẩm. Nếu không thay đổi quy trình khai thác, chế biến sản phẩm, hàng hóa, thì thủy sản Việt Nam vẫn sẽ khó vào được thị trường EU.

Không nên dùng áp lực bên ngoài để ép đổi mới

Ông có lưu ý rằng EVFTA đặt ra nhiều ràng buộc hơn cả CPTPP về các vấn đề như sở hữu trí tuệ, lao động, đầu tư… Liệu chúng ta có thể kỳ vọng về một kịch bản “nhượng bộ” như trong đàm phán CPTPP để hiệp định này sớm được ký kết hay không?

Trước hết tôi cho rằng chúng ta cần suy nghĩ theo hướng Việt Nam cần các quốc gia ký FTA song phương, đa phương hơn là họ cần chúng ta, vì đa số đều là thị trường nhập khẩu hàng hóa lớn của Việt Nam. Một vấn đề khác, nước ta đang theo một mô hình kinh tế đặc biệt, không giống với các mô hình phổ biến trên thế giới, trong khi các FTA đều được xây dựng, soạn thảo dựa trên mô hình phổ thông này.

Việt Nam cũng có xuất phát điểm thấp hơn nhiều quốc gia tham gia FTA thế hệ mới, nhất là về trình độ khoa học, công nghệ. Điều này buộc mỗi cơ quan, đơn vị và từng cá nhân phải nỗ lực không ngừng để bắt nhịp nhanh theo mô hình kinh tế được xác định trong các FTA thế hệ mới. Vì vậy không nên kỳ vọng có thể trì hoãn quá lâu việc thực hiện các chuẩn mực chung của thế giới trong quá trình phát triển.

Thế giới đang vận động rất nhanh, nên không thể vì lý do nước ta có 100 triệu dân mà bảo các quốc gia khác đợi mình. Nếu không biết mình, biết người sẽ khó có thể bứt phá được, chưa nói có thể còn tụt hậu trong cuộc cách mạng công nghiệp 4.0 hiện nay. Cá nhân tôi đánh giá rằng, với phạm vi điều chỉnh toàn diện, các điều khoản của EVFTA có thể nói là một thước đo chuẩn, mô hình cơ bản cho việc hình thành một nền kinh tế hoạt động có hiệu quả.

Cụ thể thì thước đo này sẽ được hình thành và áp dụng như thế nào?

Ngay từ quá trình đàm phán, ký kết hiệp định sẽ giúp định hình trong tư duy và nhận thức của chúng ta về việc vận hành theo mô hình mới này. Tôi đơn cử, sự thay đổi có thể thấy ngay trong lĩnh vực mua sắm của Chính phủ, vì để đáp ứng các tiêu chuẩn của EVFTA, thì việc tiến hành mua sắm sẽ buộc phải đấu thầu rộng rãi, công khai, vốn phải được cân đối đủ trước khi tiến hành.

Các quy tắc nêu trên thực chất khá tương đồng với quy định của Luật Đầu tư công năm 2015. Tuy nhiên, Luật Đầu tư công hiện hành đang bị nhiều cơ quan hành pháp phản đối, hay nói cách khác sức ì trong khu vực hành pháp đang chống lại những cải cách về mặt luật pháp.

Như vậy, phải chăng việc thực hiện các điều khoản trong FTA thế hệ mới có khả năng giúp đánh tan sức ì trong khu vực hành chính công, thưa ông?

Chúng ta không nên hy vọng dùng áp lực bên ngoài để ép mình đổi mới. Tự bản thân không đổi mới, thì đừng hy vọng người khác giúp mình đổi mới. Các FTA ký kết trước đây đã để lại bài học rõ ràng về điều này, vì ngay như việc gia nhập Tổ chức Thương mại thế giới (WTO) vẫn chưa tạo sự thay đổi đáng kể về chất lượng tăng trưởng.

Đặt quan điểm các FTA thế hệ mới sẽ tạo sức ép hay động lực đổi mới nền kinh tế là một sự ngộ nhận hoặc cố tình choàng lên một chức năng vốn không thuộc về những hiệp định này. FTA thế hệ mới về bản chất là một mô hình, phương thức vận hành nền kinh tế phải hướng tới, nếu nước ta muốn hội nhập sâu vào kinh tế thế giới.

- Xin cảm ơn ông!

Theo Phương Thuỷ/Đaibieunhandan

Có thể bạn quan tâm

Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính trả lời chất vấn trước Quốc hội

Chính phủ đề xuất tái khởi động dự án điện hạt nhân

Để đảm bảo nguồn điện cung ứng trước mắt và lâu dài, Chính phủ đã áp dụng đồng bộ nhiều giải pháp, trong đó có việc thực hiện đề xuất cấp có thẩm quyền tái khởi động dự án điện hạt nhân, phát triển mạnh điện gió ngoài khơi...

Toàn cảnh bức tranh kinh tế 10 tháng năm 2024 qua các con số

Toàn cảnh bức tranh kinh tế 10 tháng năm 2024 qua các con số

Trong 10 tháng năm 2024, kinh tế Việt Nam đạt kết quả tích cực trong nhiều lĩnh vực như: Tổng kim ngạch xuất, nhập khẩu hàng hóa tăng 11,8% (so với cùng kỳ năm 2023); Chỉ số sản xuất ngành công nghiệp tăng ổn định; Số doanh nghiệp thành lập mới “hồi sinh”...