Trong một bài phát biểu, phát trực tiếp trên tài khoản Facebook, ông Pashinyan tuyên bố, người dân Armenia phải sẵn sàng nhượng bộ "đau đớn" trong bất kỳ thỏa thuận hòa bình nào. Nhưng điều này không có nghĩa là Armenia sẽ đầu hàng không kháng cự.
Ngày 26/10/2020, Azerbaijan hân hoan tuyên bố một chuỗi chiến thắng và tiến bộ quân sự, bất chấp cái gọi là 'lệnh ngừng bắn nhân đạo' thứ ba được tổng thống Mỹ Donald Trump tuyên bố có hiệu lực.
Tình hình chiến sự Nagorno-Karabakh ngày 27/10/2020
Giới lãnh đạo chính trị và quân sự Azerbaijan rõ ràng không quan tâm đến những hành vi vi phạm thỏa thuận khi đang nắm ưu thế quyết định trên chiến trường. Những cuộc đàm phán đơn thuần chỉ là một thủ đoạn duy trì bề ngoài chính thức là mong muốn hòa bình, đánh lừa đối phương và làm mất ý chí kháng cự, lôi kéo cộng đồng quốc tế vào những dự đoán sai lầm. Baku không hề thay đổi ý đồ đánh chiếm toàn bộ Nagorno - Karabakh.
Một phần nhờ vào những cuộc đàm phán ngừng bắn, Azerbaijan giành được những lợi ích đáng kể trên chiến trường. Trong khi đó, Thủ tướng Armenia Nikol Pashinyan trên Facebook cho biết, Armenia đã và đang duy trì lệnh ngừng bắn do Mỹ làm trung gian.
“Quân đội Quốc phòng Artsakh đã thể hiện sự kiềm chế kể từ sáng, nhưng tại thời điểm này, chúng tôi có tuyên bố rằng lệnh ngừng bắn đã không được Azerbaijan tuân thủ lần thứ ba" - Pashinyan nói.
“Tôi đã nói chuyện với Ngoại trưởng Mỹ Mike Pompeo đêm qua và tôi khẳng định chắc chắn lệnh ngừng bắn sẽ bị vi phạm. Tôi hỏi Ngoại trưởng Mỹ rằng nếu lệnh ngừng bắn không được tôn trọng, chúng ta sẽ tìm hiểu xem bên nào vi phạm nó? Thứ hai tôi hỏi, hậu quả của việc bên vi phạm lệnh ngừng bắn sẽ như thế nào” - Pashinyan nói.
Thủ tướng Armenia không nhận được câu trả lời nào vào thời điểm đó, nhưng hy vọng các quan chức Washington sẽ trả lời các câu hỏi ngày hôm nay. Ông Pashinyan tin tưởng rằng Tổng thống Nga, Mỹ và Pháp đều chân thành trong nỗ lực thiết lập lệnh ngừng bắn.
Cộng đồng quốc tế bất lực trong việc tác động đến các sự kiện diễn ra trên chiến trường Nagorno - Karabakh thông qua ngoại giao. Nhận thấy rất rõ những tiêu chuẩn kép của phương Tây, Azerbaijan mạnh mẽ thừa nhận sự tham gia của Thổ Nhĩ Kỳ vào cuộc chiến, thậm chí cả sự hiện diện của F-16 ở Azerbaijan, điều mà Baku phủ nhận trước đây.
Vài giờ sau khi thỏa thuận ngừng bắn có hiệu lực, Tổng thống Azerbaijan Ilham Aliyev cho biết trong một bài phát biểu trên truyền hình, đất nước ông sẽ "tiếp tục đến cùng" cho đến khi người Armenia tuyên bố rút khỏi lãnh thổ Karabakh, đồng thời cũng tuyên rằng ông đã ra lệnh cho quân đội tuân thủ thỏa thuận ngừng bắn. .
Aliyev cảnh báo, có tới 6 máy bay chiến đấu F-16 Thổ Nhĩ Kỳ ở quốc gia này, sẽ can thiệp nếu Azerbaijan bị tấn công. Ông nói: “Những người anh em Thổ Nhĩ Kỳ của chúng tôi đã duy trì sự hiện diện của máy bay chiến đấu ở đây để thể hiện sự ủng hộ về tinh thần. Nếu có một cuộc tấn công chống lại chúng ta từ nước ngoài, kẻ thù sẽ đối mặt với F-16".
Azerbaijan hiện đang có có lợi thế về quân sự vào lúc này, mục đích của liên minh Thổ Nhĩ Kỳ - Azerbaijan chắc chắn sẽ là tấn chiếm toàn bộ vùng Nagorno-Karabakh và sau đó là một lệnh ngừng bắn và các cuộc đàm phán hòa bình thực sự.
Các UAV Azerbaijan tiếp tục phá hủy vũ khí, trang thiết bị của Armenia ở Nagorno - Karabakh
Một tài khoản twitter công bố video, tuyên bố Azerbaijan sử dụng UAV sát hại cựu bộ trưởng quốc phòng Cộng hòa Artsakh, Jalal Harutyunyan
Càng tiến bộ trên chiến trường, Azerbaijan cũng tích cực tham gia vào các cuộc đàm phán ngừng bắn liên tục để gây nhiễu dư luận quốc tế và đánh lạc hướng người dân Armenia. Trong cuộc chiến này, Thổ Nhĩ Kỳ đang đóng vai trò hậu thuẫn và thúc đẩy Baku tiến hành các cuộc tấn công dưới sự yểm trợ của UAV. Với chính sách bài Nga cực đoan và hy vọng Mỹ sẽ can thiệp vào chiến trường để ngăn chặn Thổ Nhĩ Kỳ - Azerbaijan, thất bại của chính phủ thủ tướng Nikol Pashinyan nói riêng và người Armenia nói chung là khó tránh khỏi.