Loay hoay giải bài toán thiếu điện cục bộ

Rất khó để đạt được cùng lúc cả 4 mục tiêu: An ninh lưới điện; tiến tới lộ trình xanh hoá; hỗ trợ xã hội và tăng năng lực cạnh tranh quốc gia, tức giá điện phải giữ ở mức thấp.

Trong những ngày gần đây, câu chuyện thiếu điện tại miền Bắc khiến nhiều doanh nghiệp rơi vào tình trạng khó càng thêm khó, cắt điện sản xuất làm tăng chi phí, đảo lộn kế hoạch sản xuất, kinh doanh, giao hàng sẽ không đúng tiến độ, khiến chuỗi sản xuất bị gián đoạn, có thể dẫn đến hủy đơn hàng.

thiếu điện

Khốn đốn vì cắt điện

Công ty Cổ phần Công nghệ Cơ khí Sao Việt (Savimec) tại Khu công nghiệp Đại Đồng - Hoàn Sơn (Bắc Ninh) cho biết, vừa qua, doanh nghiệp nhiều lần bị cắt điện 20 tiếng, thậm chí cả 24 tiếng nhưng không được thông báo sớm. Chậm tiến độ sản xuất, giao hàng, doanh nghiệp có thể phải đền hợp đồng cho đối tác. Trước tình trạng bất khả kháng này, doanh nghiệp phải tận dụng thời điểm có điện, tập trung sản xuất hết công suất cả ngày lẫn đêm, cố gắng xong trước kế hoạch ít nhất 2 ngày để đề phòng cắt điện.

Tình trạng cắt điện đột ngột cũng khiến Công ty Cổ phần Thương mại và Phát triển Công nghệ PMA khốn đốn. Theo đó, những ngày cuối thág 5 và đầu tháng 6, doanh nghiệp này bị cắt điện 3 lần, từ 7 giờ sáng đến 16 giờ chiều, nhưng phía cơ quan điện lực địa phương lại chỉ thông báo trước đó vài tiếng. Tình trạng này khiến hoạt động sản xuất của doanh nghiệp bị ảnh hưởng rất lớn, kế hoạch sản xuất bị đảo lộn, đơn hàng bị chậm tiến độ. Công ty đã phải thay đổi toàn bộ giờ làm việc của công nhân sang làm việc từ 16 giờ chiều đến 22 giờ đêm (ca tối), khiến Công ty phải chi thêm tiền trợ cấp giờ làm và thay đổi sinh hoạt của toàn thể nhân viên.

Theo Hiệp hội Công nghiệp hỗ trợ Việt Nam (VASI) cho biết, nhiều doanh nghiệp đang gặp khó do không thể bố trí lịch sản xuất trước tình trạng cắt điện không báo trước hoặc báo trước rất ngắn. Do đặc thù sản xuất công nghiệp, các loại lò gia nhiệt, máy ép nhựa, cao su... cần chạy thời gian dài mới hiệu quả, đại diện VASI kiến nghị, chia phiên cắt điện hợp lý hơn, thời gian cắt điện - có điện càng dài càng tốt (2-3 ngày cắt 1 lần hoặc lâu hơn).

Tương tự, hội những nhà sản xuất nhôm thanh định hình phục vụ xây dựng và công nghiệp Việt Nam (VAA) cũng kiến nghị ngành điện có kế hoạch điều tiết điện để tránh quá tải trong ngắn hạn 3-5 ngày, tuyệt đối không cắt điện sản xuất đột ngột.

thiếu điện
Phó Giám đốc Trung tâm Điều độ hệ thống điện quốc gia (AO), Nguyễn Quốc Trung

Không chỉ sản xuất khó khăn khi bị cắt điện, mà thậm chí hàng đã ra đến cảng cũng bị chậm trễ do mất điện tại cảng. Mới đây, ba Hiệp hội gồm: Hiệp hội Doanh nghiệp dịch vụ Logistics Việt Nam, Hiệp hội Đại lý, Môi giới và Dịch vụ Hàng hải Việt Nam và Hiệp hội Chủ tàu Việt Nam đã có văn bản gửi tới Tổng công ty Điện lực Việt Nam (EVN) "kêu" vì tình trạng mất điện tại cảng Hải Phòng.

Theo các doanh nghiệp, việc cắt điện đã gây rất nhiều khó khăn cho các cảng, tiềm ẩn rủi ro doanh nghiệp phải đền bù thiệt hại rất lớn cho số ngày tàu nằm chờ tại cảng, làm giảm sút nghiêm trọng chất lượng dịch vụ, xuống cấp nhanh chóng trang thiết bị, ảnh hưởng đến an toàn lao động và đặc biệt là nguy cơ bị mất khách hàng,...

Lý giải về lý do cắt điện hiện nay, Phó Giám đốc Trung tâm Điều độ hệ thống điện quốc gia (AO), Nguyễn Quốc Trung cho biết, từ tháng 4 đến nay, việc cấp điện gặp nhiều khó khăn, sản lượng điện toàn hệ thống có sự thay đổi rất mạnh, tăng phụ tải lên tới hơn 453 triệu kWh, tăng 20% so với cùng kỳ năm 2022.

Trong khi đó, miền Bắc chủ yếu sử dụng nhiệt điện hoặc thủy điện. Nhưng bởi hiện tượng El Nino tái diễn vào năm nay, cộng với năm nay là năm nhuận, mùa khô sẽ có thêm 1 tháng, điều này khiến áp lực cấp điện gia tăng. Vì vậy đến tháng 8 cấp điện được giải tỏa khi qua giai đoạn mùa khô và các nhà máy điện được vận hành ổn định.

Giải quyết dứt điểm tình trạng thiếu điện trong tháng 6

Lý giải tình trạng thiếu điện, ông Võ Quang Lâm, Phó Tổng giám đốc Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) cho biết, trong giai đoạn 2016-2022, miền Bắc tăng trưởng nhanh điện thương phẩm, nhanh hơn cả miền Trung và miền Nam, trung bình đạt 9,9%. 

Vừa qua, miền Bắc có một số dự án điện công suất lớn được đưa vào vận hành là nhà máy nhiệt điện Hải Dương và Nghi Sơn 2 với công suất lần lượt là 1.300MW và 1.200MW, bên cạnh đó còn nhà máy nhiệt điện Thái Bình 2 với công suất 1.200MW. Tuy nhiên, do mới đưa vào vận hành nên Nhiệt điện Thái Bình 2 chỉ vận hành 600MW. Hơn nữa, từ năm 2016 đến nay, miền Bắc chưa có thêm dự án nguồn điện nào khởi công.

thiếu điện
Khi mùa khô qua, nhà máy thủy điện có nước, tình trạng thiếu điện sẽ được giải quyết

Về năng lượng tái tạo, ông Lâm cho biết mặc dù nguồn năng lượng tái tạo phát triển nhiều, nhưng phân bổ không đều, không phát triển ở miền Bắc. Đây là một trong những khó khăn, thách thức rất lớn cho việc vận hành hệ thống điện quốc gia, đặc biệt ở khu vực phía Bắc.

Trong khi đó, khả năng truyền tải điện từ miền Trung ra miền Bắc hiện đang rất khó khăn khi chưa lưới truyền tải Bắc-Nam mới chỉ có có 2 đường dây 500kV mạch 1 và mạch 2 chủ yếu tập trung tại Trung và Nam bộ. Trong sơ đồ điện 8 đã đặt ra kế hoạch làm đường dây 500kV mạch 3 từ Hà Tĩnh trở ra miền Bắc kết nối đến Hưng Yên để khép kín mạch vòng này, thời gian thực hiện từ nay đến năm 2030. Nếu mạch này được hoàn thành thì có thể có thêm 1.000-1.500MW kết nối mạch vòng đưa điện từ Nam ra Bắc.

Như vậy, theo đại diện EVN, tình trạng thiếu điện sẽ khó có thể giải quyết được trong ngắn hạn. Tuy nhiên, mới đây, Văn phòng Chính phủ vừa ban hành Thông báo kết luận của Thường trực Chính phủ tại cuộc họp về những nhiệm vụ, giải pháp lớn ổn định kinh tế vĩ mô, kiểm soát lạm phát, thúc đẩy tăng trưởng và bảo đảm các cân đối lớn của nền kinh tế trong tình hình hiện nay, trong đó đặc biệt yêu cầu Tập đoàn Dầu khí Việt Nam và Tập đoàn Điện lực Việt Nam giải quyết dứt điểm việc thiếu điện trong tháng 6/2023; phối hợp chặt chẽ với Bộ Công Thương trong xử lý các vướng mắc phát sinh.

Nguy cơ thiếu điện còn hiện hữu

Tình trạng thiếu điện hiện nay hiện chỉ diễn ra vào mùa khô, mùa nắng nóng khiến phụ tải tăng mạnh. Tuy nhiên, theo Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế Quốc hội Vũ Hồng Thanh, các cảnh báo về thiếu điện đã được đưa ra cách đây vài năm, trước khi diễn ra dịch Covid-19. Và với tốc độ tăng trưởng kinh tế phục hồi 6-7% như hiện nay, ông Thanh cho biết trong tương lai tình trạng thiếu điện sẽ còn trầm trọng hơn.

Trong khi đó, dư địa phát triển thủy điện gần như không còn khi các nguồn này đã huy động tới 80%. Còn nhà máy nhiệt điện cũng rất ít được phê duyệt, và cũng rất lâu mới đưa vào sử dụng. Thêm vào đó, việc phát triển nguồn nhiệt điện than phải được đặt trong mối quan hệ với những cam kết của Việt Nam tại COP26 về phát thải ròng về 0. Vì vậy, ông Thanh cho rằng việc ứng xử với điện than cũng là câu chuyện phải tính.

Về sử dụng nguồn điện tái tạo, ông Thanh cho biết chỉ phát có mức độ, chiếm tỷ trọng nhất định trong tổng đầu tư chứ không thể phát triển ồ ạt, bởi năng lượng tái tạo phát triển nhiều ở vùng không có phụ tải, phải truyền tải đi xa, muốn làm vậy phải có quy hoạch, kế hoạch, chiến lược đầu tư rõ ràng. Còn đầu tư rồi, không đồng bộ với truyền tải thì không được.

thiếu điện

Đặt trong bối cảnh thực hiện Quy hoạch điện 8 đã được phê duyệt, ông Vũ Hồng Thanh cho rằng sẽ có nhiều bài toán đặt ra về phát triển nguồn, lưới điện để đảm bảo cung ứng điện năng cho phát triển kinh tế xã hội, giảm phát thải ròng về 0 theo cam kết tại Hội nghị COP 26.

Cùng quan điểm, TS. Nguyễn Đức Hiển, Phó Trưởng Ban Kinh tế Trung ương trong Diễn đàn cấp cao về Công nghệ 4.0 mới đây cũng cho rằng, nếu như trong những năm qua, chúng ta đầu tư đồng bộ hệ thống truyền tải điện, đặc biệt là xử lý các dự án điện quốc gia thì có lẽ đã không phải chịu những áp lực về thiếu điện cục bộ gần đây. 

Nhu cầu năng lượng đang phát triển rất nhanh trong khi đó, ngành công nghiệp năng lượng Việt Nam cũng đang gặp một các nguồn cung trong nước không đủ đáp ứng yêu cầu, nhiều dự án điện bị chậm so với quy hoạch, kế hoạch, trữ lượng và sản lượng sản xuất ngày than, dầu thô và khí suy giảm hằng năm.

TS. Võ Trí Thành, Viện trưởng Viện Nghiên cứu chiến lược thương hiệu và cạnh tranh cho rằng rất khó để đạt được cùng lúc cả 4 mục tiêu: An ninh lưới điện; tiến tới lộ trình xanh hoá; hỗ trợ xã hội và tăng năng lực cạnh tranh quốc gia, tức giá điện phải giữ ở mức thấp.

Nguyên nhân là do chính các mục tiêu này đã có sự mâu thuẫn với nhau và phải tìm ra điểm cân bằng. Đơn cử như câu chuyện xanh hoá, khuyến khích phát triển năng lượng tái tạo bằng giá FIT, khi tài trợ quá mức thì gây thâm hụt ngân sách, còn không ưu đãi thì khó phát triển, ông Thành phân tích.

Bài toán về nguồn vốn và giá bán cũng rất quan trọng đối với việc phát triển hệ thống năng lượng quốc gia, kể cả khi bố trí được vốn thì tốc độ giải ngân cũng là yếu tố cần tính đến khi đầu tư các dự án về điện.

TS. Võ Trí Thành cho rằng, ở góc độ vĩ mô cần phải làm sao vừa đảm bảo được môi trường kinh doanh dễ tiên liệu để thu hút nhà đầu tư vừa phải quản trị rủi ro để đảm bảo an ninh năng lượng quốc gia.

Có thể bạn quan tâm