Phần còn lại chào bán cho các nhà đầu tư định danh và các nhà đầu tư chiến lược.
Lý giải về tỷ lệ bán khiêm tốn trong đợt IPO tới, ông Nguyên cho biết, nếu bán nhiều cổ phần hơn sẽ khiến giá trị doanh nghiệp thấp đi, con số đã được cân nhắc rất kỹ cùng đơn vị tư vấn. Toàn bộ thông tin về xác định giá trị doanh nghiệp, giá chào bán lần đầu... sẽ được công bố vào tuần tới khi doanh nghiệp nhận được sự đồng ý từ Bộ Công Thương.
Lãnh đạo BSR cũng cho hay, việc thực hiện chào bán cổ phiếu của BSR sẽ chia làm hai giai đoạn. Giai đoạn I, công ty sẽ tiến hành chuyển đổi thành mô hình cổ phần và thực hiện chào bán cho cán bộ nhân viên và IPO, hoàn thành trong năm 2017. Tiếp đến, BSR sẽ hoàn tất việc chào bán cho nhà đầu tư định danh và nhà đầu tư chiến lược trong vòng 12 tháng tiếp theo.
Do thuộc diện Nhà nước nắm giữ dưới 50% vốn điều lệ (không giới hạn tỷ lệ bán), lãnh đạo BSR kỳ vọng có thể bán tới 36% cổ phần cho đối tác chiến lược có tiềm lực tài chính mạnh và kinh nghiệm trong lĩnh vực lọc - hóa dầu.
Chia sẻ về quyết định IPO của BSR, ông Nguyễn Hoài Giang – Chủ tịch HĐTV Công ty cho rằng đây là việc “không thể không làm”. Mặc dù theo ông Giang, thời điểm này, BSR mới cổ phần hoá là đã muộn và khó khăn hơn rất nhiều so với thời kỳ còn “đỉnh cao” của ngành dầu khí.
Theo ông Trần Ngọc Nguyên, trong giai đoạn vừa qua, doanh thu và lợi nhuận BSR rất tốt. Mặc dù lợi nhuận công ty giảm (do giá dầu giảm) song lợi nhuận liên tục tăng.
Cụ thể, năm 2013 doanh thu BSR đạt 154 nghìn tỷ đồng, lợi nhuận sau thuế là 2,93 nghìn tỷ đồng thì đến năm 2016, doanh thu đạt 74,57 nghìn tỷ đồng, lợi nhuận sau thuế là 4,49 nghìn tỷ đồng. Bên cạnh đó, tỷ suất lợi nhuận BSR đạt trên 20% - theo ông Nguyên, con số này không phải nhiều doanh nghiệp đạt được.
Ông Nguyên cho biết thêm, BSR đã gửi thư mời 15 quỹ đầu tư trong và ngoài nước mua cổ phần, đến thời điểm này đã có đối tác quan tâm và họ đang yêu cầu làm rõ một số chỉ số.