Theo số liệu thống kê, tới thời điểm hiện tại đã có 7 bộ, ngành Trung ương và 63 tỉnh, thành phố ban hành Kế hoạch lấy ý kiến nhân dân về dự thảo Luật Đất đai (sửa đổi).
Ngoài ra, Bộ Tài nguyên và Môi trường cũng đã nhận được 12 ý kiến góp ý bằng thư điện tử và gửi trực tiếp về bộ; 457 lượt ý kiến góp ý của tổ chức, cá nhân đối với dự thảo Luật Đất đai (sửa đổi) trên website lấy ý kiến nhân dân.
Nội dung góp ý tập trung ý kiến nhiều nhất vào các chương như: Chương I quy định chung; chương VII bồi thường, hỗ trợ, tái định cư khi nhà nước thu hồi đất; chương X đăng ký đất đai, cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, quyền sở hữu nhà ở và tài sản khác gắn liền với đất; chương VI thu hồi đất, trưng dụng đất; chương XI tài chính về đất đai, giá đất; chương IX giao đất, cho thuê đất, chuyển mục đích sử dụng đất,…
Trước đó, ngày 30/1/2023, Bộ Tài nguyên và Môi trường đã ban hành Quyết định số 120/QĐ - BTNMT ban hành Kế hoạch thực hiện Nghị quyết số 170/NQ-CP. Cụ thể, từ ngày 20/2-15/3, Bộ sẽ tổ chức các đoàn công tác theo dõi, đôn đốc việc tổ chức lấy ý kiến Nhân dân về dự thảo Luật Đất đai (sửa đổi)tại các địa phương.
Bộ Tài nguyên và Môi trường dự kiến hoàn thiện hồ sơ dự án Luật Đất đai (sửa đổi) trên cơ sở tiếp thu ý kiến nhân dân trước ngày 27/3/2023 và trình Chính phủ báo cáo tiếp thu, giải trình ý kiến của nhân dân và dự thảo Luật Đất đai (sửa đổi) đã được chỉnh lý, hoàn thiện theo ý kiến góp ý trước ngày 1/4/2023.
Sau đó, Bộ sẽ báo cáo Chính phủ để trình Ủy ban Thường vụ Quốc hội trước ngày 5/4/2023. Bộ Tài nguyên và Môi trường sẽ tham mưu cho Chính phủ tiếp thu ý kiến của Ủy ban Thường vụ Quốc hội, hoàn thiện hồ sơ dự án Luật Đất đai (sửa đổi), báo cáo Ủy ban Thường vụ Quốc hội để trình Quốc hội cho ý kiến tại Kỳ họp thứ V, trước ngày 25/4/2023.