Lướt sóng và kem chống nắng: Quả "bom độc" của môi trường biển

Mỗi năm, hơn 8.000 tấn đồ lặn được đưa đến các bãi chôn lấp khắp nơi trên thế giới. Tiềm năng tái chế vật liệu may đồ lặn còn hạn chế nên vẫn tồn tại những rủi ro cho đa dạng sinh học và phát thải từ các bãi chôn lấp...

luotsong_1.jpeg

Ngành lướt sóng phụ thuộc rất nhiều vào tình hình môi trường nhưng hoạt động của ngành này lại chưa thực sự bền vững. Kem chống nắng cũng không hẳn an toàn, hóa chất độc hại có trong nhiều sản phẩm chống nắng là mối nguy đối với hệ sinh thái biển.

PHỤ THUỘC VÀO MÔI TRƯỜNG NHƯNG LẠI GÂY HẠI CHO MÔI TRƯỜNG

Trang phục dùng trong các môn thể thao dưới nước gây hại không ít đến môi trường, từ khâu sản xuất đến thải bỏ. Đồ lặn thông thường được làm từ cao su tổng hợp, được sản xuất từ một trong hai nguồn không thể tái tạo - hóa dầu hoặc đá vôi.

Mặc dù được xem là lựa chọn thân thiện với môi trường hơn so với cao su tổng hợp từ dầu mỏ, loại cao su tổng hợp từ đá vôi cũng sử dụng một nguồn tài nguyên hữu hạn, quá trình khai thác và sản xuất bằng đòi hỏi một lượng năng lượng đáng kể.

Quá trình sản xuất cao su tổng hợp cần một lượng nhiệt lớn cho các phản ứng hóa học và sau đó tạo hình vật liệu theo hình dạng mong muốn. Trong báo cáo Decarbonising Heat (31/3/2023) của HSBC, đơn vị này cho biết, nhiên liệu hóa thạch chiếm khoảng 90% thành phần nhiên liệu để sản xuất nhiệt trong các quy trình công nghiệp trên toàn cầu.

Mặc dù khí thải từ quá trình khai thác và sản xuất cao su tổng hợp là mối quan tâm chính, lựa chọn cách thải bỏ và kết thúc vòng đời sản phẩm cũng có thể gây ra thách thức liên quan đến bãi chôn lấp như góp phần phát thải do thiếu khả năng phân hủy sinh học.

Vòng đời bình quân của một bộ đồ lặn cao su tổng hợp
Vòng đời bình quân của một bộ đồ lặn cao su tổng hợp

Thực tế, chỉ riêng ở Anh, 380 tấn đồ lặn bằng cao su tổng hợp được thải ra bãi chôn lấp mỗi năm. Con số này trên toàn cầu lên đến hơn 8.000 tấn. Trong khi, một bộ đồ lặn chất lượng có thể tồn tại từ một đến năm năm và một người lướt sóng trung bình sẽ đổi đồ lặn mới hai năm một lần, điều đó đồng nghĩa các quy trình kết thúc vòng đời sản phẩm bền vững là chìa khóa để giảm tác động của bãi chôn lấp.

Ngay cả khi xem xét các kế hoạch tái chế cao su tổng hợp để sản xuất các mặt hàng như thảm yoga, ốp máy tính xách tay và đai giữ cốc, vật liệu này cuối cùng sẽ được thải ra bãi chôn lấp và góp phần vào phát thải từ bãi chôn lấp cũng như những rủi ro đa dạng sinh học cho các hệ sinh thái xung quanh thông qua ô nhiễm hóa học trong nước và đất cũng như bụi trong không khí/chất thải từ các địa điểm chôn lấp.

Phát triển các vật liệu bền vững thay thế và kéo dài tuổi thọ sản phẩm (sửa chữa, tái sử dụng/cho tặng, bán lại hoặc cho thuê) là những giải pháp hiệu quả nhất để tạo ra mô hình đồ lặn mang tính tuần hoàn hơn.

Một loại vật liệu đang ngày càng trở nên phổ biến là Yulex. Loại cao su có nguồn gốc thực vật này được sản xuất từ cây Hevea, được trồng và thu hoạch tự nhiên. Quá trình này giảm 80% lượng phát thải CO2 so với cao su tổng hợp.

Tuy nhiên, khi những sản phẩm có nguồn gốc thực vật ngày càng phổ biến, chúng ta phải thận trọng trước tác động của tình trạng phá rừng. Các công ty và tổ chức đang nỗ lực kéo dài tuổi thọ của đồ lặn và phát triển các vật liệu thay thế.

VÁN LƯỚT SÓNG GÂY HẠI

Từ khâu sản xuất đến thải bỏ, ván lướt sóng ẩn chứa nhiều rủi ro đối với môi trường. Thông thường, ván lướt sóng được làm từ polymer polyurethane (PU), được nung nóng bên trong khuôn để tạo bọt. Sau đó, các tấm ván được phủ bằng vải sợi thủy tinh và nhựa polyester để ép thành tấm ván.

Nhựa polyester có những rủi ro đối với cả sức khỏe con người – thông qua kích ứng da và hô hấp – lẫn môi trường do ô nhiễm nước và đất, với những tác động tiềm tàng đến đa dạng sinh học.

Trong suốt quá trình sản xuất, một lượng chất thải đáng kể được tạo ra, từ vụn bọt cho đến nhựa dư thừa. Xử lý chất thải bền vững là chìa khóa để hạn chế tác động đến môi trường, tuy nhiên chất thải sản xuất thường được đưa vào bãi chôn lấp hoặc đổ ra bãi rác.

Trong suốt vòng đời của ván lướt sóng, sáp được sử dụng để giúp người lướt sóng duy trì độ bám và cân bằng để nâng cao chất lượng trượt. Sáp thường được sản xuất từ parafin, một sản phẩm phụ của quá trình lọc dầu.

Bên cạnh tác động phát thải của quá trình xử lý dầu mỏ, quá trình này còn liên quan đến việc sử dụng các hóa chất có tính độc hại cao gọi là dioxin. Những người tiếp xúc với dioxin thường xuyên có thể bị suy giảm hệ thống miễn dịch và chức năng sinh sản cũng như nguy cơ mắc ung thư.

Khi sản phẩm đến tay người tiêu dùng, những rủi ro đối với sức khỏe con người và sinh vật biển vẫn chưa kết thúc. Sáp thường trôi khỏi các tấm ván và xâm nhập vào hệ sinh thái biển, bị sinh vật biển hấp thụ và di chuyển vào chuỗi thức ăn cũng như góp phần vào vấn đề vi nhựa.

95% tỷ lệ sáp ván lướt sóng có chứa phụ phẩm dầu mỏ

Các lựa chọn thay thế bền vững đang ngày càng phổ biến trong ngành lướt sóng. Từ nhựa có nguồn gốc thực vật đến sáp và miếng đệm kéo hữu cơ, người ta đang nỗ lực nhằm giảm tác động đến môi trường của ngành sản xuất ván. Nấm (sợi nấm) là một loại vật liệu cải tiến có thể giúp thay thế ván lướt sóng bằng nhựa. Rễ sợi nấm phát triển tạo thành một vật liệu giống như polystyrene, rất tốt để tạo hình ván lướt sóng và không gây hại cho môi trường khi bị hỏng.

Dầu vỏ hạt cũng là một cơ hội khi được trộn với chất xúc tác phù hợp sẽ tạo ra chất giống như bọt cho lõi ván lướt sóng. Kết hợp ngành công nghiệp ô tô và lướt sóng, Jaguar Land Rover đã tái chế bọt PU đã qua sử dụng thành ván lướt sóng và ván chèo để giảm lượng rác thải nhựa được đưa đến các bãi chôn lấp.

Khi ván đã đi đến hồi kết của vòng đời do bị vỡ hoặc bị hư hỏng không thể sửa chữa, các bộ phận của ván cũng là một thách thức cho bền vững khi thải bỏ. PU không thể tái chế và không phân hủy sinh học. Khi bị vỡ ngoài biển, ván lướt sóng sẽ giải phóng hóa chất, hoặc nếu vỡ trên bờ, ván sẽ được đưa vào bãi chôn lấp, làm ô nhiễm hệ sinh thái xung quanh.

Việc tích hợp các chương trình tái chế/tái sử dụng và thị trường thứ cấp là chìa khóa để kéo dài vòng đời của sản phẩm – cuối cùng là giảm lượng nhựa được sản xuất và thiệt hại do các hóa chất độc hại chứa bên trong gây ra.

Một số điểm sáng như các trường hợp ngành lướt sóng giúp bảo tồn và phục hồi hệ sinh thái, thường hỗ trợ việc thành lập các khu bảo tồn được pháp luật bảo hộ. World Surfing Reserves là một chương trình hướng đến bảo vệ hệ sinh thái lướt sóng trên toàn cầu. North Devon ở Vương quốc Anh là khu vực gần đây nhất được khoanh vùng làm khu bảo tồn – bảo vệ hơn 30 km bờ biển.

KEM CHỐNG NẮNG - QUY MÔ LỚN, TÁC ĐỘNG LỚN

Ngành công nghiệp kem chống nắng đang phát triển trên toàn cầu. Theo Fortune Business Insights, tháng 6/2023, thị trường sản phẩm chống nắng có thể tăng từ mức khoảng 14 tỷ USD của năm 2022 lên 20 tỷ USD vào năm 2030.

Động lực chính là nhu cầu ngày càng tăng đối với các mặt hàng thân thiện với môi trường đắt tiền với chỉ số chống nắng (SPF) cao hơn và mức tiêu thụ gia tăng do mối lo ngại về ung thư da.

HSBC cho rằng, mức tiêu thụ gia tăng sẽ khiến các bên liên quan tăng cường tập trung vào tác động môi trường của kem chống nắng, vì ước tính có khoảng 6.000 đến 14.000 tấn kem chống nắng trôi ra biển hàng năm.

Hóa chất từ kem chống nắng có thể ảnh hưởng đến môi trường biển như thế nào?

Các nhà đầu tư nên xem xét việc các hóa chất phổ biến được sử dụng trong các sản phẩm chống nắng đe dọa san hô và các sinh vật biển khác như thế nào. Kem chống nắng hóa học (hữu cơ) thường bao gồm các hoạt chất hấp thụ tia cực tím của mặt trời, chẳng hạn như oxybenzone (benzophenone-3) hoặc octinoxate (ethylhexyl methoxycinnamate).

Ví dụ, nghiên cứu cho thấy rằng tỷ lệ san hô mất màu ngày càng tăng do nồng độ oxybenzone cao do thiếu hụt zooxanthellae (loài tảo đơn bào sống trong hầu hết các loại polyp san hô và giúp san hô tồn tại bằng cách cung cấp thức ăn cho san hô trong quá trình quang hợp).

Ngoài ra, hóa chất có thể ảnh hưởng đến khả năng sinh sản và gây ra các vấn đề khác cho sinh vật biển, như nêu ra trong hình 3. Mặc dù một số quốc gia và vùng lãnh thổ cấm bán hoặc sử dụng các sản phẩm chống nắng có chứa hóa chất gây hại cho sinh vật biển ở một số khu vực (ví dụ: Hawaii, Quần đảo Virgin của Mỹ, Thái Lan, đảo Bonaire), những hóa chất này vẫn được phép sử dụng trong các sản phẩm mỹ phẩm trên toàn thế giới.

HSBC nêu quan điểm, các nhà đầu tư có thể tạo ra sự khác biệt bằng cách xem xét kỹ lưỡng cách tiếp cận của các nhà sản xuất nhằm giảm tác động của kem chống nắng đến môi trường. Nhiều công ty hiện tuyên bố rằng sản phẩm của họ "có thể phân hủy sinh học" hoặc "an toàn cho rạn san hô" vì dựa trên oxit kẽm hoặc titan dioxide (được gọi là kem chống nắng vật lý hoặc khoáng chất phản xạ tia cực tím từ mặt trời).

Tuy nhiên, theo OECD, nhãn "sẵn sàng phân hủy sinh học" chỉ có thể được cấp cho sản phẩm đã đạt đến mức độ phân hủy sinh học vừa đủ (nhưng chưa hoàn toàn) theo một trong các thử nghiệm 301 của OECD trong vòng 10 ngày.

Các nghiên cứu cũng cho thấy rằng các dạng hạt nano (có kích thước micron hóa đến dưới 100nm) của oxit kẽm hoặc titan dioxide, đã được sử dụng nhiều hơn trong một thập kỷ qua do bề ngoài ít đục hơn, có thể gây hại cho trai biển, tảo và các sinh vật biển khác.

Hơn nữa, các bộ lọc UV vô cơ này thường được phủ các hóa chất có thể làm thay đổi đặc tính lý hóa và ảnh hưởng đến môi trường nước biển.

Hóa chất trong kem chống nắng và sinh vật biển
Hóa chất trong kem chống nắng và sinh vật biển

Việc đưa các thành phần mới thân thiện với môi trường vào công thức kem chống nắng là rất quan trọng nhưng cũng khá khó khăn do những lo ngại về an toàn đối với con người và các quy định liên quan đến thử nghiệm trên động vật.

Vì vậy, việc tập trung vào các phiên bản không chứa vi hạt của các hoạt chất này là điều quan trọng đối với các hoạt động giải trí dưới nước. Các tổ chức như Environmental Working Group cung cấp cơ sở dữ liệu về kem chống nắng và thành phần của chúng để giúp các bên liên quan đánh giá tác động môi trường của các sản phẩm chống nắng.

Chẳng hạn, một số thương hiệu (ví dụ: Suntribe, Thrive, Thinksport, Stream2See) tuyên bố rằng họ chỉ sử dụng oxit kẽm không chứa nano hoặc oxide kẽm trong suốt (ví dụ: Badger) hoặc titan dioxide trong kem chống nắng của họ. Trong khi các nhà nghiên cứu đi tìm các phương pháp mới để sản xuất oxit kẽm – qua đó giúp giảm năng lượng tiêu hao và giá thành.

BAO BÌ ĐÓNG GÓI

Sự chú ý của các bên liên quan đối với việc giảm tác động của bao bì đóng gói sẽ tiếp tục tăng lên, vì nhiều chai kem chống nắng bằng nhựa khó tái chế và không được chấp nhận để tái chế tại nhà.

Một số thương hiệu hiện sử dụng hộp chứa bằng nhựa sinh học "xanh" có thể tái chế (ví dụ: Coral Sure, được tạo ra bằng mía trồng trên đất bền vững), bao bì có thể tái chế không chứa nhựa như nhôm, thiếc (Sol de Ibiza) hoặc thủy tinh (ví dụ: UpCircle) và các lựa chọn dùng lại bao bì cũ (ví dụ: SurfDurt). Hy vọng rằng, những động thái này sẽ giúp giảm tỷ lệ bao bì nhựa được đưa vào bãi chôn lấp.

Nhìn chung, các nhà đầu tư nên tiếp tục xem xét kỹ lưỡng các cam kết của các công ty trong ngành thể thao dưới nước và kem chống nắng; những cải tiến trong tương lai nên tập trung vào việc tái chế và kéo dài tuổi thọ của đồ lặn và ván lướt sóng, phát triển các chất liệu cải tiến, triển khai các thành phần mới không chứa vi hạt và thân thiện với môi trường trong các sản phẩm chống nắng.

Theo thời gian, HSBC cho rằng ý kiến ​​đóng góp của nhà đầu tư có thể giúp làm cho các hoạt động giải trí dưới nước trở nên thú vị theo hướng bền vững hơn.

Xem thêm

Bộ Tài nguyên và Môi trường chỉ rõ loạt sai phạm tại dự án Five Star Eco City

Bộ Tài nguyên và Môi trường chỉ rõ loạt sai phạm tại dự án Five Star Eco City

Bộ Tài nguyên Môi trường vừa có kết luận số 12/KL-BTNMT, thanh tra việc chấp hành pháp luật đất đai, môi trường của Công ty Cổ phần Tập đoàn Quốc tế Năm Sao khi thực hiện dự án Khu đô thị Năm Sao ( dự án Five Star Eco City) tại xã Phước Lý, huyện Cần Giuộc và xã Long Trạch, Long Khê, huyện Cần Đước…

Có thể bạn quan tâm

Disney rót 12 tỷ USD vào ngành du lịch biển

Disney rót 12 tỷ USD vào ngành du lịch biển

Trong bối cảnh ngành du lịch biển có nhiều tín hiệu phục hồi mạnh mẽ, Disney đang đẩy mạnh đầu tư vào mảng kinh doanh du thuyền với mục tiêu mở rộng sang thị trường Đông Nam Á…

Black Friday là gì và tại sao người tiêu dùng lại “mê” ngày lễ mua sắm này đến vậy?

Black Friday là gì và tại sao người tiêu dùng lại “mê” ngày lễ mua sắm này đến vậy?

Black Friday, thường diễn ra vào ngày thứ Sáu sau Lễ Tạ Ơn tại Mỹ, là khởi đầu cho mùa mua sắm cuối năm ở nhiều quốc gia. Ngày này được biết đến với những đợt giảm giá lớn và ưu đãi hấp dẫn tại các cửa hàng và trang thương mại điện tử, thu hút hàng triệu người mua sắm trên toàn cầu…