‘Mập mờ’ trong quy hoạch Trung tâm hành chính huyện Phú Riềng?

Câu chuyện “mập mờ” giữa xây dựng Trung tâm hành chính và TTTM, dịch vụ, đô thị ở huyện Phú Riềng dần trở nên sáng tỏ hơn khi có hàng chục hộ dân trong quyết định thu hồi đất của huyện gửi đơn khiếu nại đến UBND huyện Phú Riềng, tỉnh Bình Phước.
‘Mập mờ’ trong quy hoạch Trung tâm hành chính huyện Phú Riềng?

Hàng chục hộ dân tại thôn Tân Bình, xã Bù Nho, huyện Phú Riềng, tỉnh Bình Phước mới đây vừa gửi đơn đến Chủ tịch UBND huyện Phú Riềng “khiếu nại quyết định thu hồi đất và quyết định hành chính về việc bồi thường, hỗ trợ tái định cư trong Dự án xây dựng khu Trung tâm hành chính (TTHC) huyện Phú Riềng”.

Thu hồi đất chưa đúng quy trình

Theo đơn khiếu nại, ngày 24/6/2016, UBND tỉnh Bình Phước ban hành Quyết định số 1492/QĐ-UBND phê duyệt đồ án quy hoạch chung xây dựng tỷ lệ 1/5000 và quy định quản lý quy hoạch chung huyện lỵ Phú Riềng.

Chưa đầy hai tháng sau, ngày 11/8/2016, Chủ tịch UBND huyện Phú Riềng ra Quyết định số 1217/QĐ-UBND phê duyệt đồ án quy hoạch chi tiết xây dựng 1/500 Khu TTHC huyện Phú Riềng, tỉnh Bình Phước.  

Tuy nhiên, ngày 13/9/2017, Chủ tịch UBND huyện Phú Riềng đã ban hành Quyết định số 2975/QĐ-UBND phê duyệt phương án tái định cư khu TTHC huyện Phú Riềng.

Ngày 06/09/2019, UBND huyện Phú Riềng ban hành quyết định về việc thu hồi đất để thực hiện Dự án xây dựng TTHC huyện Phú Riềng, thu hồi hàng trăm ngàn m2 đất bao gồm cả đất ở và đất nông nghiệp của 65 hộ gia đình sinh sống tại đây vào khoảng tháng 2/2020.

Sau đó, các hộ dân tại đây nhận được một số biên bản xác định giá trị bồi thường, hỗ trợ Dự án xây dựng TTHC huyện Phú Riềng” (lập năm 2018, không ngày, không tháng, không có con dấu và chữ ký).

Trong đơn khiếu nại, các hộ này cho rằng “UBND huyện Phú Riềng thu hồi đất và áp dụng chế độ bồi thường, hỗ trợ có dấu hiệu ‘trái pháp luật’, gây thiệt hại nghiêm trọng đến quyền lợi hợp pháp của các hộ dân”.

Thứ nhất, UBND huyện Phú Riềng tổ chức thu hồi đất khi chưa lập “Dự án TTHC huyện Phú Riềng”, chưa được cơ quan có thẩm quyền xem xét, thẩm định, phê duyệt. 

UBND huyện Phú Riềng thu hồi hàng trăm ngàn m2 đất bao gồm cả đất ở và đất nông nghiệp của 65 hộ gia đình
UBND huyện Phú Riềng thu hồi hàng trăm ngàn m2 đất bao gồm cả đất ở và đất nông nghiệp của 65 hộ gia đình

Thứ hai, căn cứ theo “Bản đồ phân lô” - đồ án quy hoạch chi tiết và các quyết định thu hồi đất, UBND huyện Phú Riềng sử dụng đất thu hồi của nhân dân dọc tuyến đường ĐT.741 để phân lô bán nền, phục vụ mục đích kinh doanh thương mại là trái quy định, có dấu hiệu lợi dụng chủ trương thu hồi đất để phục vụ mục đích kinh doanh thương mại.

Thứ ba, UBND huyện Phú Riềng thực hiện chưa đúng quy trình, thủ tục thu hồi đất, như chưa tổ chức thực hiện đầy đủ thủ tục thông báo thu hồi đất, không tổ chức họp phổ biến cụ thể về chủ trương thu hồi đất đến người dân, về phương án bồi thường, hỗ trợ, tái định cư; không ban hành quyết định bồi thường, hỗ trợ, tái định cư… 

Ngoài ra, việc áp giá bồi thường, hỗ trợ, tái định cư chưa đúng quy định của pháp luật, chưa đảm bảo quyền lợi của các hộ dân.

Huyện vượt thẩm quyền?

Huyện Phú Riềng được thành lập từ tháng 8/2015 trên cơ sở tách một phần địa giới từ huyện Bù Gia Mập, nằm cách Tp. Đồng Xoài (trung tâm tỉnh lỵ Bình Phước) 20km về phía bắc. 

Chưa đầy một năm sau ngày thành lập, tháng 6/2016, UBND tỉnh Bình Phước ra Quyết định 1492/QĐ-UBND “phê duyệt đồ án quy hoạch chung xây dựng tỷ lệ 1/5000 và quy định quản lý theo đồ án quy hoạch chung huyện lỵ Phú Riềng đến năm 2030, tầm nhìn sau năm 2030”. 

Căn cứ vào quyết định quy hoạch trên, hai tháng sau, Chủ tịch UBND huyện Phú Riềng Nguyễn Hoàng Hùng đã ban hành Quyết định 1217/QĐ-UBND ngày 11/8/2016, “phê duyệt đồ án quy hoạch chi tiết xây dựng tỷ lệ 1/500 Khu TTHC huyện” với diện tích hơn 163ha. 

Phần đất để xây dựng trụ sở cơ quan nhà nước, đơn vị sự nghiệp của huyện Phú Riềng là 33,62ha, chứ không phải 163ha như Quyết định 1217
Phần đất để xây dựng trụ sở cơ quan nhà nước, đơn vị sự nghiệp của huyện Phú Riềng là 33,62ha, chứ không phải 163ha như Quyết định 1217

Điều mà Luật sư Nguyễn Duy Bình, Văn phòng luật sư Duy – Trinh, đoàn luật sư Tp. HCM, cho rằng, có sự mập mờ ở đây khi khu TTHC huyện, nhưng không chỉ có các công trình hành chính, công cộng mà còn có các trung tâm thương mại dịch vụ và khu nhà ở liền kề, khu biệt thự... 

Theo quy định của pháp luật, Quyết định 1217 chỉ là một trong những căn cứ để lập các dự án phù hợp với quy hạch sử dụng đất. UBND huyện Phú Riềng chưa lập Dự án TTHC huyện Phú Riềng và chưa được UBND tỉnh Bình Phước phê duyệt.

Trong số 163ha đất này, có 2/3 đất thu hồi của công ty cao su Phú Riềng (trực thuộc Tập đoàn công nghiệp Cao su Việt Nam), còn lại là đất của dân. Trong khi đó, theo quyết định 443/QĐ-UBND của UBND tỉnh Bình Phước ban hành ngày 11/3/2019, kế hoạch sử dụng đất năm 2019 của huyện Phú Riềng thì đất dành để xây dựng trụ sở cơ quan 32,08ha, đất để xây dựng trụ sở tổ chức sự nghiệp như trường học, bệnh viện… có diện tích là 1,54ha.

"Như vậy, có thể thấy kế hoạch sử dụng đất, kế hoạch thu hồi đất năm 2019 để xây dựng trụ sở cơ quan nhà nước, đơn vị sự nghiệp của huyện Phú Riềng là 33,62ha,”, Luật sư Bình nói.

Hơn nữa, theo Quyết định số 1217, tại trang 5, dòng thứ 2 và 3 (từ dưới lên) quy định “các khu nhà ở hiện hữu trên đường ĐT.741 được cải tạo, chỉnh trang, tạo sư đồng nhất, hài hoà trên toàn tuyến”, chứ không trong diện thu hồi đất. Chiểu theo Quyết định này, UBND huyện Phú Riềng không được lấy đất của dân để xây dựng TTHC.

Theo quy trình thủ tục thu hồi đất, UBND tỉnh phải có quyết định thu hồi đất chung, sau đó, UBND huyện mới theo thẩm quyền của mình thu hồi đất của cá nhân gia đình.

Trong số 163ha đất dự án, có 2/3 đất thu hồi của công ty cao su Phú Riềng
Trong số 163ha đất dự án, có 2/3 đất thu hồi của công ty cao su Phú Riềng

“Ở đây, UBND tỉnh cũng không có quyết định thu hồi đất chung. Như thế có dấu hiệu UBND huyện làm hết”, Luật sư Bình cho hay.

Hiện trạng “bản đồ phân lô” cho thấy phần đất thu hồi của công ty cao su Phú Riềng chiếm một diện tích rất lớn nhưng chỉ bố trí vài ba cơ quan nhà nước tại khu đất này, còn lại phần lớn diện tích được phân lô, bán nền và sử dụng làm đất kinh doanh thương mại khác.

Như vậy, theo Luật sư này, UBND huyện Phú Riềng đã có dấu hiệu lợi dụng chủ trương thu hồi đất của nhân dân phục vụ lợi ích riêng cho một ai đó, “gây thiệt hại nghiêm trọng về quyền lợi hợp pháp của nhân dân”.

Theo ông Trần Ngọc Chính, Nguyên Thứ trưởng Bộ Xây dựng, Chủ tịch Hội Quy hoạch đô thị Việt Nam cho biết, theo quy định, khi có quyết định xây dựng TTHC thì trong khu vực đó chỉ bố trí trụ sở các cơ quan nhà nước và các công trình công cộng, chứ không thể lẫn TTTM, dịch vụ, nhà ở và đặc biệt không thể phân lô, bán nền. Nếu có thì chỉ bố trí khu vực bên cạnh, chứ không thể trong quy hoạch chung này. 

Xem thêm

Có thể bạn quan tâm

Trung tâm thương mại hút khách thuê

Trung tâm thương mại hút khách thuê

Giá thuê trung bình tăng tới 16,2% tại Hà Nội và 15,4% tại TP.HCM, khẳng định sức hút ngày càng lớn của trung tâm thương mại đối với các nhà đầu tư và thương hiệu…