Mới đây, Ủy ban châu Âu (EC) đã đăng công báo quy định số 2024/1662 ký ngày 11/6/2024 về rà soát áp dụng các biện pháp tăng cường kiểm tra bổ sung, biện pháp khẩn cấp quản lý nhập khẩu hàng nông sản, thực phẩm từ các nước thứ 3 vào thị trường Liên minh châu Âu (EU) theo quy định 2019/1973.
Theo đó, từ ngày 2/7/2024, mì ăn liền của Việt Nam chính thức được đưa ra khỏi diện kiểm soát an toàn thực phẩm của EU. Tuy nhiên, tần suất kiểm tra tại cửa khẩu đối với mì ăn liền Việt Nam vẫn được duy trì ở mức 20%.
Đồng thời, doanh nghiệp xuất khẩu mì ăn liền sang EU cần đảm bảo sản phẩm đáp ứng các yêu cầu về an toàn thực phẩm theo quy định của EU.
Bên cạnh mì ăn liền, EU cũng điều chỉnh quy định kiểm tra đối với một số sản phẩm nông sản khác của Việt Nam. Cụ thể, tần suất kiểm tra thanh long tại biên giới được tăng từ 20% lên 30%.
Mặt hàng ớt được chuyển từ kiểm soát 50% (phụ lục I) sang kiểm soát 50% và kèm theo giấy chứng nhận an toàn thực phẩm, kết quả phân tích kiểm nghiệm về dư lượng thuốc bảo vệ thực vật tồn dư trong sản phẩm (phụ lục II).
Đậu bắp được giữ nguyên tần suất kiểm tra 50% và kèm theo giấy chứng nhận an toàn thực phẩm, kết quả phân tích kiểm nghiệm về dư lượng thuốc bảo vệ thực vật tồn dư trong sản phẩm. Sầu riêng vẫn giữ nguyên tần suất kiểm tra là 10%.
Ông Trần Ngọc Quân, Tham tán Thương mại Việt Nam tại Vương quốc Bỉ và EU cho biết, việc được đưa ra khỏi diện kiểm soát an toàn thực phẩm sẽ giúp mì ăn liền Việt Nam thuận lợi hơn trong mục tiêu tiếp cận thị trường EU, vốn có tiềm năng rất lớn với hơn 450 triệu dân. Đây cũng là thành quả của quá trình xây dựng thương hiệu quốc gia cho sản phẩm nông sản Việt Nam.
Việc EU điều chỉnh quy định kiểm tra đối với các sản phẩm nông sản của Việt Nam là một tín hiệu tích cực cho thấy sự tin tưởng của EU vào chất lượng và an toàn thực phẩm của Việt Nam. Doanh nghiệp Việt Nam cần tiếp tục nỗ lực nâng cao chất lượng sản phẩm để đáp ứng các yêu cầu ngày càng cao của thị trường EU.
Trước đó, tháng 7/2022, EU phát hiện nhiều sản phẩm mì ăn liền, bánh phở nhập khẩu có dư lượng ethylene oxide (EO) vượt ngưỡng quy định của khối này.
Cụ thể, Đức đưa ra cảnh báo với sản phẩm mì ăn liền hương vị gà, mì ăn liền hương vị cà ri của Công ty Cổ phần Thực phẩm Á Châu (thành phố Thuận An, tỉnh Bình Dương). Ba Lan cũng có cảnh báo sản phẩm mì ăn liền vị gà của Công ty cổ phần Kỹ nghệ thực phẩm Việt Nam (Vifon) và nước này đã trả lại lô hàng.
Ngày 1/1/2022, EU bắt đầu áp dụng quy định kiểm soát khẩn cấp đối với các loại bún, miến mì của Việt Nam. Chỉ 6 tháng sau đó, EU đã đưa bún miến, các sản phẩm từ gạo ra khỏi danh mục quản lý an toàn thực phẩm.
Ngày 7/6/2023, EU đã đăng công báo sửa đổi quy định 2019/1973 về các biện pháp khẩn cấp kiểm soát thực phẩm xuất khẩu vào EU. Theo đó, EU đã chính thức đưa các loại mì ăn liền của Việt Nam từ phụ lục II (kiểm soát bằng chứng thư an toàn thực phẩm và kiểm soát tại cửa khẩu) sang phụ lục I với tần suất kiểm tra tại biên giới là 20%.
Quy định có hiệu lực kể từ ngày 27/6/2023, mì ăn liền Việt Nam xuất khẩu vào EU không bị bắt buộc đi kèm giấy kiểm định an toàn thực phẩm do cơ quan có thẩm quyền cấp.