Cuộc gặp gỡ thuộc về định mệnh
Jerome Lefebvre từng làm nghề dạy kỹ năng mềm cho trẻ em, sau đó đến với nghề lái tàu điện ngầm từ 1995 và gắn bó với nó cho đến ngày nay.
Lần đầu đến Việt Nam du lịch cũng là lần anh gặp nửa kia của mình. Anh kể: “Tôi biết đến Việt Nam vì ngoài mối quan hệ lịch sử giữa hai nước Pháp – Việt, tôi còn biết đến võ đạo Việt Nam và tôi rất ấn tượng về nó. Dự định đến Việt Nam đã lâu mà công việc bận quá nên mãi năm 2019 mới đi được. Cảm xúc ban đầu của tôi là văn hóa, sự kết nối giữa con người với con người. Sau 3 đêm đầu thuê khách sạn trên phố cổ, tôi tìm được nhà Kim trên airbnb. Hôm tôi đến, Kim đi vắng, cô giúp việc không biết nói tiếng Anh nên nhờ một cô gái thuê nhà gần đó sang dịch hộ. Cô gái được giới thiệu tên Tuệ - đeo khẩu trang kín mít, chỉ để hở cặp mắt đen, to, toát lên vẻ nhân hậu và thông minh. Ngay lập tức tôi như bị hút vào đó”.
Cặp mắt đen tỏa ra thứ ánh sáng kỳ lạ. Những tia sáng chân thật, ấm áp khiến Jerome Lefebvre thấy đồng cảm, ấm áp. Câu chuyện dẫn dắt từ cái password wifi của ngôi nhà, những quy định dành cho khách lưu trú…rồi đến hoàn cảnh riêng của mỗi người, đặc biệt là mảnh đời của Tuệ. “Ngoài đôi mắt sáng ra, cô ấy có thân hình gầy gò, tiều tụy. Khi cô ấy tháo khẩu trang, tôi nhìn thấy cặp môi của cô ấy thâm đen, từng mảng vẩy đang bong tróc, làn da bợt bạt, thiếu sinh khí…cảm giác của tôi lúc đó là xót xa và thương cảm vô cùng”. Jerome chia sẻ. Cuộc gặp gỡ mở đầu ngắn ngủi đã làm thay đổi lịch trình du lịch của anh trong chuyến đi này. Anh hủy bỏ kế hoạch đi thăm mấy nước trong khu vực Asean để ở lại bên Tuệ. Dường như nơi anh thuộc về chính là đây.
Có Tuệ, Jerome đi được nhiều nơi. Anh vô cùng ngạc nhiên vì những sự liên quan giữa văn hóa Pháp và văn hóa Việt Nam. Từ ngôn ngữ, đồ ăn thức uống, các loại bánh, hoa, quả,.. đến các điểm du lịch rất gần gũi với văn hóa và ngôn ngữ Pháp. Anh chia sẻ: “Ở một vài nơi, tôi gặp những người già nói tiếng Pháp thoải mái. Đến Sapa, tôi lại càng ngạc nhiên vì có quá nhiều sự kết nối – một sự kết nối của quá khứ và hiện tại. Những gì của quá khứ như nét sinh hoạt của con người, đồ vật, cảnh vật…lại đang hiện diện ở nơi đây một cách sống động. Tôi vô cùng phấn khích vì những điều đơn giản đó. Cảm giác tôi thuộc về nơi này lại càng rõ rệt hơn”.
“Sang Việt Nam để “gánh cái nợ đời”
Đó là lời của Tuệ, khi cô nói về Jerome. Jerome đã rất khoái chí về cách ví von hóm hỉnh đó và hoàn toàn hài lòng với “cái nợ đời” mà anh có được.
Tuệ từng là nhân viên ngân hàng. Cô gái khỏe mạnh, hiếm khi ốm, ưa vận động, đi rừng thường xuyên, có những hoạt động tích cực giúp cộng đồng người Dao Đỏ kinh doanh những sản phẩm địa phương. Công việc đang rất phát triển thì một sự cố sức khỏe xảy ra. Từ một lần bị dị ứng, chữa chạy thế nào mà “lợn lành thành lợn què”. Gan, máu bị nhiễm độc. Làn da – đặc biệt là da mặt lở loét, bong tróc, cân nặng chỉ còn 37 kg. Tuệ vật vờ, tiều tụy, sự sống dường như chỉ tính tháng… Với Tuệ, ngày nào cũng có thể là ngày cuối cùng cô được thức dậy và nhìn thấy ánh dương. Cơ môi bị liệt, cô chỉ có thể đưa thức ăn, nước uống vào miệng nhờ ống hút. Hành trình chữa bệnh đến khi bỏ được ống hút và bắt đầu cười được là mất gần 5 năm. “Đó là khi tôi gặp cô ấy. Tuệ coi khổ bệnh là một điều kiện để rèn luyện tâm an trong nghịch cảnh. Tôi hỏi: “Em đau đến như thế này mà anh vẫn thấy em bình an. Vậy nếu em khỏe thì sẽ như thế nào nhỉ?”. Tuệ nói: “Em mất 5 năm chữa bệnh, coi như được tái sinh - nhiều gian nan nhưng cũng là hành trình tuyệt vời. Giờ em bình an hơn, thật sự biết ơn và trân trọng cuộc sống”. Nghe cô ấy nói vậy, tôi lại càng cảm phục” - Jerome tâm sự.
“Lần đầu tiên được anh Jerome mời đi dạo buổi tối, em không nghĩ nhiều, rủ cô giúp việc của Kim’s house đi cùng. Bọn em mang theo 2 bao tải dứa. Anh Jerome vận sơ mi đóng thùng, đi giày da, thấy em đi cùng cô giúp việc và cầm theo 2 bao tải dứa thì rất ngạc nhiên. Em hồn nhiên rủ anh ấy đi dọc phố, nhặt rác bỏ vào bao, anh ấy cũng vui vẻ đi và nhặt rác cùng em. Dân phố Nghi Tàm thấy một anh Tây đỏm dáng đi nhặt rác với hai “mụ” người Việt cứ nhìn theo với vẻ tò mò và thích thú” - Tuệ rúc rích kể.
Jerome không thể nào quên được buổi hẹn hò đầu tiên đó với Tuệ. Cô gái mà anh thương xót và cảm phục rủ anh đi nhặt rác cho sạch đường phố - chẳng có gì là lãng mạn cho một buổi hẹn hò. Thế nhưng điều đó lại khiến Jerome ấn tượng và day dứt mãi. Một cô gái đau ốm, từng bị bệnh viện từ chối chữa bệnh vì gần như hết phương cách lại luôn nghĩ cho người khác. Jerome quyết định ở lại bên Tuệ. Rồi anh chính thức cầu hôn cô gái ốm yếu, gió thổi cũng bay đó.
Anh về nước với tâm trạng không thể nào day dứt hơn. 2 tháng sau anh quay lại Việt Nam, vào đúng dịp Tết. Hai người lên kế hoạch đi thăm làng cổ Đường Lâm, đã chuẩn bị hành trang đầy đủ mà Tuệ quá yếu - môi sưng, đi tiểu ra máu… nên kế hoạch bị hủy bỏ. Anh lại bên cô, chăm sóc nâng niu từng bữa ăn, giấc ngủ cho cô.
Lần thứ 3 Jerome sang Việt Nam, Tuệ đã đỡ hơn nhờ có thuốc dân tộc của thầy Sinh ở Tuyên Quang. Hàng ngày cô bôi một loại dung dịch đen xì được ép ra từ rễ cây lên môi. Thìa nhôm phải đánh bẹt ra để đưa được thức ăn, thuốc và nước uống vào miệng mà không ảnh hưởng đến môi. Jerome cũng luôn nhớ các loại thuốc chiết xuất từ lá cây, các vật dụng khác như ống hút, thìa bẹt… để Tuệ sử dụng. Anh cũng đặc biệt ngưỡng mộ thầy thuốc đông y của Việt Nam - đã lần lượt “giải quyết” các vấn đề về sức khỏe của Tuệ, giúp cô từng bước chiến thắng bệnh tật…
Cảm động trước tình cảm sâu sắc của Jerome, cô chính thức gật đầu lời cầu hôn của anh. Jerome yên trí về Pháp thu xếp công việc để sang làm thủ tục đăng ký kết hôn với Tuệ, nhưng đại dịch bỗng ập đến…
Hơn 2 năm dịch bệnh bùng phát khắp toàn cầu, khoảng cách địa lý tới hơn một vạn km khiến Jerome ngày đêm khắc khoải lo âu. Hình ảnh đất nước, con người Việt Nam ngày càng ngấm sâu trong anh.
Những người hàng xóm của anh ở vùng ngoại ô Paris rất ngạc nhiên khi thấy ngôi nhà của Jerome bỗng dưng treo cờ Việt Nam. Rồi cờ đỏ sao vàng lần lượt xuất hiện trên mũ, trên áo và rất nhiều vật dụng khác của anh. Hình ảnh cờ Việt Nam khiến anh nguôi bớt nỗi nhớ Tuệ. Khi hết dịch, thế giới thông thương, anh lại lặn lội sang Việt Nam. Cả hai vỡ òa trong niềm vui gặp mặt.
Tuệ coi Jerome là mối nhân duyên. “Thời gian dài thế giới chìm đắm trong sự kinh hoàng bởi covid. Đó cũng là một thử thách lớn với những người yêu xa. Bất chấp khoảng cách địa lý, vượt qua cả nỗi sợ hãi vì đại dịch... chúng em vẫn bên nhau hàng ngày thông qua không gian mạng. Nếu đã là nhân duyên thì sẽ nguyện bên nhau, già đi cùng nhau và cố gắng cư xử với nhau tốt nhất có thể”. Cô nói.
Anh và cô có kế hoạch cho một cuộc sống bình dị ở Lâm Đồng hay miền núi cao nào đó - một ngôi nhà nhỏ, trồng hoa, làm vườn… Sử dụng chính những sự đau đớn của mình để biến nó thành bình an. Đó phải chăng là một điều phi thường không mấy ai làm được?!. Cô biết ơn những trận ốm và những tháng ngày đen tối nhất, biết ơn mối nhân duyên giữa hai người. Cô thường nghiền ngẫm những cuốn sách của thầy Thích Nhất Hạnh rồi dịch, giải nghĩa cho Jerome nghe. Cuốn “Một cuộc đời một vầng nhật nguyệt” (Nhật Minh Chiều Tâm Ảnh) cũng là cuốn cô và Jerome cực kỳ tâm đắc. Càng ngày anh càng hiểu thêm về luật vô thường và càng hiểu vì sao người con gái anh yêu có thể chịu đựng và vượt qua bao đau đớn, bệnh tật như thế.
Jerome hiểu sâu sắc hơn vì sao Việt Nam, lần đầu anh đến và muốn thuộc về nơi đây - vĩnh viễn!