“Quyền công dân” của một quốc gia hiện đang là một khái niệm “linh động” hơn bao giờ hết. Quay trở lại 50 năm trước, mới chỉ một số ít các quốc gia bắt đầu chấp thuận việc cung cấp hai quốc tịch cho người dân thì hiện nay, việc này đang trở nên vô cùng phổ biến. Hơn một nửa số quốc gia trên thế giới hiện có các chương trình đầu tư công dân.
Theo một chuyên gia, luật sư người Thuỵ Sĩ Christian Kalin, giờ đây “quyền công dân” đã trở thành một “mặt hàng” trong ngành công nghiệp toàn cầu có giá trị lên tới 25 tỷ USD mỗi năm. Ông Kalin, với biệt danh “Mr. Passport” là chủ tịch của Henley & Partners, một trong những “người chơi” lớn nhất trong thị trường đang phát triển vượt bậc này. Doanh nghiệp của ông đã giúp các cá nhân giàu có và gia đình của họ có được quyền cư trú hoặc quyền công dân ở các quốc gia khác nhau. Ông Kalin khẳng định, quan niệm truyền thống về quyền công dân trước đây đã là quá “lỗi thời”.
“Đây là một trong số ít những thứ còn lại trên thế giới gắn liền với dòng máu hoặc nơi bạn sinh ra. Và tôi nghĩ thật là không công bằng,” ông Kalin nói, giải thích rằng nơi chúng ta sinh ra không phải do kỹ năng hay tài năng của mình, mà thay vào đó là “sự may mắn thuần tuý”.
“Có gì sai trái khi coi thẻ công dân như một chiếc thẻ thành viên? Và có gì sai khi thừa nhận những người tài năng có đóng góp cho xã hội, đất nước?” Một số ủng hộ lập luận này của ông Kalin. Nhưng ngược lại, đối với nhiều người, hộ chiếu và thẻ công dân gắn liền với bản sắc dân tộc của một quốc gia. Do đó việc coi chúng là một mặt hàng để buôn bán thực sự không phù hợp.
Theo gót “lối dẫn công dân” tới đảo quốc Vanuatu nhỏ bé ở Thái Bình Dương, kể từ khi đất nước đưa ra chương trình công dân mới từ bốn năm trước, nó đã chứng kiến một sự “bùng bổ dân số” đầy bất ngờ. Và cho đến thời điểm hiện tại, hộ chiếu công dân cung cấp nguồn thu lớn nhất cho chính phủ nước này.
Đối với nhiều người sở hữu hộ chiếu Vanuatu, điều hấp dẫn nhất chính là quyền lợi miễn thị thực khắp châu Âu. Có vẻ như chính vì thế mà hầu hết những người nước ngoài có hộ chiếu Vanuatu lại... chưa bao giờ bước chân vào nước này. Thay vào đó, họ nộp đơn xin quyền công dân tại văn phòng ở nước ngoài, như PRG Consulting, nhà môi giới công dân Vanuatu được cấp phép, có trụ sợ tại… Hồng Kông. Hiện nay, Hồng Kông là một trong những thị trường có công dân đa-hộ-chiếu lớn nhất thế giới. Một đại lý môi giới cho biết, có nhiều người Trung Quốc đại lục sở hữu không chỉ hai mà còn tới ba hộ chiếu. “Đa phần họ muốn tiếp cận vào châu Âu để mở tài khoản ngân hàng, mua tài sản hoặc bắt đầu kinh doanh.”
Quyền công dân hiện được coi là một thị trường toàn cầu đầy cạnh tranh, đối với nhiều quốc gia nhỏ và quần đảo, đặc biệt là khu vực biển Caribbean - giá cho một hộ chiếu rơi vào khoảng 150.000 USD. Chi phí cho hộ chiếu Vanuatu có mức tương tự.
Cần bao nhiêu tiền để sở hữu hộ chiếu nước ngoài?
Antigua và Barbuda: từ 100.000 USD
Kitts và Nevis: từ 150.000 USD
Montenegro: từ 274.000 USD
Bồ Đào Nha: từ 384.000 USD
Tây Ban Nha: từ 550.000 USD
Bulgaria: từ 560.000 USD
Malta: từ 1 triệu USD đối với công dân bình thường, từ 900.000 USD nếu đầu tư vào một doanh nghiệp tạo ra ít nhất 10 việc làm
Anh quốc: từ 2,5 triệu USD
Rất nhanh để có thể nhận được một tấm hộ chiếu Vanuatu (có thể chỉ trong vòng 30 ngày), và đó là một trong những yếu tố chính giúp đưa nước này trở thành một lựa chọn hấp dẫn và phổ biến. Nhưng ông Christian Kalin cũng cảnh báo về việc Vanuatu có tiếng về tham nhũng. Do đó, Henley & Partners cùng một số công ty khác không nhận các trường hợp làm chương trình công dân Vanuatu. Tuy nhiên, điều này cũng không ngăn được làn sóng quan tâm từ Trung Quốc. Một vài năm trước, các kênh truyền hình của Hồng Kông đã phát sóng quảng cáo nhằm quảng bá về quyền công dân của Vanuatu đầy hấp dẫn, với mục tiêu ổn định lưu lượng khách từ đại lục vào lãnh thổ nước này. Vậy có bao nhiều khách hàng Trung Quốc thực sự ghé thăm Vanuatu sau khi nhân được hộ chiếu công dân? Có lẽ là 1/10.
Tổng hợp