Theo một thống kê mới đây, trong tổng số 34 ngân hàng hiện nay (tính luôn 3 ngân hàng bị mua lại 0 đồng) chỉ mới có 17 ngân hàng niêm yết trên hai sàn chứng khoán và giao dịch trên UPCoM; trong đó có 10 ngân hàng niêm yết trên HOSE (BID, CTG, EIB, HDB, MBB, STB, TCB, TPB, VCB, VPB), 3 ngân hàng niêm yết trên HNX (ACB, NVB, SHB) và 4 ngân hàng trên UPCoM (BAB, KLB, LPB, VIB). Như vậy, vẫn còn đến 50% ngân hàng chưa niêm yết.
Trong khi đó, đề án "Cơ cấu lại thị trường chứng khoán và thị trường bảo hiểm đến năm 2020 và định hướng đến năm 2025" vừa được Thủ tướng phê duyệt cuối tháng 2/2019 đã yêu cầu thực hiện việc niêm yết, đăng ký giao dịch cổ phiếu của các ngân hàng thương mại cổ phần theo hướng đến hết năm 2020, toàn bộ các ngân hàng thương mại niêm yết, đăng ký giao dịch trên thị trường chính thức là HOSE và HNX.
Trên thực tế, không thể phủ nhận việc các ngân hàng đã niêm yết hầu hết đều có kết quả kinh doanh thuận lợi và nhiều triển vọng. Từ quy mô lợi nhuận chỉ vài trăm tỷ đồng, nhiều ngân hàng đã đạt lợi nhuận hàng nghìn tỷ đồng, thậm chí cả chục nghìn tỷ đồng.
Theo thống kê của CTCK SSI, ngân hàng là lĩnh vực đóng góp lợi nhuận cao nhất thị trường chứng khoán với hơn 68.000 tỷ đồng trong tổng số lợi nhuận 276.200 tỷ đồng của các doanh nghiệp trên sàn năm 2018, tăng 31% so với năm 2017.
Ngoài ra, việc niêm yết sẽ giúp nâng cao thanh khoản cổ phiếu, minh bạch trong hoạt động kinh doanh của các ngân hàng, từ đó nâng cao uy tín của các ngân hàng trong mắt các nhà đầu tư, việc gọi vốn vì thế cũng trở nên dễ dàng hơn, nhất là khi thời hạn phải áp dụng chuẩn Basel II đang đến gần.
Ngoài ra, việc niêm yết sẽ giúp các ngân hàng tiếp cận được với số lượng nhà đầu tư rộng rãi hơn, không chỉ trong nước mà nhà đầu tư quốc tế, để thu hút vốn.
Trong năm 2018 vừa qua, có khoảng 10 ngân hàng lên kế hoạch niêm yết cổ phiếu trên sàn chứng khoán. Thế nhưng, tính đến cuối năm mới chỉ có 3 ngân hàng niêm yết thành công trên HoSE là Techcombank (mã: TCB), HDBank (mã: HDB) và TPBank (mã: TPB) và đã rất thành công.
Thời gian gần đây nhiều ngân hàng lại tiếp tục “hứa hẹn” sẽ chính thức niêm yết trong năm 2019 như Nam A Bank mới đây đã thông báo chốt danh sách cổ đông để đăng ký giao dịch cổ phần trên UPCoM, trước khi niêm yết trên sàn HoSE.
Ông Trần Ngọc Tâm, Tổng giám đốc Nam A Bank, cho biết năm nay chắc chắn sẽ niêm yết cổ phiếu trên HOSE. Sau đại hội cổ đông năm nay, ngân hàng sẽ mời đối tác tham gia để tăng vốn.
Hay như MSB cũng cho biết sẽ chính thức niêm yết trên sàn chứng khoán vào quý III/2019. Bên cạnh đó, một số ngân hàng đã lên sàn UPCoM như VIB và LPB cũng có kế hoạch chuyển sang sàn giao dịch sang HoSE.
Tuy nhiên, vẫn cần phải nhắc lại trường hợp của ngân hàng OCB với động thái rầm rộ chuẩn bị lên sàn và gần như chắc chắn sẽ chính thức niêm yết trong năm 2018 nhưng đến nay việc lên sàn vẫn nằm trong “kế hoạch”.
Tương tự, VietBank cũng đã được cổ đông thông qua kế hoạch lên sàn UPCoM và dự kiến tiến hành các thủ tục để lên sàn này trong năm 2018. Và đến hiện tại, vẫn chưa có thêm bất kỳ thông tin mới nào liên quan thời gian cụ thể sẽ niêm yết.
Nhiều nhà băng lý giải rằng, việc họ chậm trễ lên sàn trong năm 2018 là do thị trường không thuận lợi. Tuy nhiên, các chuyên gia lại cho rằng, một trong những nguyên nhân chính là do hiệu quả kinh doanh ngân hàng còn thấp, ROE, ROA thấp hơn mức trung bình trong khi nợ xấu còn ở mức cao nên nếu lên sàn sẽ ảnh hưởng đến giá cổ phiếu.
Đặc biệt là “ngại” minh bạch do đó đã có nhiều dự báo về việc thị trường tiếp tục chứng kiến nhiều nhà băng lỡ hẹn lên sàn, dù hạn chót theo “lệnh” của Chính phủ đang tới gần.
Xét trên khía cạnh nguyên nhân mà các ngân hàng đưa ra cho việc “lỡ hẹn” là đúng với thực tế thì kể từ khi bước vào năm 2019, nhất là trong 2 tháng gần đây thị trường khá thuận lợi khi dòng tiền lớn đang đi vào thị trường sẽ là cơ hội cho những cái tên mới.
Nhìn chung, để không lỡ nhịp với "đoàn tàu" cổ phiếu ngân hàng đang vận hành khá thuận lợi hiện nay, yếu tố thị trường chỉ là hỗ trợ còn lại vẫn là quyết tâm của chính nội tại các nhà băng.