Nghịch lý thị trường ô tô: Sức mua giảm 30% nhưng số lượng xe nhập khẩu tăng 11,4%

Thị trường ô tô Việt Nam nửa cuối năm 2023 được dự báo sẽ có những mảng màu tươi sáng hơn so với đầu năm, ngược lại tình thế ô tô nhập khẩu sẽ còn gặp nhiều khó khăn…
Nghịch lý thị trường ô tô: Sức mua giảm 30% nhưng số lượng xe nhập khẩu tăng 11,4%

Theo Tổng cục Hải quan, tính từ đầu năm đến hết 15/7, đã có 76.291 ô tô nguyên chiếc (CBU) được nhập khẩu về nước. Đây là một con số khá bất ngờ bởi so với cùng kỳ năm ngoái, kim ngạch nhập khẩu ô tô CBU nửa đầu năm nay đạt giá trị kim ngạch 1,785 tỷ USD, tăng 11,4% về lượng và tăng 5,2% về giá trị. 

Trong khi đó, tổng doanh số bán ô tô của các thành viên VAMA, Hyundai và VinFast đạt khoảng 165.000 xe, giảm hơn 30% so với 6 tháng đầu năm 2022.

Xe giá rẻ tràn ngập thị trường

Sự gia tăng nhập khẩu ô tô CBU diễn ra trong bối cảnh sức mua ở thị trường trong nước sụt giảm mạnh qua các tháng gần đây. Theo đó, việc ô tô nhập khẩu tăng khi thị trường gặp khó khăn là do nhiều doanh nghiệp ký hợp đồng từ năm 2022 với đối tác nước ngoài và nay mới cập cảng, thông quan.

Ngoài ra các dòng xe nhập khẩu về Việt Nam trong 6 tháng đầu năm chủ yếu là xe phổ thông và giá rẻ từ thị trường khu vực Đông Nam Á vẫn hoàn toàn áp đảo, giá trị trung bình khoảng 22.000 USD/chiếc, chủ yếu là Thái Lan và Indonesia.

Cộng dồn đến 15/7, Việt Nam đã nhập khẩu 25.979 ô tô CBU từ Indonesia, bình quân giá trị mỗi chiếc xe vào khoảng hơn 13.500 USD, tương ứng là mức giá trị kim ngạch hơn 351,8 triệu USD. Trong khi lượng xe nhập khẩu từ Thái Lan đạt 32.373 chiếc, bình quân giá trị mỗi chiếc xe nhập khẩu khoảng 21.000 USD/chiếc, giá trị kim ngạch xấp xỉ 678,2 triệu USD.

Tổng kim ngạch đến từ 2 thị trường Đông Nam Á đạt 58.352 chiếc, giá trị kim ngạch 1,030 tỷ USD, tăng 22,3% về lượng và tăng 22,9% về giá trị so với cùng kỳ năm ngoái.

Những dòng xe này đều có chỗ đứng trên thị trường Việt, thậm chí một số mẫu thuộc top bán chạy có thể kể đến như Mitsubishi Xpander hay Toyota Corolla Cross.

ô tô nhập khẩu
Dòng xe Mitsubishi Xpander được nhập khẩu từ Indonesia

Trung Quốc là quốc gia xếp thứ 3 về số lượng xe nhập khẩu về Việt Nam trong 6 tháng đầu năm 2023 giảm mạnh so với cùng kỳ khi chỉ có 5.849 chiếc về nước, đạt giá trị kim ngạch gần 225 triệu USD, đạt trung bình 38.400 USD/chiếc (gần 900 triệu đồng/chiếc), thấp hơn 45,8% về lượng và 48,8% về giá trị.

Với tổng cộng 64.201 chiếc, ô tô nhập khẩu từ Thái Lan, Indonesia và Trung Quốc đã chiếm đến 90,5% trong nửa đầu năm 2023.

Dù có số lượng xe nhập khẩu chiếm số lượng nhỏ, trong nửa đầu năm nay lượng xe nhập từ Anh tăng gấp gần 4 lần về lượng, đạt 230 chiếc và tăng gấp hơn 3 lần về giá trị, đạt 14,8 triệu USD. Xe nhập từ Mỹ bất ngờ khi tăng 90% về lượng và tăng 176% về giá trị, đạt 1.678 chiếc và 99,4 triệu USD. Đặc biệt, xe đến từ nước Pháp đã tăng trưởng về lượng đến 1.200% và về giá trị tăng 1.540% so với cùng kỳ năm 2022.

Tính riêng từ ngày 1/7 đến 15/7, các đơn vị nhập khẩu đã đưa về cảng 5.392 ô tô nguyên chiếc các loại. Giá trị bình quân của mỗi xe ô tô nhập khẩu vào Việt Nam là 21.754 USD/xe (xấp xỉ 500 triệu đồng/chiếc).

Giảm giá hàng loạt

Trong bối cảnh sức mua suy giảm, các doanh nghiệp ô tô trong nước đã phải chi ra những khoản tiền lớn để khuyến mại, kích cầu mua sắm.

Trong tháng 7, Toyota Việt Nam đã tung ưu đãi dành cho mẫu xe nhập khẩu Corolla Cross. Cụ thể, mẫu SUV được nhận ưu đãi 50% lệ phí trước bạ cho cả 3 phiên bản với mức giảm tương đương 37,75 triệu đến 57,3 triệu đồng.

Mitsubishi Việt Nam cũng không đứng ngoài cuộc khi ưu đãi 100% lệ phí trước bạ cho mẫu xe bán chạy Xpander, tương đương mức giảm từ 55,5 triệu và cao nhất 79 triệu đồng. Đồng thời, khách hàng mua xe còn được ưu đãi lãi suất 7.5% trong 12 tháng đầu, camera toàn cảnh 360 (trị giá 20 triệu đồng).

ô tô nhập khẩu
Toyota Corolla Cross dòng xe nhập khẩu từ Thái Lan luôn đứng trong top bán chạy tại thị trường trong nước.

Đáng chú ý, từ ngày 1/7, các loại ô tô sản xuất, lắp áp trong nước đã bắt đầu được giảm 50% mức thu lệ phí trước bạ theo quy định tại Nghị định số 41/2023/NĐ-CP ngày 28/6/2023 của Chính phủ.

Lệ phí trước bạ là một trong những khoản chi phí không nhỏ khi mua ô tô. Việc giảm 50% lệ phí trước bạ đối với ô tô sản xuất, lắp ráp trong nước sẽ giúp giảm giá bán của các loại xe này, đồng thời tạo ra sự cạnh tranh lớn hơn với ô tô nhập khẩu.

Điều này có thể khiến thị trường ô tô nhập khẩu sụt giảm doanh số bán hàng. Trái lại, việc giảm lệ phí trước bạ đối với ô tô sản xuất, lắp ráp trong nước là cần thiết để hỗ trợ các doanh nghiệp trong nước và thúc đẩy phát triển chung ngành công nghiệp ô tô Việt Nam.

Cũng vì vậy, nhiều chuyên gia cho rằng, các hãng xe nhập khẩu bắt buộc phải tiếp tục giảm giá, khuyến mại để cạnh tranh và bán được xe. Tuy nhiên, để có được mức giảm sâu như xe lắp ráp trong nước gần như là không thể.

Theo đó, thị trường ô tô Việt Nam nửa cuối năm 2023 có thể sẽ có những khởi sắc so với đầu năm nhờ chính sách hỗ trợ lệ phí trước bạ xe lắp ráp trong nước. Song, những màu tươi sáng chắc chắn chỉ diễn ra ở mảng ô tô sản xuất, lắp ráp trong nước trong khi ô tô nhập khẩu, tình thế sẽ còn khó khăn hơn.

Xem thêm

VinFast bàn giao 2.660 ô tô điện trong tháng 6/2023

VinFast bàn giao 2.660 ô tô điện trong tháng 6/2023

Ngày 12/7/2023, VinFast công bố kết quả kinh doanh tháng 6 và luỹ kế 6 tháng đầu năm 2023, với tổng cộng 11.143 xe ô tô điện đã được bàn giao cho khách hàng kể từ đầu năm, trong đó riêng tháng 6 là 2.660 xe...

Có thể bạn quan tâm

Hành trình điện hóa của ngành ô tô Việt

Hành trình điện hóa của ngành ô tô Việt

Thị trường ôtô Việt Nam đang bùng nổ với xu hướng điện hóa, đặc biệt là sự ra đời của xe hybrid và xe thuần điện, hứa hẹn một tương lai bền vững và đổi mới cho ngành ô tô Việt…