Sáng ngày 31/5, Tổng Công ty Cảng hàng không Việt Nam (mã chứng khoán: ACV) đã tổ chức họp Đại hội đồng cổ đông thường niên 2024 theo hình thức trực tuyến.
SÂN BAY LONG THÀNH CÓ THỂ HÒA VỐN HOẶC LÃI SAU 1-2 NĂM HOẠT ĐỘNG
Mở đầu đại hội, Chủ tịch Hội đồng quản trị Lại Xuân Thanh khẳng định ACV đang trong giai đoạn nước rút để thực hiện kế hoạch năm 2021-2025. Công ty đang thực hiện các dự án có tổng vốn dự toán 138.000 tỷ đồng trên tổng số 165.000 tỷ đồng được phê duyệt, các dự án trọng điểm vẫn đang bám sát và đảm bảo tiến độ.
Năm nay, ACV tiếp tục tập trung nguồn lực triển khai thực hiện các dự án trọng điểm là Cảng Hàng không Quốc tế Long Thành giai đoạn 1 – Dự án thành phần 3; Nhà ga T3 – Tân Sơn Nhất; Mở rộng Nhà ga T2 Cảng Hàng không Quốc tế Nội Bài; Nhà ga T2 Cát Bi; Nhà ga T2 Đồng Hới...
Các dự án dự kiến khởi công gồm Nhà ga hành khách T2 Cát Bi; Mở rộng Nhà ga hành khách T2 – Cảng Hàng không Quốc tế Nội Bài; các dự án Nhà ga hàng hóa: Đà Nẵng; Cát Bi;...
Tổng công ty còn thực hiện các hoạt động đầu tư xây dựng cơ bản mới như Dự án sân đỗ máy bay tại Cảng hàng không Phú Quốc, Đồng Hới; xây dựng nhà ga hành khách T2 - Cảng hàng không Tuy Hòa; mở rộng, nâng cấp Cảng hàng không Cà Mau (Nhà ga hành khách, đường CHC, hệ thống đường lăn, sân đỗ, công trình phụ trợ)...
Tổng mức đầu tư kế hoạch năm nay là 138.593 tỷ đồng; trong đó nhu cầu vốn ở mức 34.450 tỷ đồng.
Trong năm 2023, ACV đã cơ bản hoàn thành công tác đàm phán với các ngân hàng thương mại trong nước đối với khoản cấp tín dụng 1,8 tỷ USD để đầu tư Dự án thành phần 3 – Cảng Hàng không Quốc tế Long Thành giai đoạn 1. Thời gian vay vốn 20 năm tại các ngân hàng quốc doanh.
Tổng giám đốc Vũ Thế Phiệt chia sẻ: “ACV quyết tâm đưa vào khai thác dự án thành phần 3 - Cảng Hàng không Quốc tế Long Thành vào tháng 9/2026, có thể vượt tiến độ từ 60-90 ngày”.
Trong khi công trình Nhà ga T3 Tân Sơn Nhất dự kiến khai thác vào 30/4/2025, với công suất 20 triệu khách nội địa mỗi năm, dự án đang đạt và vượt tiến độ đề ra.
Chia sẻ với cổ đông về kế hoạch phân chia khai thác giữa sân bay Long Thành và Tân Sơn Nhất, ông Vũ Thế Phiệt cho biết ACV đều được giao khai thác 2 sân bay lớn nhất này nên có nhiều lợi thế và không xung đột lợi ích.
Theo kế hoạch, sân bay Tân Sơn Nhất sẽ khai thác 90% lượng khách nội địa và 10% khách quốc tế, ngược lại tổng công ty sẽ chuyển 90% khách quốc tế và 10% khách nội địa về sân bay Long Thành.
"Các dự án thành phần tại Long Thành đang triển khai đúng tiến độ đề ra và phấn đấu 2026 sẽ đưa vào khai thác, trên tinh thần đẩy nhanh tiến độ", lãnh đạo ACV thông báo.
Theo báo cáo khả thi, ACV tính toán chuyển 90% sản lượng khách quốc tế về Long Thành. Do đó, nếu không có biến động quá bất thường, dự án mới này có thể hòa vốn và có lợi nhuận ngay trong 1-2 năm tới. Năm 2024, Tân Sơn Nhất đón khoảng 16-17 triệu khách quốc tế và đến 2026 thì Long Thành sẽ đón 15-16 triệu khách quốc tế.
Gói thầu quan trọng nhất của Long Thành là nhà ga hành khách, các gói thầu khác sẽ được tính toán để không xung đột lợi ích và đảm bảo dòng tiền đầu tư.
Đối với vấn đề đấu thầu các dịch vụ phi hàng không, ACV đang xây dựng phương án khai thác cũng như kinh doanh, sẽ có đơn vị tư vấn quốc tế trước khi sân bay đi vào khai thác với các dịch vụ đẳng cấp quốc tế.
CHƯA THỂ NIÊM YẾT VÀ THOÁI VỐN NHÀ NƯỚC
Trong năm 2024, ACV lên kế hoạch mang về 20.325 tỷ đồng doanh thu cho công ty mẹ, lợi nhuận trước thuế 9.378 tỷ đồng, lần lượt tăng 2% và 6% so với thực hiện năm 2023. Số nộp ngân sách nhà nước là gần 2.000 tỷ đồng.
Với riêng tài sản khu bay, tổng công ty dự kiến doanh thu hạ cất cánh 2.702 tỷ đồng và chi phí 1.237 tỷ đồng, chênh lệch thu chi vào khoảng 1.464 tỷ đồng.
ACV dự báo khách quốc tế đến Việt Nam bằng đường hàng không đạt 30,7 triệu, tăng 22,5% so với năm 2023. Trong khi khách trong nước dự kiến 72,3 triệu khách, giảm 10% so với năm 2023. Tổng lượng hành khách vận chuyển là 103 triệu khách, giảm nhẹ so với cùng kỳ. Ở mảng vận chuyển hàng hóa, ACV dự báo mức tăng trưởng 8% so với năm 2023, đạt gần 1,4 triệu tấn. Lưu ý rằng những con số này chưa bao gồm lượng khách quốc tế đến cảng Cam Ranh và Đà Nẵng.
Trước đó vào năm 2023, tổng công ty ghi nhận lợi nhuận trước thuế tăng trưởng 14% đạt mức kỷ lục 8.870 tỷ đồng (đã loại trừ lợi nhuận từ hoạt động khu bay). Lợi nhuận sau thuế chưa phân phối sau khi trích lập các quỹ còn 21.191 tỷ đồng.
Về vấn đề chia cổ tức, lãnh đạo ACV cho biết đang báo cáo các cấp chính quyền để các sửa nghị định liên quan để có thể tăng vốn bằng cổ phiếu, nhằm giữ lại nguồn tiền đầu tư các dự án. Chính phủ về cơ bản ủng hộ các phương án này, quyết định dự kiến có trong tháng 6-7.
ACV vẫn chưa thể niêm yết cổ phiếu do trên báo cáo tài chính vẫn còn ý kiến kiểm toán quyết toán cổ phần hóa và tài sản khu bay, đang chờ ý kiến các cơ quan có thẩm quyền.
Công ty đang hoàn tất hồ sơ quyết toán cổ phần để các cơ quan có thẩm quyền xem xét, sẽ thực hiện thủ tục và niêm yết khi đủ điều kiện, vấn đề này theo lãnh đạo doanh nghiệp cần cân nhắc kỹ lưỡng.
Tại đại hội, Tổng Giám đốc Vũ Thế Phiệt cũng chia sẻ tới cổ đông về lộ trình thoái vốn Nhà nước. Cụ thể, ACV hiện có phần vốn Nhà nước chiếm 95,4%. Theo quyết định số 1479 ngày 29/11/2022, Nhà nước vẫn sẽ nắm giữ phần vốn này đến năm 2025 và vẫn chưa có kế hoạch thoái vốn. Tất cả đều phụ thuộc vào kế hoạch thoái vốn của Chính phủ sau năm 2025.