Nguồn cung ô tô phục hồi sau tình trạng thiếu chip

Sản xuất ô tô tăng trở lại sau tình trạng thiếu chip, theo đó nguồn cung mới dự báo sẽ tăng lên trong năm 2023.

Theo một cuộc khảo sát của NerdWallet, công ty tài chính cá nhân tại Mỹ, 40% người Mỹ cho biết tài chính của họ bị ảnh hưởng hơn so với thời kỳ trước đại dịch. Ngoài ra, họ còn phải lo lắng về lạm phát, nợ hộ gia đình tăng và nền kinh tế khó khăn khiến mọi thứ trở nên đắt đỏ hơn.

Tại Mỹ hiện nay, các đại lý ô tô đã tăng giá trong khi sức mua lại giảm đi đáng kể, khi các nhà sản xuất ô tô cũng tăng mức giá bán lẻ vì khủng hoảng trong chuỗi cung ứng và tình trạng thiếu chip. Tuy nhiên, theo một số nguồn tin nguồn cung xe ô tô sẽ được cải thiện trong thời gian tới.

Tình trạng thiếu xe bắt đầu giảm

Theo Kelley Blue Book, công ty nghiên cứu ô tô và định giá xe có trụ sở tại Irvine, California, từ tháng 11/2022, tình trạng thiếu xe bắt đầu giảm dần. Số liệu hàng tồn kho cho thấy các đại lý từ số lượng chỉ đủ cung cấp trung bình 7 ngày hiện đã lên 53 ngày. Tuy nhiên, không phải hãng xe nào cũng cải thiện được nguồn cung của mình.

Nguồn cung ô tô phục hồi sau tình trạng thiếu chip
Theo Kelley Blue Book, từ tháng 11/2022, tình trạng thiếu xe bắt đầu giảm dần.

Kelley Blue Book chỉ ra rằng các thương hiệu ô tô trong nước có nguồn cung đáng kể hơn so với các thương hiệu châu Á. Chẳng hạn, hãng xe Buick có lượng hàng tồn kho ấn tượng với nguồn cung đủ cho 121 ngày, trong khi Jeep và Infiniti theo sau với lượng hàng tồn kho ba con số. Trong khi đó, Dodge, Ram, Jaguar, Volvo và Lincoln có nguồn cung từ 90 đến 100 ngày.

Ông Charlie Chesbrough, nhà kinh tế cấp cao của Cox Automotive (nhà cung ứng các dịch vụ toàn diện cho chuỗi cung ứng bán lẻ ôtô có trụ sở tại Mỹ), chia sẻ: “Các thương hiệu châu Á có hàng tồn kho rất eo hẹp, trong khi đó các thương hiệu nội địa cũng hạn chế. Vào năm 2023, chúng tôi sẽ tìm kiếm các ưu đãi lớn hơn để khởi động cho một số thương hiệu và trong một số phân khúc – đặc biệt là xe bán tải”.

Mặc dù tình trạng gián đoạn chuỗi cung ứng vẫn đang tiếp diễn, nhưng có một số dấu hiệu cho thấy mọi thứ đang trở nên tốt hơn và hoạt động sản xuất có vẻ khả quan.

Ông Charlie Chesbrough nói: “Sản xuất cuối cùng cũng được tăng cường sau khi bị cản trở bởi tình trạng thiếu chip, khi nhu cầu bắt đầu giảm và doanh số bán xe chậm lại.” Ngoài ra, tình trạng thiếu chip đang dần được cải thiện, mặc dù các nhà phân tích cảnh báo vấn đề sẽ kéo dài sang năm 2023.

Trong khi đó tại Trung Quốc, dù vẫn áp dụng các biện pháp phong tỏa và hạn chế nghiêm ngặt dịch Covid-19, nhưng mọi thứ đang được cải thiện. Ngoài ra, lãi suất tăng đã làm hạ nhiệt thị trường xe hơi. Trong bối cảnh đó, tình trạng thiếu xe mới đang giảm và nguồn cung đang được dự báo tăng trưởng, người tiêu dùng kỳ vọng giá ô tô sẽ giảm vào năm 2023.

Số liệu của Kelley Blue Book cho thấy không phải thương hiệu và mẫu xe nào cũng dư thừa hàng tồn kho. Trong phân khúc hạng sang, Lexus, Land Rover, BMW và Acura vẫn có hàng tồn kho thấp, mặc dù nhìn chung xe hạng sang có hàng tồn kho lớn hơn. Xe siêu sang và xe sang đã có hơn 80 ngày có hàng.

Trong khi đó, các thương hiệu xe bình dân Toyota, Kia, Honda, Subaru, Volkswagen và Hyundai có lượng tồn kho dưới mức trung bình.

Theo Kelley Blue Book, trong số 30 mẫu xe bán chạy nhất tháng (tính đến 28/11), 11 mẫu xe có lượng tồn kho thấp nhất là các thương hiệu đến từ châu Á như Kia, Toyota, Honda và Subaru. Cụ thể các mẫu xe ở cuối bảng là Kia Sportage, Toyota Corolla, Honda CR-V và Toyota 4Runner, tất cả đều có nguồn cung dưới 22 ngày.

Nhu cầu liên tục tăng thêm

Với việc nguồn cung xe tăng lên, thị trường xe nhập khẩu tại Việt Nam cũng sôi động hơn. Theo số liệu thống kê sơ bộ của Tổng cục Hải quan trong tháng 11/2022 các doanh nghiệp kinh doanh ô tô tại Việt Nam đã nhập khẩu tổng cộng 22.736 xe ô tô các loại với tổng giá trị khoảng 468 triệu USD. So với tháng 10/2022 lượng xe nhập khẩu tăng 58,8% tương đương 8.423 xe, giá trị nhập khẩu tăng 46,7%. Đây là tháng có lượng ô tô nhập khẩu đạt mức cao nhất tính từ đầu năm.

Trong khi đó, tại thị trường trong nước, theo số liệu được Hiệp hội các Nhà sản xuất ô tô Việt Nam (VAMA) công bố, Việt Nam tiêu thụ tổng cộng 369.334 ô tô trong giai đoạn 11 tháng đầu năm, bao gồm 289.678 xe du lịch, 74.953 xe thương mại cùng 4.703 xe chuyên dụng. Nếu tính gộp cả một số nhà sản xuất đã công bố doanh số gồm TC Motor với 72.037 xe thuộc thương hiệu Hyundai và VinFast với 18.052 xe, tổng mức tiêu thụ của thị trường ô tô Việt Nam đã đạt 459.323 xe.

Nguồn cung ô tô phục hồi sau tình trạng thiếu chip
Năm 2023 thị trường ô tô sẽ tiếp tục tăng trưởng dù vẫn sẽ còn gặp nhiều khó khăn.

Tuy nhiên, theo Bộ Công Thương, giai đoạn ô tô hóa chắc chắn sẽ xảy ra tại Việt Nam trong giai đoạn bắt đầu trong khoảng từ năm 2020 đến năm 2025, khi trung bình có trên 50 xe/1.000 dân; GDP/người trên 3.000 USD. Đến năm 2025, quy mô thị trường sẽ đạt mức cao khoảng 800-900 nghìn xe/năm. Dòng xe dưới 9 chỗ sẽ tăng trưởng mạnh, chiếm trên 70% thị trường. Dòng xe tải, xe buýt sẽ dần bão hòa, thị phần sẽ giảm dần.

Khi đó, tỷ lệ nội địa hóa ô tô sẽ là yếu tố tác động lớn đến cán cân thương mại của nền kinh tế. Cụ thể, 50% thị phần là xe sản xuất trong nước, tỷ lệ nội địa hóa trung bình xe con đạt 40%, xe khác là 50% thì kim ngạch nhập khẩu năm 2025 khoảng 9 tỷ USD và năm 2030 là 17 tỷ USD. Nếu 80% thị phần là xe sản xuất trong nước, với tỷ lệ nội địa hóa trung bình xe con đạt 70%, xe khác là 80% thì kim ngạch nhập khẩu năm 2025 khoảng 5 tỷ USD và năm 2030 là 9 tỷ USD.

Có thể bạn quan tâm