Số cổ phần Nguyễn Kim chào mua chiếm 17,43% tổng số cổ phiếu có quyền biểu quyết đang lưu hành của Ladophar. Trên thị trường chứng khoán, cổ phiếu LDP hiện đang giao dịch tại mức giá 27.200 đồng/cp, cao hơn khá nhiều so với mức giá mà Nguyễn Kim chào mua.
Với mức giá chào mua công khai, Nguyễn Kim sẽ chi gần 35 tỷ đồng để mua thêm lượng cổ phần Ladophar vừa đăng ký. Nguồn vốn mua vào lấy từ vốn tự có và các nguồn vốn hợp pháp khác của công ty.
Hiện tại Nguyễn Kim đang sở hữu hơn 4 triệu cổ phần Ladophar tương ứng 51,14% tổng số cổ phiếu có quyền biểu quyết đang lưu hành. Nếu giao dịch thành công Nguyễn Kim nâng lượng sở hữu tại Ladophar lên hơn 5,36 triệu cổ phiếu tương ứng tỷ lệ 68,57%.
Đề xuất này của Nguyễn Kim đã được HĐQT Ladophar thông qua hồi giữa tháng 3 vừa qua. Kèm theo đó, Ladophar cũng đề nghị Nguyễn Kim tiếp tục hợp tác và hỗ trợ trong hoạt động của công ty sau khi hoàn tất chào mua công khai nhằm làm tăng giá trị cho công ty và các cổ đông.
Nguyễn Kim cũng cho biết, đây là khoản đầu tư lâu dài và đơn vị này sẽ tiếp tục phát triển lĩnh vực kinh doanh của Ladophar là sản xuất đông dược, mua bán thuốc, dược liệu, thiết bị y tế và xuất nhập khẩu thuốc, dược liệu.
Nguyễn Kim đầu tư vào Dược Lâm Đồng từ cuối năm 2014 với thương vụ mua vào 816.000 cổ phiếu, tương đương 24% vốn điều lệ.
Từ tháng 11 năm 2017, doanh nghiệp này thực hiện việc chào mua cổ phiếu với giá tối đa 32.000 đồng/cp nhằm nắm quyền chi phối nhưng nhiều lần liên tiếp thất bại.
Đến tháng 11/2018, Nguyễn Kim tiếp tục chào mua công khai 2,12 triệu cổ phiếu LDP, tương ứng 27,14% vốn điều lệ của Ladophar với mức giá chào mua 23.500 đồng/cp nhằm nâng tỷ lệ sở hữu lên 51,14% như hiện tại.
"Kết thúc năm 2018, Ladophar đạt doanh thu 435 tỷ đồng, giảm 18% so với thực hiện năm 2017. Lợi nhuận gộp cũng giảm đáng kể từ 76 tỷ về 58 tỷ đồng. Chi phí bán hàng tăng mạnh, khiến lợi nhuận sau thuế cổ đông công ty mẹ chuyển từ lãi 15 tỷ về thua lỗ 17 tỷ đồng. Đáng chú ý, từ khi lên sàn năm 2010 đến cuối năm 2017, Dược Lâm Đồng chưa hề báo lỗ. Song 4 quý liên tiếp của năm 2018, Dược Lâm Đồng đều báo lỗ.
Việc Nguyễn Kim quyết "theo đuổi" Dược Lâm Đồng có thể được xem là đang chạy theo xu hướng của thị trường, khi các doanh nghiệp sở hữu chuỗi siêu thị điện máy đình đám lần lượt tấn công vào thị trường dược phẩm và phân phối dược phẩm với tham vọng định hình lại thị trường.
Trong đó, Thế Giới Di Động thâu tóm toàn bộ chuỗi nhà thuốc Phúc An Khang, Công ty bán lẻ Kỹ thuật số FPT cũng đã đầu tư vào nhà thuốc Long Châu, Digiworld đã triển khai việc bán một số sản phẩm chức năng và thua lỗ cũng đang là "xu hướng" tại các chuỗi dược phẩm này.
Theo một chuyên gia kinh tế nhận định, thị trường dược của Việt Nam quá hấp dẫn. Đây là "mảnh đất hoang dã" chưa được khai khác nhiều nên việc các doanh nghiệp nhảy vào kinh doanh là điều dễ hiểu. Tuy nhiên, ông cho rằng, bản chất của ngành dược có đặc thù riêng với nhiều rủi ro không phải cứ 'nhảy' vào là thắng.
>> Nguyễn Kim tiếp tục chào mua công khai cổ phần Dược Lâm Đồng