Nhà ở công nhân mới đạt 28% nhu cầu

Số liệu của Bộ Xây dựng cho biết, trên phạm vi cả nước mới hoàn thành đầu tư xây dựng 87 dự án nhà ở xã hội cho công nhân khu công nghiệp, quy mô xây dựng khoảng 28.800 căn hộ, mới đáp ứng được gần 28
Nhà ở công nhân mới đạt 28% nhu cầu

Theo thống kê của Tổng liên đoàn Lao động Việt Nam, hiện cả nước có 2,8 triệu công nhân tại các khu công nghiệp, khu chế xuất, trong đó có 1,7 triệu người có nhu cầu về nhà ở.

Theo quy hoạch phát triển các khu công nghiệp được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt, đến năm 2020, tổng số công nhân khu công nghiệp đạt khoảng 7,2 triệu người. Số công nhân làm việc tại các khu công nghiệp trên cả nước có nhu cầu về chỗ ở đến năm 2020 khoảng 4,2 triệu người, tương đương khoảng 33,6 triệu m2 nhà ở.

Trong khi đó, theo số liệu từ Bộ Xây dựng, trên phạm vi cả nước, mới hoàn thành đầu tư xây dựng 87 dự án nhà ở xã hội cho công nhân khu công nghiệp, quy mô xây dựng khoảng 28.800 căn hộ, mới đáp ứng được gần 28% nhu cầu về nhà ở cho công nhân. Như vậy, số lượng nhà ở cần đầu tư xây dựng để đáp ứng nhu cầu về nhà ở cho công nhân khu công nghiệp là rất lớn.

Như vậy, việc giải quyết chỗ ở cho công nhân đang là bài toán cấp thiết mà các cấp, ngành phải tìm lời giải trong thời gian tới. Tuy nhiên, bài toán này không hề dễ dàng. 

Theo ý kiến của các chuyên gia, để phát triển mạnh loại hình nhà ở cho công nhân, thì xã hội hóa là phương án tối ưu nhất. Như dự án nhà ở xã hội của Tổng công ty Viglacera xây dựng tại khu công nghiệp Yên Phong, Bắc Ninh hay dự án xây dựng 3.500 căn hộ cho công nhân tại Bình Dương của Tổng công ty Becamex Bình Dương.

Ông Trần Xuân Dưỡng, Trưởng Ban quản lý các khu công nghiệp tỉnh Hà Nam cho biết: "xã hội hóa là phương án tối ưu để giải quyết bài toán nhà ở cho công nhân. Nhà nước khó làm, vì còn liên quan đến quản lý, vận hành, chứ không đơn thuần là xây ra cho công nhân ở".

Tuy nhiên, trên thực tế, các nhà đầu tư đang không quá hào hứng đầu tư vào mô hình này.

Về lý do, một chuyên gia nhận định, thứ nhất là Nhà nước chưa có đủ nguồn lực tài chính để tập trung vốn đầu tư phát triển quỹ nhà ở xã hội. Thứ hai là việc đầu tư đòi hỏi nguồn vốn lớn, nhưng nếu chỉ cho thuê và thuê mua thì thời gian thu hồi vốn rất dài, khả năng sinh lợi thấp. Và thứ ba là Nhà nước chưa có cơ chế ưu đãi, hỗ trợ về tín dụng, thuế đủ mạnh để thu hút các nhà đầu tư tham gia phát triển nhà cho công nhân ở các khu công nghiệp.

Bộ kế hoạch và Đầu tư cũng nhận định: “Việc huy động các nguồn vốn, nhất là vốn từ khu vực tư nhân để xây dựng nhà ở cho người lao động còn khó khăn do đây là các dự án gắn liền với phúc lợi xã hội, có khả năng sinh lợi thấp và thu hồi vốn chậm” .

Đề xuất phương án giải quyết, các chuyên gia cho rằng, Chính phủ cần quan tâm và bổ sung cơ chế, chính sách liên quan đến nhà ở cho công nhân, như vay và sử dụng vốn ODA theo hướng bổ sung lĩnh vực xây dựng nhà ở công nhân khu công nghiệp là lĩnh vực được ưu tiên vay. Đưa chỉ tiêu phát triển nhà ở xã hội, đặc biệt là chỉ tiêu phát triển nhà ở cho công nhân khu công nghiệp vào kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội trong từng thời kỳ một cách phù hợp.

Có thể bạn quan tâm

Trung tâm thương mại hút khách thuê

Trung tâm thương mại hút khách thuê

Giá thuê trung bình tăng tới 16,2% tại Hà Nội và 15,4% tại TP.HCM, khẳng định sức hút ngày càng lớn của trung tâm thương mại đối với các nhà đầu tư và thương hiệu…