Nhà ở xã hội… chưa dành cho người nghèo

Phát triển nhà ở xã hội là định hướng của nhà nước – chính vì vậy, Thủ tướng Chính phủ khẳng định sẽ ưu tiên vốn cho nhà ở xã hội. Thế nhưng, các chính sách phát triển nhà ở xã hội hiện nay đang bộc l
Nhà ở xã hội… chưa dành cho người nghèo

Dù nhu cầu về nhà ở xã hội là rất lớn nhưng thực tế, các dự án lại không đến được tay người mua. Trong khi đó, doanh nghiệp muốn đầu tư phát triển loại hình này lại gặp vướng mắc về chính sách, không thể làm nổi nhà ở giá rẻ nếu tuân thủ theo quy định của nhà nước.

Nhà ở xã hội giá vẫn… thương mại

Là địa phương đi đầu trong xây dựng nhà ở cho công nhân, nhưng Phó chủ tịch UBND tỉnh Bình Dương - Trần Thanh Liêm cho hay khó khăn của các doanh nghiệp (DN) tham gia chương trình này là tồn kho rất nhiều. Theo ông Liêm, từ năm 2011 đến nay toàn tỉnh có 85 dự án được triển khai nhưng mới có 25 dự án hoàn thành mà vẫn không bán hết dù Bình Dương nổi tiếng với những căn hộ chỉ trên 100 triệu đồng. "Tỉnh có tới 950.000 công nhân là người nhập cư, họ buộc phải thuê nhà vì không có tiền mua dù căn hộ 100 triệu rõ ràng rất hấp dẫn", ông Liêm nói và kiến nghị duy nhất được lãnh đạo tỉnh nhắc tới là mong muốn hỗ trợ lãi suất ưu đãi để công nhân có điều kiện mua được nhà.

Đấy là chỉ riêng Bình Dương, còn theo kế hoạch phát triển nhà ở giai đoạn 2011 - 2015, cả nước sẽ phát triển được khoảng 10 triệu m2 về nhà ở, tương đương khoảng 200 ngàn căn nhà có diện tích trung bình khoảng 50m2/căn. Nhưng đến thời điểm này, chỉ 20% kế hoạch được thực hiện với 38 dự án nhà ở xã hội cho người có thu nhập thấp (khoảng 19.680 căn) và 64 dự án nhà xã hội cho công nhân (khoảng 20.270 căn).

TS Huỳnh Thế Du – Giảng viên chương trình Fulbright cho biết, nguyên nhân của tình trạng này là do nghịch lý giữa giá nhà và thu nhập của người dân. Thông thường, người dân chỉ có thể tích lũy từ 30 – 40% tổng thu nhập của mình để mua nhà. Với giá nhà xã hội gần 10 triệu đồng/m2 như hiện nay, những người có thu nhập từ 5 đến 8 triệu đồng/tháng không thể nào mua được nhà. Những người có thu nhập cao hơn từ 10 - 15 triệu đồng/tháng cũng chỉ mua được nhà nhỏ có diện tích từ 40 – 50m2.

Bên cạnh đó, các quy định về đối tượng thụ hưởng còn cứng nhắc cũng là rào cản với người thu nhập thấp. Theo quy định, người mua nhà ở xã hội chỉ được lựa chọn hạn chế trong vài dự án có sẵn, tuy nhiên rất ít dự án có vị trí, điều kiện sống phù hợp với nhu cầu thực tế của họ. Theo kiến nghị của ông Huỳnh Thế Du, nên thay đổi chính sách theo cách hỗ trợ tài chính cho người mua và để họ tự do lựa chọn các dự án phù hợp với nhu cầu của mình.

Chính sách mới dừng ở kiến nghị

Đứng đầu một doanh nghiệp có nhiều dự án nhà ở xã hội khu vực phía bắc, vấn đề mà ông Nguyễn Anh Tuấn, Chủ tịch Tổng công ty Viglacera, tha thiết nhất vẫn là gói tín dụng cho người mua nhà. "Dù biết ngân sách rất khó khăn về tài chính nhưng nhu cầu nhà ở của người nghèo, công nhân là vấn đề cấp bách nên cần có thứ tự ưu tiên trong tín dụng để hỗ trợ người dân mua nhà", ông đề nghị.

Trong khi đó, ông Nguyễn Trần Nam, Chủ tịch Hiệp hội Bất động sản Việt Nam đề nghị Chính phủ cho lập quỹ tiết kiệm nhà ở như mô hình của Trung Quốc đang triển khai tại Bắc Kinh và Thượng Hải.

Bên cạnh câu chuyện hỗ trợ lãi suất, nhiều vướng mắc khác cũng được các doanh nghiệp và đại diện người lao động đề cập. "Nếu chỉ ngồi nghe các bộ nói chính sách thì rất yên tâm nhưng khi chúng tôi đi giám sát thấy rất khó chịu, thủ tục hành chính nhiều cửa lắm, đè DN lắm", ông Bùi Sỹ Lợi, Phó chủ nhiệm Ủy ban Các vấn đề xã hội của Quốc hội nói.

Còn ông Đặng Quang Điều, đại diện Tổng liên đoàn Lao động Việt Nam, cũng đặt câu hỏi: Nếu chính sách có đủ rồi mà doanh nghiệp vẫn không mặn mà, như việc họ đổ xô đi làm nhà thương mại thay vì nhà ở cho công nhân thì rõ ràng là tắc ở thực thi? Hướng về phía các doanh nghiệp, ông Điều nói: "Có lẽ doanh nghiệp là người trả lời câu hỏi này rõ hơn ai hết".

Lãnh đạo Tập đoàn Hoàng Quân nhận định, thủ tục để triển khai một dự án nhà ở xã hội gấp đôi dự án nhà thương mại, từ đất đai, cấp phép xây dựng, đến tài chính… Dù thừa nhận chính sách có đủ, song Chủ tịch Viglacera cũng cho rằng việc áp dụng chưa linh hoạt với từng loại hình.

Ở góc độ của DN, ông Nguyễn Hồng Hải - Kiến trúc sư trưởng Công ty Becamex IDC (Bình Dương) cho rằng: “Tư duy phát triển nhà ở xã hội tại Việt Nam hiện chưa linh hoạt. Chúng ta lấy tư duy làm nhà của người giàu làm cho người nghèo nên thất bại vì không hiểu đúng nhu cầu của họ”.

Theo ông Hải, một số dự án nhà ở hàng ngàn căn ở Bình Dương giá bán chỉ từ 100 triệu đồng/căn được công nhân đón nhận tích cực vì chúng tốt hơn các khu nhà trọ lụp xụp mà họ ở trước đó, lại rất phù hợp với nhu cầu thực tế.

Với người có thu nhập thấp, căn hộ dù có diện tích nhỏ nhưng điều kiện tiên quyết là không bó buộc không gian để họ có thể thoải mái sinh hoạt cùng gia đình và tạo mối liên hệ gần gũi với láng giềng. Các tiện ích chung khác như chợ, khu mua sắm, công viên… cũng là nhu cầu không thể thiếu.

“Cần phải hiểu nhu cầu thực tế của người dân và điều kiện của địa phương thì doanh nghiệp mới có thể đưa ra kế hoạch xây dựng nhà ở xã hội đúng đắn”, ông Hải khẳng định.

Rõ ràng, muốn mô hình nhà ở xã hội phát triển hiệu quả thì phải đưa vào quỹ đạo vận hành của thị trường vì xét đến cùng, nhà ở xã hội cũng là một phần của thị trường, Nhà nước chỉ nên hỗ trợ một số mặt và quan trọng nhất là hành lang chính sách đủ rộng chứ không thể can thiệp quá sâu như thời gian qua. 

Có thể bạn quan tâm

Vinhomes ra mắt nhà mẫu The Premium

Vinhomes ra mắt nhà mẫu The Premium

Sự kiện ra mắt nhà mẫu Vinhomes The Premium đã thực sự làm nóng thị trường bất động sản Thanh Hóa, với thiết kế lấy cảm hứng từ những khu vườn Nhật Bản, cùng hệ thống tiện ích đẳng cấp 5 sao như bể bơi vô cực...

Aqua City là một trong những dự án then chốt của Novaland

Novaland nhận tin vui khi nút thắt pháp lý Aqua City được tháo gỡ

Ngày 19/11, Chủ tịch UBND tỉnh Đồng Nai, ông Võ Tấn Đức chính thức phê duyệt điều chỉnh cục bộ Quy hoạch chung 1/10.000, đánh dấu bước quyết định trong việc tháo gỡ pháp lý cho dự án Aqua City của Tập đoàn Novaland, vốn đã bị vướng mắc hơn 2 năm qua…