Nhanh chóng bố trí 1.180 tỷ đồng hỗ trợ dự án BOT hầm đường bộ Đèo Cả

Dự án BOT hầm đường bộ Đèo Cả đang gặp khó khăn do chậm bố trí 1.180 tỷ đồng vốn ngân sách Nhà nước; cơ chế trạm thu phí tại trạm La Sơn - Túy Loan chưa giải quyết dứt điểm, đã ảnh hưởng đến nguồn kinh phí vận hành, bảo trì các công trình hầm và phương án trả nợ ngân hàng theo hợp đồng đã ký kết…

Dự án BOT hầm đường bộ Đèo Cả

Đầu tháng 7 vừa qua, Bộ Kế hoạch và Đầu tư đã có Công văn số 5373/BKHĐT - PTHTĐT về nguồn vốn Nhà nước hỗ trợ dự án BOT hầm đường bộ qua Đèo Cả theo đề xuất trước đó của Bộ Giao thông vận tải.

Tại công văn này, Bộ Kế hoạch và Đầu tư kiến nghị bố trí vốn ngân sách Trung ương trong kế hoạch trung hạn giai đoạn 2021 - 2025 đã phân bổ của Bộ Giao thông vận tải là 1.180 tỷ đồng để tham gia đầu tư dự án BOT hầm đường bộ qua Đèo Cả cho một số hạng mục.

Đồng thời, Bộ Kế hoạch và Đầu tư trình Thủ tướng Chính phủ giao 1.180 tỷ đồng kế hoạch vốn đầu tư công trung hạn giai đoạn 2021 - 2025 nguồn ngân sách Trung ương đã phân bổ cho Bộ Giao thông vận tải cho dự án theo quy định của Luật Đầu tư công.

Bộ Kế hoạch và Đầu tư kiến nghị giao Bộ Giao thông vận tải rà soát thủ tục đầu tư và chịu trách nhiệm giao kế hoạch vốn hằng năm theo thẩm quyền, đảm bảo đúng quy định pháp luật về đầu tư công.

Trong vai trò là cơ quan nhà nước có thẩm quyền, Bộ Giao thông vận tải chịu trách nhiệm toàn diện về nội dung số liệu báo cáo; các đề xuất về phạm vi và số vốn 1.180 tỷ đồng hỗ trợ từ ngân sách nhà nước; điều chỉnh mở rộng bổ sung hạng mục dự án; sự phù hợp của việc sử dụng số vốn trái phiếu Chính phủ (3.868 tỷ đồng) đã giải ngân cho dự án đảm bảo đúng mục đích, đối tượng quy định.

Đại diện Công ty Cổ phần Đầu tư Đèo Cả cho biết, số tiền 1.180 tỷ đồng hơn 5 năm qua chưa được giải ngân gây thiệt hại rất lớn cho nhà đầu tư.

“Từ năm 2017 - 2023, dự án phát sinh lãi vay do chưa được giải ngân nguồn vốn 1.180 tỷ đồng là 628 tỷ đồng. Từ năm 2024 trở đi với lãi suất nhận nợ ngân hàng 10,5%/năm thì mỗi năm lãi vay sẽ phát sinh thêm 125 tỷ đồng”, đại diện nhà đầu tư chia sẻ.

Bên cạnh đó, doanh thu hoàn vốn dự án còn bị ảnh hưởng nghiêm trọng do không còn 2 trạm thu phí La Sơn - Túy Loan và Nam Hải Vân. Dự kiến từ năm 2024 - 2045, dự án sẽ thất thu khoảng 9.574 tỷ đồng.

“Mặc dù nhà đầu tư và Vietinbank (ngân hàng tài trợ vốn) đã nhiều lần báo cáo cơ quan có thẩm quyền các vướng mắc nêu trên nhưng đến nay vẫn chưa được giải quyết. Điều này dẫn đến dự án nợ đọng chi phí giải phóng mặt bằng; thiếu nguồn để trả nợ cho Vietinbank; thiếu nguồn để thanh toán cho các nhà thầu”, đại diện nhà đầu tư cho biết thêm.

Để tháo gỡ khó khăn cho dự án, nhà đầu tư mong muốn được làm việc với Bộ Giao thông vận tải, VietinBank để thống nhất phương án trả nợ theo tình hình thực tế. Đồng thời, tháo gỡ các vướng mắc về nguồn vốn ngân sách nhà nước, trạm thu phí được giao, điều chỉnh giá vé để có cơ sở quyết toán, xác định thời gian thu phí hoàn vốn của dự án.

Có thể bạn quan tâm