Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư: Phấn đấu tăng trưởng quý 4 đạt 7,6-8%, cả năm vượt 7%

Trên cơ sở kết quả quý 3 và dự báo cả năm, Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư kiến nghị phấn đấu tăng trưởng quý 4 khoảng 7,6-8%, giúp tăng trưởng cả năm đạt và vượt 7%.

Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng
Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng

Sáng 7/10, Thủ tướng Phạm Minh Chính chủ trì Phiên họp Chính phủ thường kỳ tháng 9/2024 trực tuyến với 63 địa phương. Báo cáo tại phiên họp, Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng đã điểm qua các kết quả nổi bật trong tình hình kinh tế - xã hội tháng 9, quý 3 và 9 tháng.

Theo đó, tăng trưởng GDP quý 3 ước đạt 7,4% so với cùng kỳ, cao hơn 0,7% so với kịch bản tại Nghị quyết số 01/NQ-CP (6,7%), tương đương với kịch bản tăng trưởng cả năm 7% như đã báo cáo tại Phiên họp Chính phủ thường kỳ tháng 6.

Tính chung 9 tháng, tăng trưởng GDP đạt 6,82%. Trong đó, khu vực nông, lâm, thủy sản tăng 3,2%; công nghiệp và xây dựng tăng 8,19%; dịch vụ tăng 6,95%. Các địa phương có tốc độ tăng trưởng cao như Bắc Giang (13,89%), Thanh Hóa (12,46%), Lai Châu (11,63%), Hà Nam (10,89%)...

Bên cạnh đó, một số địa phương bị ảnh hưởng nặng nề bởi bão số 3 vẫn giữ được đà tăng trưởng cao, như Hải Phòng (9,77%), Quảng Ninh (8,02%), Phú Thọ (9,56%), Lào Cai (7,71%), Cao Bằng (7%), Yên Bái (7,15%)...

Kinh tế vĩ mô cơ bản ổn định, lạm phát được kiểm soát, các cân đối lớn được bảo đảm; bội chi, nợ công, nợ Chính phủ, nợ nước ngoài trong giới hạn cho phép. Chỉ số giá tiêu dùng (CPI) 9 tháng tăng 3,88% so với cùng kỳ trong bối cảnh đã thực hiện việc tăng lương từ ngày 1/7/2024 và điều chỉnh giá một số dịch vụ.

Cũng theo Bộ trưởng, các động lực tăng trưởng từ phía cung tiếp tục chuyển biến tích cực. Sản xuất nông nghiệp duy trì tăng trưởng, đáp ứng nhu cầu tiêu dùng trong nước và xuất khẩu. Khu vực dịch vụ tăng khá, tích cực hơn qua từng tháng, từng quý. Sản xuất công nghiệp tiếp tục phục hồi nhanh, là động lực dẫn dắt cho tăng trưởng kinh tế.

Trong tháng 9, có khoảng 17.700 doanh nghiệp gia nhập và tái gia nhập thị trường. Tính chung 9 tháng có khoảng 183.000 doanh nghiệp, cao hơn số rút lui khỏi thị trường (163.800 doanh nghiệp). Theo khảo sát của Tổng cục Thống kê, khoảng 82,6% doanh nghiệp trong ngành chế biến, chế tạo đánh giá tình hình kinh doanh trong quý 4 sẽ ổn định hoặc tốt lên so với quý 3, cho thấy niềm tin của doanh nghiệp vào sự phục hồi tích cực của nền kinh tế trong năm 2024.

Các động lực tăng trưởng từ phía cầu phục hồi tích cực hơn. Vốn đầu tư thực hiện toàn xã hội phục hồi qua từng quý: Quý 3 tăng 7 % so với cùng kỳ, 9 tháng tăng 6,8%, trong đó đầu tư tư nhân tăng 7,1% (cùng kỳ năm 2023 tăng 2,1%).

Đặc biệt, thu hút FDI tiếp tục là điểm sáng, tổng vốn FDI đăng ký 9 tháng khoảng 24,8 tỷ USD, tăng 11,6% so với cùng kỳ, trong đó FDI đăng ký mới khoảng 13,6 tỷ USD, tăng 11,3%; vốn FDI thực hiện khoảng 17,3 tỷ USD, tăng 8,9%.

Tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng tháng 9 tăng 7,6% so với cùng kỳ, 9 tháng tăng 8,8%; khách quốc tế 9 tháng khoảng 12,7 triệu lượt người, tăng 43%. Xuất khẩu tiếp tục là điểm sáng, hầu hết các nhóm hàng xuất khẩu chủ lực tăng trưởng cao.

Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng cho biết, Chính phủ đã quyết liệt tập trung hoàn thiện thể chế, cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh; xử lý tồn đọng, vướng mắc; đẩy mạnh đầu tư các dự án hạ tầng chiến lược, quan trọng; thúc đẩy các động lực tăng trưởng mới của nền kinh tế.

Trên cơ sở kết quả quý 3, 9 tháng, dự báo cả năm, Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư kiến nghị phấn đấu tăng trưởng quý 4 khoảng 7,6-8%, giúp tăng trưởng cả năm đạt và vượt 7%.

Để thực hiện đạt mục tiêu trên, Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng đề xuất 10 nhóm nhiệm vụ, giải pháp trọng tâm trong quý 4. Trong đó tập trung triển khai quyết liệt, hiệu quả, kịp thời Nghị quyết số 143/NQ-CP của Chính phủ, chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ để hỗ trợ người dân, các trang trại, hộ kinh doanh, doanh nghiệp bị ảnh hưởng bởi thiên tai, bão lụt, nhất là trong khu vực nông nghiệp, thủy sản và du lịch nhằm nhanh chóng khôi phục sản xuất kinh doanh, tranh thủ được cơ hội từ xu hướng tiêu dùng dịp cuối năm và Tết Nguyên đán.

Cùng với đó, tiếp tục ưu tiên nguồn lực để hoàn thiện chính sách, pháp luật, tạo môi trường thuận lợi, thông thoáng, thu hút các dự án đầu tư quy mô lớn, công nghệ cao; tiếp tục thúc đẩy mạnh mẽ và làm mới các động lực tăng trưởng truyền thống về đầu tư, tiêu dùng và xuất khẩu; thúc đẩy các động lực tăng trưởng mới từ kinh tế số, chuyển đổi số, chuyển đổi xanh...; đẩy mạnh liên kết vùng, phát huy hiệu quả hoạt động của các hội đồng điều phối vùng.

Trong nhóm giải pháp này, Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng nhấn mạnh việc tăng cường hợp tác, tổ chức đối thoại kinh tế với các đối tác chiến lược toàn diện, đối tác chiến lược, tiếp tục phát huy hiệu quả cơ chế tổ công tác làm việc với từng doanh nghiệp, nhà đầu tư để thu hút các tập đoàn đa quốc gia, nhà đầu tư chiến lược trong các lĩnh vực chíp, bán dẫn, trí tuệ nhân tạo…

Cùng với đó, nghiên cứu các gói chính sách với quy mô đủ lớn, phù hợp, khả thi để hỗ trợ doanh nghiệp và thúc đẩy các động lực tăng trưởng mới; triển khai hiệu quả Chiến lược Phát triển ngành công nghiệp bán dẫn, Chương trình Phát triển nhân lực ngành công nghiệp bán dẫn… Đồng thời, tập trung nghiên cứu xây dựng, hoàn thiện Đề án Trung tâm tài chính quốc tế, khu vực, Đề án Phát triển thị trường carbon, khu thương mại tự do tại các địa phương...

“Phải làm sao phát huy vai trò của 6 Tổ công tác của Thủ tướng Chính phủ, 26 đoàn làm việc của các thành viên Chính phủ với các địa phương để đôn đốc, tháo gỡ khó khăn, vướng mắc, đẩy mạnh giải ngân vốn đầu tư công, nhất là các địa phương được giao số vốn đầu tư công lớn, phấn đấu giải ngân vốn đầu tư công đạt trên 95% kế hoạch Thủ tướng Chính phủ giao”, Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng chỉ đạo.

Xem thêm

Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng

Sự trỗi dậy của Việt Nam trên bản đồ công nghệ thế giới

Những nỗ lực của NIC đã phần nào giúp Việt Nam ghi tên thành công vào bản đồ công nghệ khi liên tiếp thăng hạng chỉ số đổi mới sáng tạo toàn cầu và có 3 chỉ số đứng đầu thế giới (chỉ số nhập khẩu công nghệ cao, xuất khẩu công nghệ cao và xuất khẩu hàng hóa sáng tạo)...

Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng

Chặng đường 5 năm vượt khó của Trung tâm Đổi mới sáng tạo Quốc gia

Theo Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng, NIC được giao nhiệm vụ quan trọng là quản lý chương trình đào tạo phát triển nguồn nhân lực ngành bán dẫn. Đây là mục tiêu rất tham vọng, chiến lược, đó là từ nay đến 2050 đào tạo được ít nhất 50.000 kỹ sư bán dẫn, cung cấp cho thị trường Việt Nam và nước ngoài...

Có thể bạn quan tâm

Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng, đồng thời là Chủ tịch Hội đồng thẩm định Nhà nước

Dự án đường sắt tốc độ cao Bắc – Nam: Cần làm rõ tổng mức đầu tư, không tô hồng bức tranh tài chính

Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng nhấn mạnh rằng cần phải tính toán chính xác chi phí xây dựng đường sắt tốc độ cao Bắc – Nam, không tô hồng bức tranh tài chính, đặc biệt trong giai đoạn vận hành khai thác để đảm bảo dự án đạt hiệu quả kinh tế - xã hội và an ninh quốc phòng cao...

Làn sóng M&A mới: Những thương vụ bạc tỷ đang làm nóng thị trường

Làn sóng M&A mới: Những thương vụ bạc tỷ đang làm nóng thị trường

Những tập đoàn lớn trong và ngoài nước đang tận dụng cơ hội mở rộng thị trường và gia tăng sức mạnh cạnh tranh thông qua các thương vụ M&A. Tuy nhiên, bên cạnh tiềm năng bứt phá, làn sóng M&A cũng đối mặt với không ít thách thức về định giá, pháp lý và sự hòa hợp văn hóa doanh nghiệp...