Tập đoàn Nam Miền Trung phủ nhận việc rút khỏi liên danh cao tốc Tân Phú - Bảo Lộc

Tập đoàn Nam Miền Trung khẳng định chưa có đề nghị hay văn bản nào đề xuất rút khỏi liên danh đề xuất đầu tư cao tốc Tân Phú - Bảo Lộc từ khi dự án này được Chính phủ phê duyệt chủ trương đầu tư…

Tập đoàn Nam Miền Trung chưa có đề nghị hay văn bản nào đề xuất rút khỏi liên danh cao tốc Tân Phú - Bảo Lộc
Tập đoàn Nam Miền Trung chưa có đề nghị hay văn bản nào đề xuất rút khỏi liên danh cao tốc Tân Phú - Bảo Lộc

Công ty Cổ phần Tập đoàn Nam Miền Trung vừa có văn bản gửi thường trực UBND tỉnh Lâm Đồng đề nghị làm rõ thông tin liên quan đến liên danh nhà đầu tư dự án cao tốc Tân Phú – Bảo Lộc.

Theo đó, Nam Miền Trung cho biết, tập đoàn đã có quá trình phát triển 27 năm trong lĩnh vực thủy sản, có nhiều thành viên hoạt động nhiều lĩnh vực khác nhau như kinh doanh ô tô, nông nghiệp công nghệ cao, thương mại dịch vụ, sản xuất nước mắm, bất động sản và tham gia góp vốn nhiều dự án đầu tư.

Tại dự án cao tốc Tân Phú – Bảo Lộc, Tập đoàn Nam Miền Trung đã tham gia liên danh qua nhiều công đoạn thực hiện thủ tục pháp lý hình thành dự án, nhiều khâu chuẩn bị, góp vốn... đến khi trình hội đồng thẩm định, thẩm duyệt dự án tiền khả thi.

Ngày 10/11/2022, Chính phủ đã đã phê duyệt quyết định chủ trương đầu tư dự án Cao tốc Tân Phú – Bảo Lộc, trong đó tên nhà đầu tư đề xuất là liên danh các nhà đầu tư gồm: Công ty Cổ phần Tập đoàn Đèo Cả, Công ty Cổ phần Tập đoàn Hưng Thịnh và Công ty Cổ phần Tập đoàn Nam Miền Trung (do Tập đoàn Đèo Cả làm đại diện).

Từ đó đến nay, tỉnh Lâm Đồng cùng các nhà đầu tư tiếp tục thực hiện và ứng vốn để hoàn thiện hồ sơ dự án khả thi trình Chính phủ phê duyệt.

Tuy nhiên, theo Nam Miền Trung, ngày 4/9 vừa qua, khi Phó Thủ tướng Trần Hồng Hà làm việc với tỉnh Lâm Đồng về dự án cao tốc Tân Phú – Bảo Lộc, một số báo đưa tin, trong đó có nội dung Tập đoàn Đèo Cả nói rằng, các nhà đầu tư liên danh thực hiện dự án đã rút, chỉ còn Tập đoàn Đèo Cả.

Tập đoàn Nam Miền Trung cho biết, đây là thông tin chưa đúng, làm cho cổ đông bất ngờ và hoang mang mang vì đã góp công sức, tiền của vào liên danh để đề xuất và thực hiện dự án, chưa chuyển cho bất kỳ nhà đầu tư nào khác

“Tập đoàn chưa có đề nghị hay văn bản nào đề xuất rút khỏi liên danh kể từ khi Chính phủ duyệt quyết định chủ trương đầu tư cho đến nay”, Tập đoàn Nam Miền Trung khẳng định và đề nghị Tập đoàn Đèo Cả tiếp tục phối hợp và thông tin kịp thời các vấn đề phát sinh liên quan đến dự án đường cao tốc Tân Phú - Bảo Lộc, để Tập đoàn Nam Miền Trung không bị động, thiếu thông tin và chủ động phối hợp cùng các bên để thực hiện các bước tiếp theo của dự án.

Tập đoàn Nam Miền Trung cũng mong muốn UBND tỉnh Lâm Đồng chủ trì tiếp tục hỗ trợ liên danh cùng các nhà đầu tư để dự án cao tốc Tân Phú - Bảo Lộc được triển khai và đảm bảo lợi ích hài hòa giữa các bên, trước khi dự án khả thi được Chính phủ phê duyệt và đưa dự án ra đấu thầu, tránh ảnh hưởng dự án và môi trường đầu tư của tỉnh Lâm Đồng.

Ngày 14/10, UBND tỉnh Lâm Đồng đã có văn bản giao Ban Quản lý dự án giao thông tỉnh xem xét, có văn bản trả lời đối với nội dung kiến nghị của Tập đoàn Nam Miền Trung trước ngày 20/10/2024.

Cao tốc Tân Phú - Bảo Lộc là đoạn giữa của tuyến cao tốc từ Dầu Giây - Liên Khương, hai đoạn còn lại là Dầu Giây - Tân Phú và Bảo Lộc - Liên Khương.

cao-toc-11-5026.jpg
Dự án cao tốc Tân Phú - Bảo Lộc vẫn chưa thể khởi công xây dựng. Ảnh minh họa

Theo quyết định phê duyệt chủ trương đầu tư, dự án cao tốc Tân Phú - Bảo Lộc có chiều dài khoảng 66km, trong đó 11km đi trên địa phận huyện Tân Phú, tỉnh Đồng Nai; 55km thuộc địa phận tỉnh Lâm Đồng). Dự án có tổng mức đầu tư giai đoạn phân kỳ là 17.200 tỷ đồng, trong đó vốn nhà nước tham gia dự án 6.500 tỷ đồng (Ngân sách Trung ương 2.000 tỷ đồng, ngân sách tỉnh Lâm Đồng 4.500 tỷ đồng); vốn chủ sở hữu nhà đầu tư 1.605 tỷ đồng và 9.095 tỷ đồng từ các nguồn huy động.

Dự án được đầu tư xây theo tiêu chuẩn đường cao tốc, vận tốc thiết kế 80km/h. Giai đoạn phân kỳ, cao tốc Tân Phú - Bảo Lộc có nền đường rộng 17m với 4 làn xe, bố trí các điểm dừng xe khẩn cấp không liên tục với khoảng cách 4-5km/vị trí. Giai đoạn phân kỳ sẽ thực hiện đầu tư, hoàn thành và đưa vào khai thác năm 2026.

Tuy nhiên, trong quá trình triển khai, dự án cao tốc Tân Phú – Bảo Lộc gặp rất nhiều khó khăn, đến nay vẫn chưa thể khởi công xây dựng.

Xem thêm

Có thể bạn quan tâm

Thứ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Đức Tâm phân tích các động lực tăng trưởng trong năm 2025

Cơ sở để hiện thực hóa mục tiêu GDP 8%

Thứ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư cho rằng năm 2025 phải thực hiện kích cầu tiêu dùng trong nước, đây là nhiệm vụ rất quan trọng không chỉ Việt Nam thực hiện mà rất nhiều nước trên thế giới cũng triển khai...

Quỹ đầu tư 22.000 tỷ đồng "đặt cược" lớn vào MIG: Kỳ vọng tăng trưởng thị trường bảo hiểm

Quỹ đầu tư 22.000 tỷ đồng "đặt cược" lớn vào MIG: Kỳ vọng tăng trưởng thị trường bảo hiểm

Quỹ đầu tư Pyn Elite Fund, một trong những quỹ ngoại hàng đầu trên thị trường chứng khoán Việt Nam với tổng tài sản quản lý lên đến 815 triệu EUR (khoảng 22.000 tỷ đồng), vừa thông báo kế hoạch mua thêm gần 2,6 triệu cổ phiếu MIG của Tổng Công ty Cổ phần Bảo hiểm Quân đội (MIC).