Nhật Bản đang đẩy mạnh các khoản đầu tư và chiến lược xe điện thông qua một thỏa thuận thương mại khoáng sản quan trọng với Mỹ, nhưng những thách thức và hạn chế về tài nguyên có thể làm chậm tiến độ của nước này trong cuộc đua xe điện toàn cầu.
Chậm chân ngay từ đầu
Nhật Bản đang tụt lại phía sau trong lĩnh vực xe điện. Trích dẫn ước tính của Nikkei Asia, trong khi các nhà sản xuất ô tô phương Tây và Trung Quốc kiểm soát khoảng 90% thị trường EV toàn cầu vào năm 2022, thì các nhà sản xuất ô tô Nhật Bản chỉ chiếm chưa đến 5%.
Một trong những nhà sản xuất ô tô lớn nhất của Nhật Bản, Toyota, đã và đang có những động thái mạnh mẽ để thu hẹp khoảng cách đó. Giám đốc điều hành Sato Koji mới đây công bố trong cuộc họp báo đầu tiên kể từ khi nhậm chức rằng Toyota có kế hoạch phát hành 10 mẫu xe điện chạy bằng pin mới với kỳ vọng doanh số hàng năm lên tới 1,5 triệu chiếc vào 2026.
Tương tự như Toyota, vào tháng 4 vừa qua, Honda cũng đã công bố kế hoạch sản xuất hơn 2 triệu xe điện vào năm 2030, với mục tiêu cuối cùng là chỉ bán xe BEV hoặc xe điện chạy bằng hydro trên toàn cầu vào năm 2040.
Cho đến nay, các nhà sản xuất ô tô Nhật Bản đã tập trung nhiều hơn vào các loại xe hybrid và hydro. Cả Toyota, Honda và Nissan chỉ mới công bố mở rộng các dòng xe chạy hoàn toàn bằng điện của họ trong năm qua. Theo Hiệp hội đại lý ô tô Nhật Bản, xe điện hybrid vẫn chiếm 96,8% doanh số bán xe điện mới trong nước.
Trong khi đó, BEV lại là động lực chính thúc đẩy tăng trưởng số lượng EV ở các nơi khác trên thế giới, chiếm hơn 70% tổng mức tăng trưởng hàng năm vào 2022, Cơ quan Năng lượng Quốc tế (IEA) báo cáo. Hơn 730.000 BEV đã được bán ở Mỹ vào năm 2022, chiếm 43,5% tổng doanh số bán xe điện trong năm đó, dữ liệu từ Phòng thí nghiệm quốc gia Argonne cho thấy.
IEA cho biết thêm, doanh số bán BEV cũng đang tăng nhanh ở Trung Quốc, tăng 60% so với năm 2021 để đạt 4,4 triệu xe. Thị trường xe điện lớn nhất thế giới đã thực hiện một loạt các chính sách thúc đẩy xe điện tại các thành phố lớn của mình, chẳng hạn như trợ cấp chi phí cho mỗi lần mua một chiếc xe điện.
“Các công ty Nhật Bản đã chậm chân ngay từ đầu và khó có thể cạnh tranh được ngay bây giờ trong cuộc đua điên cuồng về xe điện này”, ông David Boling, giám đốc phụ trách thương mại Nhật Bản và châu Á của Eurasia Group, nhận xét với CNBC.
Cắt giảm sự phụ thuộc vào nguyên liệu Trung Quốc
Nhật Bản phụ thuộc vào Trung Quốc để có các khoáng chất quan trọng cần thiết cho việc sản xuất các bộ phận xe điện. Theo IEA, hơn 90% xe điện được bán trên thị trường hiện nay có chứa động cơ đồng bộ nam châm vĩnh viễn (permanent-magnet synchronous motor), sử dụng các nguyên tố đất hiếm được khai thác nhiều tại Trung Quốc.
Trung Quốc tinh chế 90% các nguyên tố này cũng như 60% đến 70% lithium và cobalt, những chất cần thiết để sản xuất pin EV. Bên cạnh Trung Quốc, Nhật Bản là nước tiêu thụ các nguyên tố đất hiếm lớn nhất, chẳng hạn như dysprosium.
“Tôi chưa thể thấy bất kỳ tương lai ngắn hạn hay trung hạn nào mà Trung Quốc không phải là nhân tố quan trọng trong chuỗi cung ứng toàn cầu”, bà Kristin Vekasi, phó giáo sư khoa học chính trị tại Đại học Maine, cho biết.
Tuy nhiên, chính phủ Nhật Bản và các nhà sản xuất hàng đầu khác đang theo đuổi các công nghệ mới để giảm sự phụ thuộc vào nguyên liệu có nguồn gốc từ Trung Quốc.
Công ty Proterial, trước đây là Hitachi Metals, đang nỗ lực phát triển động cơ EV sử dụng ít kim loại đất hiếm hơn. Vào năm 2022, chính phủ Nhật Bản cũng đã phân bổ 6 tỷ yên (42,9 triệu USD) cho một dự án khai thác đất hiếm từ bùn biển sâu, theo Nikkei Asia đưa tin.
Ông David Boling nhận định, việc tìm kiếm các giải pháp thay thế cho các nguồn đất hiếm hiện tại sẽ tốn rất nhiều thời gian và tiền bạc. “Trong khi chờ đợi, Nhật Bản phải hiểu rõ sự phụ thuộc của mình vào Trung Quốc và làm tất cả những gì có thể để giảm thiểu rủi ro đó”, ông Boiling nói thêm.
Đẩy mạnh quan hệ kinh tế đa phương
Hiện tại, Nhật Bản đã chú trọng vào việc hợp tác kinh tế như một cách để giảm bớt sự phụ thuộc vào chuỗi cung ứng của Trung Quốc. Một quan chức chính phủ hàng đầu từng tiết lộ Nhật Bản sẽ thúc đẩy phát triển tài nguyên khoáng sản quan trọng với G-7 và các quốc gia có cùng quan điểm khác, trích dẫn thông tin từ S&P Global Commodity Insights.
Thủ tướng Nhật Bản Fumio Kishida cũng đã hướng tới Đông Nam Á trong chiến lược đối ngoại của mình, mời Singapore tham dự cuộc họp của các nhà lãnh đạo tài chính G-7 cũng như mời Indonesia tham gia các cuộc họp G-7 ở Hiroshima.
Ông David Boiling của Eurasia Group chỉ ra rằng các động thái của Nhật Bản là dấu hiệu rõ ràng cho thấy mục tiêu phát triển quan hệ kinh tế sâu sắc với Indonesia trên nhiều khía cạnh, bao gồm cả các khoáng sản quan trọng.
Indonesia có một trong những quốc gia có trữ lượng niken lớn nhất thế giới và dự kiến sẽ đóng góp khoảng 46% sản lượng niken sơ cấp toàn cầu vào năm 2027. Niken là một thành phần quan trọng khác trong các tế bào pin lithium-ion mà hầu hết xe điện sử dụng.
Chính phủ Nhật Bản cũng sẽ tiếp tục tài trợ trực tiếp cho các dự án liên quan của Bộ Kinh tế, Thương mại và Công nghiệp hoặc Tổ chức An ninh Kim loại và Năng lượng Nhật Bản bên cạnh khoản trợ cấp một nửa chi phí cho các kế hoạch phát triển mỏ và luyện kim của doanh nghiệp, Nikkei Asia đưa tin vào tháng Tư.
“Trong một lĩnh vực mà tỷ lệ thành công thấp, sự can thiệp của nhà nước là cực kỳ cần thiết, ít nhất là trong thời gian ngắn,” bà KristinVekasi khẳng định. Bà cũng lưu ý thêm rằng sự hỗ trợ và đầu tư của chính phủ có thể giảm thiểu rủi ro như chậm trễ khai thác, biến động giá khoáng sản và sự thiếu chuyên môn của các công ty nhỏ.