Nhiều quy định mới trên thị trường chứng khoán phái sinh

Bộ Tài chính đang lấy ý kiến dự thảo Nghị định hướng dẫn Luật chứng khoán về chứng khoán phái sinh và thị trường chứng khoán phái sinh.

Theo dự thảo, các công ty chứng khoán phải bảo đảm số vốn điều lệ, vốn chủ sở hữu tối thiểu 600 tỷ đồng nếu tham gia hoạt động tự doanh chứng khoán phái sinh. Với hoạt động môi giới chứng khoán phái sinh, số vốn tối thiểu doanh nghiệp là 800 tỷ đồng.

Với hoạt động tư vấn đầu tư chứng khoán phái sinh, Nghị định 42/2015 không quy định số vốn điều lệ tối thiểu với công ty chứng khoán tham gia hoạt động phái sinh. Tuy nhiên, ở dự thảo Nghị định đang lấy ý kiến, doanh nghiệp phải có số vốn điều lệ tối thiểu trên 250 tỷ đồng.

Ngoài ra, công ty chứng khoán phải đáp ứng trích lập đầy đủ các khoản dự phòng, không có lỗ lũy kế trong năm tài chính gần nhất và tỷ lệ an toàn tài chính tối thiểu 220% liên tục trong 12 tháng trước khi nộp hồ sơ. Thêm vào đó, ý kiến của tổ chức kiểm toán tại báo cáo tài chính soát xét năm hoặc bán niên gần nhất phải là chấp thuận toàn phần.

Thêm vào đó, dự thảo Nghị định cũng bổ sung điều kiện để cấp giấy chứng nhận cho các công ty quản lý quỹ đầu tư chứng khoán. Cụ thể, số vốn điều lệ tối thiểu cho các doanh nghiệp này là 25 tỷ đồng, cùng nhiều yêu cầu về tình hình tài chính, báo cáo kiểm toán và không trong trạng thái tổ chức lại, phá sản, giải thể hoặc bị đình chỉnh hoạt động.

Về chế tài xử phạt, Ủy ban Chứng khoán Nhà nước có thể đình chỉ tối đa 12 tháng với một số hoạt động kinh doanh chứng khoán phái sinh khi phát hiện hồ sơ cấp giấy chứng nhận giả mạo, có thông tin sai sự thật hoặc không đáp ứng một trong số các điều kiện trong 6 tháng liên tiếp. Sau thời hạn đình chỉ, công ty chứng khoán sẽ buộc phải chấm dứt hoạt động phái sinh không thể khắc phục toàn bộ các hành vi dẫn tới quyết định đình chỉ hoạt động.

Thị trường chứng khoán phái sinh chính thức hoạt động từ tháng 8/2017, sau 3 năm phát triển đã thu hút được sự tham gia của 19 công ty chứng khoán cùng 132.274 tài khoản giao dịch được mở (tính đến hết tháng 7/2020).

Trong vòng 3 năm, thị trường ghi nhận hơn 67,9 triệu hợp đồng tương lai được giao dịch. Thanh khoản trên thị trường cũng liên tục tăng trưởng khi khối lượng giao dịch bình quân của bảy tháng đầu năm 2020 tăng gần 95% so với năm 2019, đạt 173.009 hợp đồng mỗi phiên.

Kỷ lục mới nhất về số lượng hợp đồng giao dịch trong một phiên được thiết lập ngày 29/7 với 356.033 hợp đồng.

Cùng với sự gia tăng nhanh chóng số lượng hợp đồng giao dịch, khối lượng hợp đồng mở (open interest - OI) cũng đã tăng gấp 4,7 lần  từ 8.077 hợp đồng ở thời điểm cuối năm 2017 lên 38.001 hợp đồng vào ngày 31/7/2020.

Có thể bạn quan tâm