Nhóm cổ phiếu bán lẻ, may mặc và công nghệ được “chọn mặt gửi vàng” nhờ kết quả kinh doanh quý 2 tích cực

Mirae Asset cho rằng, nhóm ngành triển vọng, có câu chuyện hồi phục như may mặc, bán lẻ, công nghệ, vật liệu xây dựng sẽ là lựa chọn phù hợp khi rơi về vùng giá hấp dẫn...

nha-dau-tu-chung-khoan-f0-1.jpeg

Công ty Chứng khoán Mirae Asset Việt Nam (MASVN) vừa công bố báo cáo khuyến nghị các cổ phiếu tiềm năng. Trong báo cáo này, các chuyên gia đã đưa ra các phân tích về tình hình kinh tế vĩ mô và đề xuất những nhóm cổ phiếu "hứa hẹn" dựa trên kết quả kinh doanh quý 2/2024 tăng trưởng vượt trội.

ĐIỂM SÁNG TRONG BỐI CẢNH THẾ GIỚI BẤT ỔN

Theo đó, về tình hình vĩ mô, trong bối cảnh kinh tế toàn cầu đầy biến động, nửa đầu năm 2024 đã chứng kiến sự đan xen giữa cơ hội và thách thức. Mặc dù có những tín hiệu tích cực từ sự hồi phục cầu tiêu dùng. Nhưng các rủi ro địa chính trị, biến đổi khí hậu và sự phân mảnh kinh tế vẫn là những trở ngại lớn khiến chi phí leo thang, đứt gãy chuỗi cung ứng và tăng áp lực lạm phát.

Triển vọng tăng trưởng kinh tế toàn cầu dự kiến sẽ phục hồi chậm, và các quốc gia cần thích ứng với một môi trường kinh tế ngày càng phức tạp và cạnh tranh.

Quỹ tiền tệ Quốc tế (IMF) dự báo lạm phát toàn cầu sẽ giảm từ mức trung bình 6,8% vào năm 2023 xuống còn 5,9% vào năm 2024 (điều chỉnh tăng 0,1 điểm phần trăm so với dự báo tháng 1/2024).

Theo báo cáo tháng 5 của Tổ chức Hợp tác và Phát triển Kinh tế (OECD), dự báo tăng trưởng kinh tế toàn cầu 2024 sẽ duy trì mức tăng trưởng 3,1% như năm ngoái và phục hồi lên mức 3,2% vào năm 2025. Các ngân hàng trung ương ở nhiều quốc gia đã có tín hiệu kết thúc chu kỳ tăng lãi suất và bắt đầu những đợt cắt giảm lãi suất trong năm 2024.

Trong nước, lạm phát được kiểm soát ở mức phù hợp. Chỉ số giá tiêu dùng (CPI) quý 2/2024 tăng 4,39% so với cùng kỳ năm trước. Tính chung 6 tháng đầu năm, CPI tăng 4,08% chủ yếu do chỉ số giá nhóm giáo dục, nhóm thuốc và dịch vụ y tế tăng.

Bình quân 6 tháng đầu năm, lạm phát cơ bản chỉ tăng 2,75% so với cùng kỳ 2023, là mức thấp hơn so với mục tiêu 4 - 4,5% của Chính phủ. Đến tháng 7/2024, CPI tăng 0,48% so với tháng trước, và tăng 4,36% so với cùng kỳ năm trước, bình quân 7 tháng lạm phát cơ bản tăng 2,73%.

Tăng trưởng GDP quý 2/2024 ước tính tăng 6,93% so với cùng kỳ. Tính chung 6 tháng đầu năm 2024, GDP tăng 6,42%, chỉ thấp hơn tốc độ tăng 6,58% của 6 tháng đầu năm 2022 trong giai đoạn 2020-2024.

Quỹ tiền tệ Quốc tế (IMF) dự báo kinh tế Việt Nam tăng trưởng gần 6% trong năm 2024 nhờ xuất khẩu hồi phục và vốn đầu tư FDI mạnh mẽ cùng các chính sách hỗ trợ của nhà nước.

CỔ PHIẾU BÁN LẺ, MAY MẶC VÀ CÔNG NGHỆ "VỤT SÁNG"

Về bức tranh kết quả kinh doanh quý 2/2024, Mirae Asset đánh giá nhìn chung có sự cải thiện và phân hóa giữa các nhóm ngành. Tuy rằng số lượng nhóm ngành có lợi nhuận sau thuế tăng trưởng dương ít hơn so với quý 1/2024, nhưng tốc độ tăng trưởng lợi nhuận sau thuế toàn thị trường cao hơn.

Cụ thể, theo dữ liệu FiinPro ghi nhận, tổng lợi nhuận sau thuế quý 2/2024 tăng trưởng 26% so với cùng kỳ và cao hơn so với mức tăng trong quý 1/2024 là 21,5%, nhưng thấp hơn đáng kể so với mức tăng 56,6% của quý 4/2023.

Quý 2/2024, lợi nhuận sau thuế của nhóm phi tài chính tăng mạnh hơn tài chính, lần lượt tăng 32,9% và 20,6%. Trong đó, ghi nhận nhóm ngành tăng gồm: Bán lẻ (+1403,3%), Viễn thông (+443,1%), Du lịch và giải trí (+406,2%), Tài nguyên cơ bản (+278.7%), Ô tô và phụ tùng (+139,3%), Hóa chất (+54,6%), Hàng cá nhân và gia dụng (+34.8%), Công nghệ thông tin (+24,1%), Ngân hàng (+21,6%), Bất động sản (+15,5%), Xây dựng và vật liệu (+15,0%), Hàng & Dịch vụ công nghiệp (+11,5%), Bảo hiểm (+11,1%), Thực phẩm và đồ uống (+8,7%), Dịch vụ tài chính (+2,9%).

Ở chiều ngược lại, nhóm ngành ghi nhận lợi nhuận sau thuế giảm gồm: Dầu khí (-9,9%), Y tế (-10,7%), Truyền thông (-11,3%), Tiện ích (-19,5%).

Dựa trên kết quả kinh doanh quý 2/2024, nhóm phân tích MASVN tiến hành lọc cổ phiếu có kết quả kinh doanh ổn định, duy trì sức tăng trưởng tốt và có câu chuyện riêng.

Trong đó, các cổ phiếu thuộc một số nhóm ngành mang tính ổn định như thực phẩm, bảo hiểm là những lựa chọn tương đối an toàn. Ngoài ra, nhóm ngành triển vọng, có câu chuyện hồi phục như may mặc, bán lẻ, công nghệ, vật liệu xây dựng cũng là lựa chọn phù hợp khi rơi về những vùng giá hấp dẫn.

MASVN đã chọn lọc và đánh giá dựa trên việc so sánh biên lợi nhuận gộp giữa 2 quý gần nhất và năm trước đó để đưa danh sách cổ phiếu tiềm năng, có sự tăng trưởng doanh thu, lợi nhuận. Đồng thời phải thỏa mãn tiêu chí về giá trị giao dịch, tức mã cổ phiếu có thanh khoản.

Sau quá trình chọn lọc, danh mục cổ phiếu khuyến nghị của MASVN được chia thành 2 nhóm:

Ảnh chụp Màn hình 2024-08-20 lúc 15.02.34.png
Nhóm Super: những cổ phiếu có biên lợi nhuận gộp quý 2/2024 lớn hơn biên lợi nhuận gộp quý 1/2024 và năm 2023
Ảnh chụp Màn hình 2024-08-20 lúc 15.03.23.png
Nhóm Good: những cổ phiếu có biên lợi nhuận gộp quý 2/2024 lớn hơn biên lợi nhuận gộp quý 1/2024.

VN-INDEX CÓ THỂ ĐÓNG CỬA Ở MỐC 1.350 ĐIỂM

Về diễn biến thị trường chứng khoán nửa cuối năm 2024, nhiều báo cáo phân tích cho rằng, VN-Index sẽ duy trì xu thế tăng. Cụ thể, Công ty Chứng khoán ACB (ACBS) nhận định, nửa đầu năm 2024, VN-Index duy trì đà tăng giá tích cực bắt đầu từ tháng 10/2023, xác lập đỉnh ở vùng 1.301 vào giữa tháng 6/2024 (tăng 15,1% so với đầu năm).

Tuy nhiên, đà tăng giá của VN-Index không được giữ vững trước áp lực về tỷ giá dâng cao trong tháng 7/2024 và áp lực bán ròng không ngừng nghỉ của nhà đầu tư nước ngoài.

Tính tới ngày 26/7, VN-Index vẫn đang duy trì ở ngưỡng 1.240 điểm (tăng 9,9% so với đầu năm), và là một trong những thị trường chứng khoán có mức độ tăng giá tốt. Tuy nhiên, những phiên điều chỉnh sâu cuối tháng 7 và đầu tháng 8/2024, đặc biệt trong bối cảnh bán tháo của thị trường chứng khoán thế giới đã khiến VN-Index phá vỡ xu huớng tăng đuợc thiết lập từ tháng 10/2023.

Việc giữ vững ngưỡng 1.150 – 1.300 điểm được coi là thử thách của VN-Index trong việc duy trì kênh tăng giá trung dài hạn trong giai đoạn tới.

Tuy nhiên, nếu không tính tới khả năng “suy thoái” của nền kinh tế Mỹ do các dấu hiệu cảnh báo suy thoái mới chỉ chớm gia tăng gần đây, ACBS thấy rằng, kịch bản phù hợp của VN-Index trong giai đoạn 6 tháng cuối năm là tiếp tục dao động trong biên độ 1.150 - 1.300 điểm, trong bối cảnh vĩ mô trong nước ổn định, tăng trưởng tích cực và nền định giá chung đã trở nên tuơng đối hấp dẫn.

Ảnh chụp Màn hình 2024-08-20 lúc 15.04.46.png

Ở góc nhìn tích cực hơn, Công ty Chứng khoán Vietcap duy trì mục tiêu VN-Index lần lượt là 1.350 cho cuối năm 2024 và 1.550 cho cuối năm 2025. Các yếu tố hỗ trợ cho quan điểm lạc quan về thị trường chứng khoán trong nửa cuối năm của Vietcap đến từ các yếu tố:

Thứ nhất, nền kinh tế tiếp tục phục hồi theo chu kỳ sẽ hỗ trợ thị trường lao động, cải thiện thu nhập hộ gia đình cũng như niềm tin của người tiêu dùng. Tăng trưởng kinh tế mạnh và bền vững sẽ đẩy mạnh đà phục hồi vốn đầu tư xây dựng cơ bản của khu vực tư nhân vào năm 2025. Tăng trưởng GDP mạnh sẽ thúc đẩy doanh thu, biên lợi nhuận và thu nhập doanh nghiệp.

Thứ hai, ngành bất động sản dần phục hồi, giao dịch trên thị trường nhà ở ngày càng gia tăng cho thấy nút thắt phía nguồn cung đang được giải quyết và niềm tin của người mua đang dần phục hồi.

Thứ ba, Vietcap cho rằng Fed sẽ bắt đầu cắt giảm lãi suất điều hành trong nửa cuối năm 2024. Đồng thời, lãi suất USD thấp hơn và đồng USD ổn định hơn sẽ giảm rủi ro tỷ giá USD/VND tăng, điều mà buộc Ngân hàng Nhà nước đẩy mạnh thắt chặt chính sách tiền tệ.

Xem thêm

Hai kịch bản cho thị trường chứng khoán tháng 8/2024

Hai kịch bản cho thị trường chứng khoán tháng 8/2024

Trong tháng 8, quản trị rủi ro trung hạn được đặt lên hàng đầu. Việc giao dịch cổ phiếu trong các pha hồi phục kỹ thuật cần được cân nhắc kỹ lưỡng, đồng thời các nhịp giao dịch hồi phục trong pha điều chỉnh trung hạn, nhà đầu tư nên hạ thấp kỳ vọng lợi nhuận và tuân thủ cắt lỗ…

Có thể bạn quan tâm