Những mảng sáng tối trong bức tranh hoạt động thương mại qua những tháng đầu năm 2024

Hàng hóa Việt đã vượt qua nhiều rào cản, xuất siêu cao vào một số thị trường “khổng lồ” như Mỹ, EU, Nhật Bản. Song, cán cân thương mại Việt Nam cũng đang bị "đe dọa" khi nhập siêu của nước ta từ Trung Quốc đạt con số ngất ngưởng...

xuat-nhap-khau-65d226a4eb8b7-4863.jpg

Hoạt động thương mại của Việt Nam tiếp nối đà phục hồi từ quý 4/2023, đã trở thành là điểm sáng nổi bật trong hoạt động kinh tế - xã hội những tháng đầu năm 2024. Các chuyên gia kinh tế nhận định, xuất siêu của nền kinh tế cao ở thời điểm hiện tại là tín hiệu cho thấy một năm khởi sắc. Dẫu vậy, bức tranh thương mại Việt Nam vẫn còn một số gam màu đáng lưu ý.

XUẤT KHẨU TĂNG ĐỘT PHÁ

Theo dữ liệu của Tổng cục Thống kê, tính chung 2 tháng đầu năm 2024, tổng kim ngạch xuất, nhập khẩu hàng hóa ước đạt 113,96 tỷ USD, tăng 18,6% so với cùng kỳ năm trước, trong đó xuất khẩu tăng 19,2%; nhập khẩu tăng 18%. Với kết quả trên, cán cân thương mại hàng hóa ước tính xuất siêu 4,72 tỷ USD (cùng kỳ năm trước xuất siêu 3,5 tỷ USD), đánh dấu mức xuất siêu cao nhất trong 10 năm qua.

xuat-nhap-khau-1-3589-5026.jpeg
Nguồn: Tổng cục Thống kê

Quay lại thời điểm hai tháng đầu năm 2023, tổng kim ngạch xuất nhập khẩu hàng hóa hai tháng đầu năm 2023 chỉ đạt 96,1 tỷ đô la, giảm 13,3% so với cùng kỳ năm 2022. Đáng chú ý, hoạt động xuất – nhập khẩu đồng loạt giảm mạnh 9,9% và 16,7%; song Việt Nam vẫn xuất siêu 3,5 tỷ USD. Những con số này càng khẳng định kết quả tích cực của hoạt động thương mại trong năm nay.

Đây là điểm sáng đáng ghi nhận của nền kinh tế trong bối cảnh toàn cầu còn gặp nhiều “sóng gió” từ sụt giảm tăng trưởng tổng sản phẩm quốc nội (GDP), nợ xấu gia tăng, kim ngạch thương mại-đầu tư ảm đạm, cho tới những hệ lụy không mong muốn của bất ổn địa chính trị và các thách thức an ninh phi truyền thống… Trong khi đó, “vết sẹo” từ đại dịch Covid-19 chưa thể liền da và vẫn để lại những cơn đau nhức nhối cho nhiều nền kinh tế.

Về thị trường xuất khẩu, Hoa Kỳ là thị trường xuất khẩu lớn nhất của Việt Nam trong 2 tháng đầu năm với kim ngạch ước đạt 17,4 tỷ USD. Trong 2 tháng đầu năm 2024, xuất siêu sang Hoa Kỳ ước đạt 15,2 tỷ USD, tăng 36,6% so với cùng kỳ năm trước.

Việc cải thiện tăng trưởng trong hoạt động xuất khẩu ở thị trường này có thể thấy rõ như ở tháng đầu của năm nay khi tăng 64% so cùng kỳ năm trước với sự nổi trội của một số mặt hàng chủ lực như điện thoại và linh kiện, máy vi tính sản phẩm điện tử và linh kiện, sản phẩm dệt may, giày dép, đồ gỗ, thủy sản…

Nguồn: Tổng cục Thống kê

Nguồn: Tổng cục Thống kê

Các thị trường xuất khẩu lớn của Việt Nam kế đến là xuất siêu sang EU ước đạt 5,3 tỷ USD, tăng 13,9% và xuất siêu sang Nhật Bản 0,4 tỷ USD ( trong khi cùng kỳ năm trước nhập siêu 0,2 tỷ USD).

NHỮNG GAM MÀU XÁM TRONG BỨC TRANH THƯƠNG MẠI

Trong khi mảng xuất khẩu đang tỏ rõ những điểm sáng thì những đốm xám lại đang lộ diện trong bức tranh hoạt động thương mại những tháng đầu năm. Qua 2 tháng, nhập siêu của nước ta từ Trung Quốc đạt con số ngất ngưởng, lên tới 12,8 tỷ USD, tăng mạnh 98,2% so với cùng kỳ. Con số này đã tương đương 25,6% của cả năm 2023

Trái ngược lại, nhập siêu từ 2 thị trường có tăng trưởng cao trước đó là Hàn Quốc và ASEAN trong 2 tháng đầu năm giảm lại quay đầu giảm. Cụ thể, nhập siêu từ Hàn Quốc 3,7 tỷ USD, giảm 4,3%; còn nhập siêu từ ASEAN 1 tỷ USD, giảm 21,9%.

Những số liệu nêu trên đã phản ánh rõ hệ quả tất yếu của xu hướng chuyển dịch dòng vốn đầu tư, tái sắp xếp chuỗi cung ứng và di dời nhà máy từ công xưởng sản xuất của thế giới là Trung Quốc sang các nước ASEAN nói chung và Việt Nam nói riêng trong thời gian gần đây.

Theo nhiều chuyên gia kinh tế phân tích, trong bối cảnh thương chiến Mỹ – Trung vẫn đang kéo dài, không ngoại trừ khả năng nhiều doanh nghiệp Trung Quốc đã chọn Việt Nam như là điểm trung gian để xuất khẩu hàng hóa qua Mỹ nhằm tránh thuế, cũng như qua các thị trường khác nhằm tận dụng những ưu đãi từ các hiệp định thương mại tự do mà Việt Nam đã ký kết.

Hiện Mỹ đánh thuế vào các hàng hóa từ Trung Quốc rất cao, buộc các doanh nghiệp tại nước này phải tìm kiếm thị trường khác để tiêu thụ số hàng hóa không thể xuất khẩu sang Mỹ, đồng thời gia tăng đầu tư ra nước ngoài để đối phó với các biện pháp của Mỹ.

Theo Tổng cục Thống kê, máy vi tính, sản phẩm điện tử và linh kiện, điện thoại và linh kiện vừa là các mặt hàng được Việt Nam nhập khẩu nhiều nhất, đồng thời cũng là những mặt hàng được Việt Nam xuất khẩu nhiều nhất.

Nguồn: Tổng cục Thống kê

Nguồn: Tổng cục Thống kê

Dẫu cán cân thương mại hàng hóa đang nghiêng về xuất siêu, song việc nhập siêu từ Trung Quốc với số lượng tăng vọt như trên cũng đặt ra những lo ngại lớn. Nếu tình trạng trên kéo dài, kết hợp với việc các đơn hàng xuất khẩu từ các thị trường lớn của Việt Nam không phục hồi nhanh như kỳ vọng, có thể tác động rất xấu đến cán cân thương mại trong giai đoạn tới.

Trong khi đó, những cuộc tấn công tàu hàng trên Biển Đỏ của lực lượng Houthi tại Yemen vẫn chưa dừng lại. Điều này sẽ ảnh hưởng nghiêm trọng đến hoạt động xuất khẩu của Việt Nam sang các thị trường châu Âu khiến số lượng đơn hàng sụt giảm và kết quả kinh doanh của các doanh nghiệp xuất khẩu gặp nhiều khó khăn.

Một điểm đáng chú ý khác, Việt Nam đang được coi là “vùng đất màu mỡ” trên bản đồ thu hút FDI. Việc các “đại bàng” lớn liên tục “làm ổ” tại Việt Nam cũng kích thích hoạt động nhập khẩu bởi, các tập đoàn đa quốc gia sau khi rót vốn đầu tư, bước kế tiếp sẽ tiến hành nhập khẩu máy móc thiết bị, linh kiện, nguyên vật liệu để sớm vận hành nhà máy và đưa vào sản xuất.

Số liệu thống kê cho thấy vốn FDI thực hiện tại Việt Nam sau khi đạt 23,18 tỷ USD trong năm 2023, tăng 3,5% so với năm trước, đạt mức cao nhất từ năm 2019 đến nay. Trong hai tháng đầu năm 2024 tiếp tục ghi nhận đạt 2,8 tỷ USD, tăng 9,8% so với cùng kỳ năm trước. Trong đó, riêng ngành công nghiệp chế biến, chế tạo đạt 2,17 tỷ USD, chiếm 77,5% tổng vốn FDI thực hiện.

Song song với đó, các doanh nghiệp nội địa đang quay trở lại mở rộng đầu tư và phát triển sản xuất kinh doanh mạnh mẽ hơn nhờ các động lực tăng trưởng kinh tế. Xu hướng này cũng sẽ thúc đẩy các hoạt động nhập khẩu máy móc và nguyên, nhiên, vật liệu, tăng cường tích trữ hàng tồn kho nhiều hơn để chuẩn bị cho chu kỳ kinh tế kế tiếp.

Một lưu ý nữa, khi nhìn vào con số tổng xuất siêu là 4,72 tỷ USD, khu vực kinh tế trong nước nhập siêu 3,53 tỷ USD, khu vực FDI xuất siêu 8,25 tỷ USD sẽ thấy, xuất khẩu đang chịu tác động lớn bởi các doanh nghiệp FDI, còn “đầu vào” của các doanh nghiệp nội thì phụ thuộc không ít vào nhập khẩu. Đây cũng là mảng màu xám trong bức tranh thương mại mà bao năm qua chúng ta nỗ lực cải thiện nhưng kết quả chưa như kỳ vọng.

Thách thức luôn luôn hiện hữu, song nhiều dự báo từ các tổ chức, chuyên gia đưa ra vẫn thể hiện niềm lạc quan vào nền kinh tế Việt Nam tăng trưởng bền vững trong năm 2024 bởi sự nỗ lực rất cao của các doanh nghiệp và Chính phủ thời gian qua.

Xem thêm

Chứng khoán tuần 25/3-29/3: Cân nhắc chốt lời các cổ phiếu tăng nhanh đến vùng kháng cự

Chứng khoán tuần 25/3-29/3: Cân nhắc chốt lời các cổ phiếu tăng nhanh đến vùng kháng cự

Nhà đầu tư có thể kỳ vọng khả năng nới rộng nhịp tăng của thị trường nhưng cần quan sát diễn biến cung cầu trong nhịp tăng này. Hiện tại nên ưu tiên các cổ phiếu đang có tín hiệu tốt từ vùng hỗ trợ để nắm giữ, tuy nhiên nên cân nhắc chốt lời các cổ phiếu tăng nhanh đến vùng kháng cự...

Nông nghiệp Việt Nam tiếp tục toả sáng

Nông nghiệp Việt Nam tiếp tục toả sáng

Là trụ cột chính của kinh tế Việt Nam, ngành nông nghiệp đã có nhiều chuyển đổi quan trọng trong những năm qua để tự tin toả sáng giữa ngành nông nghiệp toàn cầu...

Có thể bạn quan tâm

Thứ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Đức Tâm phân tích các động lực tăng trưởng trong năm 2025

Cơ sở để hiện thực hóa mục tiêu GDP 8%

Thứ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư cho rằng năm 2025 phải thực hiện kích cầu tiêu dùng trong nước, đây là nhiệm vụ rất quan trọng không chỉ Việt Nam thực hiện mà rất nhiều nước trên thế giới cũng triển khai...

Quỹ đầu tư 22.000 tỷ đồng "đặt cược" lớn vào MIG: Kỳ vọng tăng trưởng thị trường bảo hiểm

Quỹ đầu tư 22.000 tỷ đồng "đặt cược" lớn vào MIG: Kỳ vọng tăng trưởng thị trường bảo hiểm

Quỹ đầu tư Pyn Elite Fund, một trong những quỹ ngoại hàng đầu trên thị trường chứng khoán Việt Nam với tổng tài sản quản lý lên đến 815 triệu EUR (khoảng 22.000 tỷ đồng), vừa thông báo kế hoạch mua thêm gần 2,6 triệu cổ phiếu MIG của Tổng Công ty Cổ phần Bảo hiểm Quân đội (MIC).