Những nguy cơ tiềm ẩn khi sử dụng FacePlay - Ứng dụng đang gây hot trên MXH

App ghép mặt vào video đang tạo ra trào lưu vui vẻ trên mạng xã hội. Thế nhưng, có một điều phải cảnh báo rằng, bạn có thể mất tiền và các dữ liệu thông tin cá nhân trong quá trình đăng nhập và sử dụng FacePlay.

FacePlay là ứng dụng đang nổi trên mạng xã hội với khả năng ghép khuôn mặt của bạn vào các video của diễn viên Trung Quốc. FacePlay thu hút giới trẻ bởi khả năng ghép khuôn mặt cực kỳ "thần thánh". Khuôn mặt của bạn sẽ ăn khớp một cách hoàn hảo với cơ thể của diễn viên. Tuy nhiên, app FacePlay cũng tiềm ẩn một số nguy cơ như mất tiền, mất dữ liệu cá nhân.

Đầu tháng 8, mạng xã hội xuất hiện nhiều đoạn video ngắn, trích từ phim, trình diễn thời trang, âm nhạc... với gương mặt nhân vật chính được thay bằng ảnh của người dùng.

Dễ mất dữ liệu cá nhân

Tương tự những ứng dụng can thiệp, chỉnh sửa hình ảnh khác, app ghép khuôn mặt vào video cũng bị nghi ngờ về việc đảm bảo quyền riêng tư của người dùng. Trong App Privacy trên App Store, các yêu cầu truy cập của FacePlay khá là vô lý với một ứng dụng chỉnh sửa video. Ví dụ, yêu cầu truy cập vị trí, thông tin liên lạc, định danh và nhiều thông tin nhạy cảm khác. Trong điều khoản bảo mật, FacePlay cho biết họ sẽ thu thập các thông tin như địa chỉ email, số điện thoại, thông tin về thiết bị...

Bảng mô tả dữ liệu sẽ thu thập của FacePlay cho thấy ứng dụng này đòi hỏi rất nhiều thông tin nhạy cảm. Ảnh chụp màn hình.

Chỉ riêng dữ liệu khuôn mặt cũng đã tiềm ẩn nhiều nguy cơ với người dùng. Vài năm qua, chắc hẳn các bạn cũng đã nghe về công nghệ deepfake. Công nghệ này có thể ghép khuôn mặt và cả giọng nói của bạn vào bất kỳ nội dung nào. Nhiều người nổi tiếng đã gặp rắc rối khi khuôn mặt của họ bị ghép vào các nội dung đồ trụy, phản cảm.

FacePlay cho phép người dùng chỉnh sửa, cắt ghép khuôn mặt mình vào các video có sẵn

Theo Tiến sĩ Jose Lineros, chuyên gia an ninh mạng đang làm việc tại Đại học Bắc Texas, thật khó để thực hiện các hoạt động trực tuyến mà không thu thập dữ liệu cá nhân. "Chúng ta đang ở ngưỡng cửa của thế giới AI và học máy", ông đánh giá, đồng thời thừa nhận rằng bản thân mình "không chắc đã bị lấy đi điều gì" khi chấp nhận sử dụng app hoán đổi khuôn mặt.

Dễ mất tiền

Dù được xếp vào danh mục miễn phí, các app này luôn kèm theo gói mua hàng trong ứng dụng để mở khóa đầy đủ tính năng hoặc xóa quảng cáo. Cách thiết kế giao diện rất dễ khiến cho người dùng nhầm lẫn chọn mua. Ngay sau bước thêm khuôn mặt, ứng dụng bật ra khung mời gọi đăng ký thuê bao theo tuần hoặc năm, đồng thời chọn sẵn. Nếu người dùng không chú ý, nhấn vào nút tiếp tục sẽ được đưa ngay đến bước xác nhận trả phí trên App Store. Nút x để đóng khung này được thiết kế rất nhỏ, khó nhìn thấy ở phía trên.

Nếu không chú ý, người dùng sẽ vô tình đăng ký trả phí cho ứng dụng. Ảnh chụp màn hình.

Thêm vào đó, ứng dụng này chỉ cho phép sử dụng miễn phí trong vòng 3 ngày, kể từ ngày thứ 3, FacePlay yêu cầu người dùng phải trả tiền với mức giá 139.000 đồng/tuần sử dụng và 1,059 triệu đồng cho một năm sử dụng. Tuy nhiên, cách hiển thị giá của FacePlay rất có vấn đề. FacePlay đã bỏ đi 2 số 0 trong giá tiền thuê bao ứng dụng.

Điều này khiến nhiều người lầm tưởng về mức giá của ứng dụng và nhấn mua mà không suy nghĩ gì.

FacePlay còn nguy hiểm nhất ở điểm sau 3 ngày dùng thử nếu người dùng không gỡ, ứng dụng sẽ tự động gia hạn phiên bản và trừ tiền trong tài khoản ví điện tử của người dùng. Ở phần chính sách sử dụng trên chợ ứng dụng App Store (nơi mà chắc chắn nhiều người sẽ bỏ ngõ), FacePlay cho biết sẽ tự động gia hạn khi sắp hết thời gian sử dụng.

FacePlay sẽ tự động gia hạn khi sắp hết thời gian sử dụng nhưng rất ít người để ý đến điều này.

FacePlay còn có tính năng tự động gia hạn đăng ký phiên bản chuyên nghiệp. Chẳng hạn, nếu người dùng đăng ký sử dụng phiên bản Pro của FacePlay trong 1 tuần thì sau khi hết hạn, ứng dụng này sẽ tự động gia hạn thêm 1 tuần nữa mà không hỏi ý kiến người dùng. Điều này khiến người dùng bị trừ tiền trong thẻ tín dụng mà họ không hề biết.

Có thể bạn quan tâm