Những vấn đề đặt ra cho thị trường tài chính năm 2022

Trong năm 2022, có nhiều khả năng sẽ xuất hiện những xáo trộn nhất định trên thị trường tài chính, tiền tệ.
Những vấn đề đặt ra cho thị trường tài chính năm 2022

Với các định hướng điều hành chính sách tiền tệ vừa được nhiều Ngân hàng trung ương công bố vào cuối năm, bước sang năm 2022, khi các điều kiện tài chính sẽ có sự dịch chuyển rõ nét hơn từ trạng thái nới lỏng sang thắt chặt cùng với diễn biến dịch bệnh còn phức tạp, rủi ro địa chính trị có thể gia tăng,… thì nhiều khả năng sẽ xuất hiện những xáo trộn nhất định trên thị trường tài chính, tiền tệ.

Trong đó, đáng chú ý là tình trạng phân kỳ chính sách giữa Mỹ và khu vực Châu Âu, xu hướng tăng lãi suất nhanh hơn kỳ vọng của FED sẽ ảnh hưởng ngay lập tức tới diễn biến của các đồng tiền, diễn biến của dòng vốn, hoạt động của khu vực doanh nghiệp và xa hơn có thể là tình trạng nợ của quốc gia, đặc biệt tại các nền kinh tế mới nổi.

Trên thị trường ngoại hối tiếp tục chứng kiến xu hướng tăng của đồng USD so với các đồng tiền khác, ít nhất cũng là trong khoảng thời gian đầu năm, USD sẽ tăng so với đồng tiền của các nước tiếp tục duy trì trạng thái nới lỏng thích ứng của chính sách tiền tệ như châu Âu, Nhật Bản.

Trong khi đó, tại khu vực châu Á, diễn biến tăng liên tục của đồng CNY có thể sẽ được can thiệp khi các khó khăn trong hoạt động thương mại trên toàn cầu dần được khắc phục.

Sức nóng của đồng USD và việc các Ngân hàng trung ương thay đổi nhanh chóng trạng thái chính sách tiền tệ sẽ đe doạ thành quả của các nền kinh tế mới nổi sau đại dịch, lãi suất tăng có thể làm trầm trọng hơn lượng vốn rút ra khỏi các nền kinh tế này từ năm 2021, ảnh hưởng đến giá trị đồng bản tệ và các tài sản đầu tư.

Đồng thời, các nền kinh tế này cũng phải đối mặt với chi phí tài chính cao hơn, ảnh hưởng trực tiếp tới các nghĩa vụ nợ quốc tế và tạo thêm áp lực cho Ngân hàng trung ương các nước này trong việc ổn định giá trị đồng tiền.

Bên cạnh đó, động lực tăng giá của vàng trong dài hạn nhiều khả năng sẽ bị cản trở. Tuy nhiên, diễn biến tăng có thể vẫn xuất hiện xen kẽ khi dịch bệnh còn diễn biến phức tạp, rủi ro bất ổn chính trị phát sinh hoặc các nước chưa giải quyết được những thách thức lớn như lạm phát, tắc nghẽn chuỗi cung ứng, giá cả năng lượng tăng cao,…

Thị trường chứng khoán được dự báo sẽ phải đối mặt với nhiều thách thức hơn trong năm tới, đáng chú ý là việc các điều kiện tài chính sẽ bị thắt chặt. Mặc dù vậy, với đà phục hồi của kinh tế toàn cầu tiếp tục được duy trì, các khó khăn, thách thức kinh tế trong năm 2021 sẽ dần được giải quyết, cơ hội tăng trưởng của các doanh nghiệp tiếp tục sẽ được mở rộng thì nhiều dự báo lạc quan đã được đưa ra, thị trường vẫn tăng điểm nhưng tốc độ sẽ chậm lại và biến động có thể xuất hiện đối với các phân khúc tài sản được định gía cao.

Trong kịch bản tích cực, chỉ số S&P 500 sẽ tăng trong khoảng 4,5% - 12% (dự báo của BMO Capital Market, Goldman Sachs, Morgan Stanley), lãi suất trái phiếu kỳ hạn 10 năm của Chính phủ Mỹ tiếp tục tăng; tại khu vực châu Âu, chỉ số Stoxx 600 sẽ tăng 6%; chỉ số MSCI của các thị trường mới nổi có thể tăng trở lại. Tuy nhiên, cũng có nhiều dự báo thiếu lạc quan hơn về diễn biến của thị trường tài chính trong năm sau khi cho rằng phần lớn các thị trường sẽ trải qua thời gian suy giảm.

Xem thêm

Có thể bạn quan tâm