Niềm tin phục hồi, nhà đầu tư và doanh nghiệp bắt đầu quay lại thị trường trái phiếu

Chiều 28/5, Cổng Thông tin điện tử Chính phủ tổ chức tọa đàm trực tuyến với chủ đề "Ổn định kinh tế vĩ mô và phát triển thị trường trái phiếu doanh nghiệp" để thảo luận về các biện pháp tiếp tục ổn định và giúp thị trường hoạt động đúng khuôn khổ pháp luật, góp sức cho nền kinh tế...
"Ổn định kinh tế vĩ mô và phát triển thị trường trái phiếu doanh nghiệp"

Tại tọa đàm, Thứ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Trần Quốc Phương đánh giá, kinh tế trong nước và thế giới năm 2022, những tháng đầu năm 2023 là khó khăn, thách thức nhiều hơn thuận lợi, biến động nhanh, rất khó lường, có những thực tiễn xảy ra còn vượt quá dự báo và độ phức tạp của tình hình thế giới tác động đến các nền kinh tế.

Lạm phát đã ảnh hưởng nghiêm trọng đến kinh tế vĩ mô của các nước. Nhiều nước phải “bung” ra các giải pháp ứng phó với tình hình lạm phát gia tăng, đặc biệt là giải pháp tài khoá, tiền tệ. Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (FED) liên tục tăng mức lãi suất ở biên độ lớn, các ngân hàng trung ương của châu Âu và các nền kinh tế lớn đều có động thái tăng mạnh lãi suất để kiềm chế lạm phát. Các giải pháp nêu trên khiến Việt Nam phải đối mặt với giảm sút về tăng trưởng kinh tế.

Điều hành có cơ sở

Thứ trưởng ghi nhận: "Mặc dù trong bối cảnh khó khăn, nhưng kết quả điều hành kinh tế vĩ mô và tăng trưởng, bảo đảm các cân đối lớn, kiểm soát lạm phát của nền kinh tế nước ta vẫn đạt được kết quả đáng khích lệ".

Theo ông Trần Quốc Phương, hết quý 1, tốc độ tăng trưởng GDP đạt 3,32%, trong khi các nền kinh tế lớn có tốc độ tăng trưởng thấp như Mỹ đạt 1,6%; EU đạt 1,3%; Nhật đạt 1,3%; Hàn Quốc đạt 0,8%.  

Bên cạnh đó, sau 4 tháng, chỉ số lạm phát đạt dưới 4% theo chỉ tiêu Quốc hội đề ra. Các nền kinh tế khác đều ở mức khá cao như: Singapore (5,5%); Indonesia (khoảng 5%), Eu (khoảng 7%); Mỹ (khoảng 5%). Với phân tích như vậy, Thứ trưởng cho rằng hoàn toàn có cơ sở để tin tưởng vào các chính sách, điều hành của các cơ quan quản lý từ năm ngoái cũng như đầu năm này để được đạt mục tiêu đã đề ra.

Tại tọa đàm, GS.TS Hoàng Văn Cường, đại biểu Quốc hội, Phó hiệu trưởng Đại học Kinh tế Quốc dân cũng đồng tình với ý kiến đánh giá của Thứ trưởng Trần Quốc Phương. Vị chuyên gia cho rằng trong bối cảnh thế giới có những cơn sóng chao đảo như vấn đề lạm phát, sụt giảm tăng trưởng, Việt Nam giữ được ổn định kinh tế vĩ mô.

Vừa qua, Chính phủ đã đề xuất Quốc hội giảm tiếp thuế VAT 2%, đây là những biện pháp rất kịp thời. Ngoài ra, hiện nay ngân hàng điều hành giảm lãi suất bằng các công cụ điều hành về tiền tệ nhưng ông nghĩ rằng, việc chúng ta dùng tài khóa phối hợp với tiền tệ bằng việc hỗ trợ lãi suất hết sức hiệu quả.

Theo ông Cường: "Bên cạnh đó cần hỗ trợ lãi suất hướng đúng dòng vốn vào đối tượng cần được hỗ trợ. Đồng thời có chính sách hỗ trợ thuế, phí cho các doanh nghiệp. Hiện nay, do thiếu đơn hàng nên nhiều doanh nghiệp phải sa thải lao động thì phải tính đến các chính sách hỗ trợ xã hội, giãn hoãn đóng bảo hiểm xã hội...".

Vị chuyên gia lưu ý thêm, doanh nghiệp đang huy động vốn qua 2 nguồn lực là trái phiếu và ngân hàng. Tuy nhiên, trong bối cảnh này, cần cân bằng giữa các chính sách kiểm soát lạm phát và chuyển hướng đầu tư cung ứng vốn cho doanh nghiệp.

GS.TS Hoàng Văn Cường đánh giá trái phiếu doanh nghiệp kênh cung ứng vốn rất quan trọng cho doanh nghiệp. Tuy nhiên, đầu năm 2022, khi sự cố một số doanh nghiệp rơi vào khủng hoảng pháp lý thì khi đó nhà đầu tư mới thấy rủi ro chứ không đơn giản như gửi tiết kiệm ngân hàng.

"Đây không phải thị trường mua bán hàng hóa thông thường theo đó đòi hỏi phải có khuôn khổ pháp lý và bản thân doanh nghiệp tham gia phải có năng lực và trách nhiệm. Đồng thời, nhà đầu tư cá nhân phải có hiểu biết kỹ về thị trường này, bởi lợi nhuận càng cao thì rủi ro càng lớn", ông nói.

"Ổn định kinh tế vĩ mô và phát triển thị trường trái phiếu doanh nghiệp"
Tọa đàm: "Ổn định kinh tế vĩ mô và phát triển thị trường trái phiếu doanh nghiệp" 

Niềm tin dần khôi phục

Cùng cho ý kiến, TS.Vũ Minh Khương, Giảng viên Trường Chính sách công Lý Quang Diệu cho rằng có 3 loại phát hành trái phiếu doanh nghiệp, thứ nhất là phát hành trái phiếu có bảo hiểm. Thứ hai, phát hành trái phiếu có bảo lãnh. Thứ 3 là loại trái phiếu hoàn toàn không có bảo lãnh, bảo hiểm thì phải có ít nhất 2 công ty đánh giá tín nhiệm để người dân yên tâm.

"Lãi suất trái phiếu phát hành của doanh nghiệp Việt Nam đang rất cao so với thế giới, lên tới 13-15%. Theo đó, nếu có rủi ro hay sự cố thì rất khó trả nợ", ông nói và đề xuất 3 tuyến phòng vệ cho doanh nghiệp.

Về giải pháp gỡ khó cho thị trường trái phiếu doanh nghiệp, Thứ trưởng Bộ Tài chính Nguyễn Đức Chi cho rằng Việt Nam đang trong bối cảnh thị trường, sản xuất khó khăn nên doanh nghiệp cũng gặp khó trong việc hoàn thành các nghĩa vụ với trái chủ.

"Theo đó, giải pháp quan trọng nhất là phải khẳng định ổn định kinh tế vĩ mô, điều hành linh hoạt chính sách tài khóa và tiền tệ. Đây chính là điểm tựa cho doanh nghiệp phục hồi và phát triển", Thứ trưởng Nguyễn Đức Chi đề xuất.

Bên cạnh đó, lãnh đạo Bộ Tài chính cho rằng phải có quy định pháp luật liên quan đến thị trường trái phiếu, kịp thời giúp doanh nghiệp và nhà đầu tư có công cụ pháp lý để giải quyết vấn đề khó khăn trước mắt.

Theo Thứ trưởng, Nghị định 65 vừa ban hành đã có nhiều quy định đối với nhà đầu tư và doanh nghiệp. Đáng chú ý, Chính phủ đã có quy định rõ doanh nghiệp phát hành trái phiếu định kỳ 6 tháng phải có báo cáo kiểm toán bởi cơ quan kiểm toán độc lập.

"Đến nay đã có 15 doanh nghiệp phát hành trái phiếu, mặc dù giảm nhưng là một dấu hiệu tích cực của tác động chính sách. Nhà đầu tư, doanh nghiệp đã bắt đầu quay lại thị trường", Thứ trưởng đánh giá.

Sau Nghị định 08, nhiều doanh nghiệp cũng đã đàm phán với các nhà đầu tư trong bối cảnh khó trả được nợ trái phiếu. Ông Chi cho biết, theo báo cáo đã có 16 doanh nghiệp đã đàm phán với các nhà đầu tư để giải quyết khối lượng trái phiếu tổng trị giá gần 8.000 tỷ đồng như Novaland, Hoàng Anh Gia Lai, Hưng Thịnh Land...

Xem thêm

Có thể bạn quan tâm

Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính trả lời chất vấn trước Quốc hội

Chính phủ đề xuất tái khởi động dự án điện hạt nhân

Để đảm bảo nguồn điện cung ứng trước mắt và lâu dài, Chính phủ đã áp dụng đồng bộ nhiều giải pháp, trong đó có việc thực hiện đề xuất cấp có thẩm quyền tái khởi động dự án điện hạt nhân, phát triển mạnh điện gió ngoài khơi...

Toàn cảnh bức tranh kinh tế 10 tháng năm 2024 qua các con số

Toàn cảnh bức tranh kinh tế 10 tháng năm 2024 qua các con số

Trong 10 tháng năm 2024, kinh tế Việt Nam đạt kết quả tích cực trong nhiều lĩnh vực như: Tổng kim ngạch xuất, nhập khẩu hàng hóa tăng 11,8% (so với cùng kỳ năm 2023); Chỉ số sản xuất ngành công nghiệp tăng ổn định; Số doanh nghiệp thành lập mới “hồi sinh”...